13 lý do khiến bạn tuyệt đối không muốn tăng cân ngoài kiểm soát
Tăng cân ngoài kiểm soát không chỉ làm gia tăng nguy cơ nhiễm virus Corona mà còn là tác nhân dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Bạn sẽ không muốn nghe quá nhiều về việc giảm cân, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch toàn cầu chưa lắng dịu như hiện nay. Nhưng hãy bắt đầu cân nhắc khi các bác sĩ đã đưa ra thống kê rằng, một số lượng lớn bệnh nhân mắc COVID-19 đều có điểm chung là thừa cân hoặc béo phì. Quan trọng hơn hết là chúng có thể biến chứng và gây ảnh hưởng đến tính mạng. Theo các chuyên gia, những người mắc bệnh béo phì có nguy cơ tử vong cao gấp ba lần người bình thường.
Thừa cân thường đi kèm với nhiều bệnh lý liên quan đến các bộ phận trong cơ thể, từ bệnh tim mạch cho đến ung thư gan, thận, dạ dày hay các vấn đề về khớp. Những căn bệnh này khiến chúng ta mệt mỏi, đau đớn, cũng như rút ngắn tuổi thọ. LEEP.APP sẽ cung cấp thêm thông tin để bạn hiểu rõ hơn việc thừa cân sẽ hủy hoại sức khỏe như thế nào. Hãy chia sẻ bài viết này với những người thân yêu, bạn nhé!
1. Thừa cân khiến bạn dễ bị ảnh hưởng từ các biến chứng của Corona virus
Như đã đề cập ở trên, những người mắc bệnh béo phì (chỉ số cân nặng BMI từ 40 trở lên) có nguy cơ đối mặt với biến chứng của virus Corona rất cao. Thậm chí việc tăng vài trăm gram sẽ là bước đầu tiên làm gia tăng rủi ro xâm nhập của virus. Bởi vì khi đó, cơ thể bạn sẽ phải làm việc một cách khó khăn hơn, dẫn đến tình trạng quá tải do phải xử lý lượng mỡ trong nội tạng – loại mỡ có hại tồn tại xung quanh vùng bụng.
Nếu bạn muốn hệ hô hấp hoạt động mạnh mẽ hơn để tập trung vào cuộc chiến chống COVID-19, bạn nên dành sự quan tâm cho nó nhiều hơn.
Hãy nhớ kết hợp các loại thực phẩm lành mạnh, giàu protein, chất xơ và chất béo có lợi trong thực đơn hàng ngày. Và dành thời gian tập luyện thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Nếu không tiện đến phòng gym, bạn có thể tập luyện trực tuyến cùng các “hiệp sĩ” của LEEP.APP.
2. Thừa cân làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim
Một trong những tác hại nguy hiểm của tăng cân ngoài kiểm soát là nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ
Thừa cân đồng nghĩa việc với hàm lượng cholesterol và đường trong máu cũng tăng cao. Đây là hai yếu tố chủ yếu dẫn đến những cơn đau tim và đột quỵ.
Để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim, cải thiện huyết áp, giảm hàm lượng cholesterol cũng như giúp lưu thông máu, Viện Nghiên cứu Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ (National Institutes of Health) đã thực hiện các nghiên cứu cho thấy, chỉ cần bạn giảm từ 5 – 10% trọng lượng cơ thể hiện tại là đã phần nào đạt được mục tiêu của mình rồi.
3. Thừa cân làm tăng huyết áp
Huyết áp bình thường nằm ở mức dưới 140/90 mmHg
Một khi cơ thể nặng nề hơn, tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể. Hậu quả là huyết áp tăng cao – đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các bệnh tim mạch.
Chính vì vậy, bạn hãy kiểm tra huyết áp thường xuyên. Huyết áp bình thường nằm ở mức dưới 140/90 mmHg. Nếu huyết áp bằng hoặc vượt mức này, bạn có nguy cơ cao huyết áp. Hãy tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ về chế độ ăn kiêng và thay đổi các thói quen hàng ngày cũng như kết hợp với các loại thuốc được chỉ định để có thể điều chỉnh chỉ số huyết áp ở mức an toàn.
