Tại sao chúng ta luôn cảm thấy việc sống lành mạnh thật khó?

Tại sao chúng ta luôn cảm thấy việc sống lành mạnh thật khó?

“Healthy living” là một lối sống đem lại nhiều lợi ích, đặc biệt về sức khỏe. Và ở một thời điểm nào đó trong đời, bạn đã từng thử sống lành mạnh hơn nhưng rồi lại bỏ dở giữa chừng. Thật kỳ lạ, rõ ràng chúng ta đều biết như vậy là tốt và rất sẵn lòng để thực hiện, tại sao nhiều người vẫn không thể duy trì cuộc sống lành mạnh một cách lâu dài?

Chắc hẳn bạn đã nhiều lần tự nhủ mình phải sống lành mạnh hơn hay thử học theo một vài chế độ ăn kiêng nào đó để được xem là “health eating” nhằm cải thiện sức khỏe. Thế nhưng, cho dù thử bắt đầu bao nhiêu lần, kéo dài được trong bao lâu, đều đối mặt với kết quả là “bỏ cuộc”.

Việc bỏ cuộc giữa chừng khi tiến đến lối sống lành mạnh hơn có thể là do bạn đang gặp phải những rào cản này.

Xu hướng sống phổ biến ở hiện tại

Có thể nói, với mức độ phát triển về cả văn hóa, xã hội, kinh tế hay công nghệ kỹ thuật như hiện nay, chúng ta được tự do hơn trong việc lựa chọn sẽ làm gì, sẽ ăn gì và sẽ sống như thế nào.

Một xu hướng được ưa chuộng nhất hiện nay khi nói về lối sống chính là nhanh và tiện. Bạn thường tìm kiếm những bí quyết như “giảm 5kg chỉ trong 1 tuần”, “tập luyện 5 phút để eo thon gọn hơn”… Các biện pháp này thường chỉ là hoạt động ngắn hạn, không bài bản, không phải thông tin nào cũng có cơ sở khoa học chứng minh. Do đó, chúng cũng chỉ đem lại hiệu quả rất nhỏ và thường biến mất sau một thời gian ngắn.

Chúng ta luôn có khái niệm về việc sống lành mạnh, nhưng lại muốn chọn biện pháp đơn giản và dễ dàng, khiến những thói quen xấu thường dễ quay trở lại, nhanh chóng át đi những hoạt động tốt mà bạn vừa làm quen. Vì vậy, trong bài viết này, LEEP.APP sẽ nói đến những yếu tố đang cản trở bạn duy trì lối sống ấy.

Những trở ngại khi duy trì lối sống lành mạnh

1. Thiếu nhận thức

ăn uống lành mạnh

Chỉ ăn những thứ bạn thích có thể thỏa mãn hiện tại nhưng để lại hậu quả lâu dài

Thông thường, chúng ta có xu hướng giảm giá trị tương lai, nghĩa là bạn chú trọng hơn đến những thứ đang có hiện tại mà ít quan tâm đến những gì bạn sẽ có trong một vài năm nữa.

Người ta thường nói “tích tiểu thành đại”. Quan điểm này không chỉ dùng về mặt vật chất mà sức khỏe và tinh thần cũng cần được hiểu như vậy.

Một số thói quen nhỏ mà bạn đang thực hiện ở thời điểm hiện tại sẽ ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến sức khỏe cũng như cuộc sống về lâu dài. Vì thế, những tư tưởng chọn thú vui trong ngắn hạn sẽ khiến bạn phải đánh đổi nhiều lợi ích trong tương lai.

2. Thiếu thời gian

Đây là lý do phổ biến nhất mà nhiều người thường nghĩ đến khi được hỏi “Tại sao bạn không bắt đầu làm một thứ gì đó?”.

Chúng ta làm việc có thể từ 8 – 12 tiếng mỗi ngày. Lịch trình bận rộn, làm nhiều công việc cùng lúc… sẽ tiêu hao nhiều thời gian và công sức của bạn, khiến bạn ít đầu tư vào việc chăm sóc sức khỏe hay tuân thủ một lối sống lành mạnh hơn.

Phần lớn mọi người cũng tin rằng việc phải ăn uống khoa học hay tuân theo một chế độ tập luyện nào đó đòi hỏi rất nhiều thời gian và chỉ phù hợp cho những người rảnh rỗi. Và điều đó khiến họ hoàn toàn bỏ qua dinh dưỡng cũng như tập luyện để sống một cách lành mạnh.

3. Thiếu sự tự chủ

Khoa học về thần kinh cho thấy, khi bạn có áp lực và bị hạn chế về thời gian, việc nhận định đâu là hoạt động tích cực, hay nói cách khác là “lành mạnh” để cơ thể thực hiện trở nên khó hơn rất nhiều.