4. Thừa cân làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư
Không nên để mình tăng cân ngoài kiểm soát vì có nguy cơ bị ung thư, trong đó có ung thư vú
Theo thông tin từ Hiệp hội ung thư Mỹ (American Cancer Society), thừa cân đẩy bạn thêm một bước gần hơn đến rất nhiều bệnh ung thư, bao gồm ung thư vú, ung thư trực tràng, ung thư tử cung, ung thư túi mật hoặc ung thư thận.
Khoảng 28.000 trường hợp được chẩn đoán ung thư mỗi năm là do béo phì. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa đưa ra kết luận chính xác về nguyên nhân này. Tuy nhiên, vấn đề có thể xuất phát từ sự viêm nhiễm, sự thay đổi trong quá trình chuyển hóa tế bào, thói quen ăn uống không lành mạnh hoặc lối sống ít vận động gắn liền với việc tăng cân ngoài kiểm soát hoặc bao gồm tất cả các nguyên nhân trên.
Nghiên cứu này cũng không đưa ra kết luận rằng liệu giảm cân có thể giảm các rủi ro mắc bệnh ung thư hay không. Cho nên, việc tốt nhất chúng ta có thể làm là duy trì cân nặng ở mức phù hợp và tránh tăng cân ngoài kiểm soát. Bạn có thể tham khảo thêm các bài viết của LEEP.APP về chế độ ăn uống, tập luyện để duy trì cân nặng khỏe mạnh nhé!
5. Tăng cân ngoài kiểm soát làm tăng nguy cơ đột quỵ
Tập luyện tích cực để đảm bảo cân nặng hợp lý
Tình trạng thừa cân hoặc béo phì xảy ra sẽ làm tăng áp lực máu, đây là yếu tố tiên quyết dẫn đến đột quỵ. Bên cạnh đó, các bệnh tim mạch, đường trong máu hoặc hàm lượng cholesterol cao là những yếu tố đi kèm với việc tăng cân ngoài kiểm soát dẫn đến gia tăng tỷ lệ đột quỵ.
Bạn nên giảm cân bằng chế độ ăn kiêng lành mạnh, kết hợp với luyện tập thể dục để đảm bảo số cân luôn được kiểm soát triệt để.
6. Tăng cân ngoài kiểm soát làm giảm chất lượng giấc ngủ
Theo kết luận của Viện Nghiên cứu Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ, tăng cân chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng rối loạn giấc ngủ (được biết đến như trạng thái ngưng thở trong khi ngủ). Thừa một vài kilogram thường đi đôi với việc có thêm mỡ thừa, cộng với sự viêm nhiễm xung quanh cổ, gây cản trở đường lưu thông không khí, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn. Trong suốt thời gian ngủ ban đêm, bạn sẽ gặp tình trạng ngáy hoặc ngưng thở thậm chí đến gần một phút. Điều này gia tăng rủi ro gặp phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm bệnh tim.
Theo khuyến cáo từ bác sĩ, bạn nên duy trì cân nặng ở mức độ hợp lý để hít thở dễ dàng hơn. Trong trường hợp bạn mắc hội chứng ngáy kinh niên bất kể cân nặng của bạn ở mức nào, hãy hỏi bác sĩ để thực hiện thêm các bài kiểm tra về chứng rối loạn giấc ngủ.
Duy trì cân nặng ở mức độ hợp lý để hít thở dễ dàng hơn, không làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ
7. Thừa cân tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường
Viện Nghiên cứu Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ đưa ra thống kê rằng, có hơn 87% người trưởng thành mắc bệnh đái tháo đường do thừa cân hoặc béo phì. Chất béo khiến cơ thể bạn kháng insulin, đây là loại hormone giúp vận chuyển đường từ máu đến tế bào để chuyển hóa thành năng lượng. Khi cơ thể bạn kháng insulin, đường sẽ tồn đọng trong máu, dẫn đến đái tháo đường. Bên cạnh đó, hàm lượng đường tồn tại trong máu cao còn phá vỡ các bức tường động mạch, dẫn đến đau tim, đột quỵ, các vấn đề về thị giác hoặc các bệnh nghiêm trọng hơn nữa.