Khi bị căng thẳng, cơ thể có xu hướng quay trở lại những thói quen cũ, vốn đã được mặc định trong não. Do đó, nếu đang có nhiều thói quen không lành mạnh, bạn sẽ dễ tiếp tục thực hiện chúng khi không có thời gian suy nghĩ và lựa chọn.

Tương tự, tính cách và xu hướng hành động cũng góp phần ảnh hưởng đến việc ra quyết định hay lựa chọn thực hiện những thói quen tích cực. Nếu bạn vẫn để não bộ căng thẳng và duy trì thói quen xấu, về lâu dài có thể dẫn đến não bộ bị tổn thương.

thói quen không lành mạnh

Căng thẳng dễ dẫn đến nhiều thói quen có hại cho cơ thể

4. Thiếu sự hỗ trợ

Healthy living gần như là một phạm trù mới với nhiều quan điểm tích cực nhưng cũng có thể trái ngược hoàn toàn so với những gì bạn đang thực hiện. Vì vậy, tiếp cận một cái gì đó mới với lượng thông tin khổng lồ như vậy có thể khiến bạn cảm thấy khó khăn, thậm chí là quá khó để bắt đầu.

Chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy không biết phải làm gì, làm thế nào và bắt đầu từ đâu. Bạn dễ “lạc lối” vì không có một lộ trình nhất định hay ai đó đồng hành và hướng dẫn cho bạn từng bước. Đó cũng là nguyên nhân khiến xu hướng tìm kiếm những thứ đơn giản và ngắn hạn trở nên phổ biến, vì chúng rất dễ nắm bắt và thực hiện.

5. Thiếu thuận tiện

Đôi khi, việc tập luyện cần phải đến phòng gym hay có người đồng hành mới giúp bạn có động lực và duy trì thực hiện lâu dài hơn. Tuy vậy, nếu không có nhiều cơ sở tập gym ở gần nhà bạn thì sẽ như thế nào?

Với những người làm việc văn phòng hay cần phải chăm sóc gia đình sau giờ làm, việc đi đến phòng tập vài ngày mỗi tuần cũng gần như là bất khả thi. Không ai muốn phải đi quá xa hay mất nhiều thời gian di chuyển để luyện tập cả và lịch trình thực sự của họ cũng không cho phép điều đó.

Tương tự với ăn uống và nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác, chúng chưa thật sự phổ biến và không đủ mức độ tiện lợi để mọi người có thể sử dụng ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào.

6. Thiếu kinh phí

trở ngại khi tập gym

Thanh toán trước khi tập khiến nhiều người cảm thấy do dự và đắn đo về chi phí

Cũng vì chưa quá phổ biến, nhiều dịch vụ hỗ trợ để bạn sống lành mạnh hơn thường đòi hỏi chi phí cao hơn so với thông thường. Nếu bạn đang thắt chặt chi tiêu, việc lựa chọn những thói quen tốn kém hơn chắc chắn sẽ rất khó xảy ra.

Đặc biệt nếu nhắc đến vấn đề tập luyện ở phòng gym, bạn cần phải đăng ký hội viên hay gói tập, thanh toán toàn bộ ngay từ đầu. Điều này dễ khiến bạn đắn đo và không muốn chi tiêu để tập luyện. Bạn còn có thể cảm thấy tốn kém hơn nữa khi ngừng tập giữa chừng dù đã mua gói tập hàng tháng.

7. Thiếu dễ chịu

Yếu tố này nằm một phần trong tâm lý và khả năng đối mặt với thực tế của mỗi người. Ví dụ, bạn không thích xét nghiệm máu, bạn cảm thấy việc rút máu rất khó chịu hay mệt mỏi, bạn sẽ dần có xu hướng hạn chế khám bệnh hay từ chối thực hiện nhiều phương pháp điều trị khác.

Tập luyện, dinh dưỡng trong việc sống lành mạnh cũng tương tự như vậy. Bạn không thích nâng tạ hay không thích ăn rau… tất cả đều khiến tâm lý trở nên bài xích các hoạt động liên quan với chúng, từ đó việc sống lành mạnh cũng dần xa vời hơn.

Như vậy, đây chính là 7 yếu tố cản trở bạn duy trì lối sống lành mạnh một cách lâu dài. Bạn có muốn tìm giải pháp phù hợp nhất để vượt qua những rào cản này và sống lành mạnh hơn? Hãy chờ câu trả lời của LEEP.APP nhé.

Nguồn tham khảo

Why is it so hard to stick to a healthy lifestyle? https://medium.com/why-is-it-so-hard-to-stick-to-a-healthy-lifestyle. Ngày truy cập: 09/10/2020