Nếu bạn đang trong tình trạng thừa cân, hãy chắc chắn rằng mình đã thực hiện các xét nghiệm về bệnh đái tháo đường. Nếu bạn đã được chẩn đoán, hãy tuân thủ các chỉ định của bác sĩ về việc ăn kiêng, thay đổi thói quen sống hay sử dụng các loại thuốc được kê đơn để đảm bảo kiểm soát được tình trạng bệnh.
Nếu thừa cân, bạn nên xét nghiệm bệnh đái tháo đường
8. Tăng cân ngoài kiểm soát làm tăng áp lực lên các khớp xương
Áp lực lên xương và khớp tỷ lệ thuận với số cân nặng của bạn. Khi số cân tăng lên, xương và khớp sẽ chịu nhiều áp lực hơn, tiềm ẩn khả năng dẫn đến tình trạng viêm khớp.
Khung xương được thiết kế phù hợp với một trọng lượng cơ thể nhất định. Mỗi kilogram mỡ thừa sẽ càng làm tăng áp lực lên các khớp. Ví dụ, mỗi 500g bạn thêm vào phần trên của cơ thể, bạn sẽ tăng từ 1,8 – 3,6kg áp lực lên các khớp đầu gối. Tải trọng này cuối cùng sẽ vượt quá khả năng chịu đựng của các khớp và nhanh chóng dẫn đến tình trạng thoái hóa.
Hãy giảm cân để giảm bớt các nguy cơ chấn thương, hạn chế các cơn đau cũng như giảm thiểu nguy cơ viêm khớp nhé!
9. Thừa cân tác động tiêu cực đến gan
Khi bạn tăng cân, chất béo dần hình thành trong gan, dẫn đến hậu quả là gan bị nhiễm mỡ. Tình trạng này còn được biết đến với tên gọi là gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH).
Gan nhiễm mỡ gây ra những tổn hại nghiêm trọng lên gan, bao gồm xơ gan và suy gan. Dựa trên nghiên cứu của Đại học Y Harvard, Mỹ, mỡ bụng giải phóng các chất gây hại trực tiếp đến gan, làm tăng hàm lượng mỡ trong máu.
Theo khuyến cáo, bạn nên thường xuyên thực hiện các bài kiểm tra thể lực. Qua đó, bác sĩ có thể kiểm tra tình trạng gan nhiễm mỡ. Tuy bệnh này rất ít hoặc không có bất cứ triệu chứng nào, nhưng rất dễ kiểm tra thông qua xét nghiệm máu đơn giản.
Chỉ cần giảm bớt lượng chất béo trong cơ thể là bạn đã góp phần giảm bớt lượng mỡ trong gan rồi đấy!
10. Thừa cân là nguyên nhân dẫn đến suy thận
Thừa cân khiến thận bị “stress” trong quá trình hoạt động, gây khó khăn cho việc bài tiết chất độc trong cơ thể. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh đái tháo đường và huyết áp cao – hai căn bệnh này là lý do phổ biến nhất dẫn đến suy thận mãn tính.
Khi thận không lọc máu đúng cách, các chất độc sẽ còn sót lại bên trong cơ thể mà không được đào thải. Quá trình này lặp đi lặp lại trong thời gian dài, dẫn đến suy thận, thậm chí tệ hơn là cần phải chạy thận.
Suy thận là một quá trình phát triển không ngừng. Quá trình này chỉ có thể bị chậm lại nhưng không thể nào đảo ngược. Do đó, hãy hết sức cố gắng giữ cho thận của bạn khỏe mạnh bằng cách kiểm soát cân nặng một cách tốt nhất.
Thừa cân gây khó khăn cho việc bài tiết chất độc của thận dễ dẫn đến suy thận
11. Thừa cân làm chậm quá trình trao đổi chất
Mỡ bụng (hay còn gọi là chất béo nội tạng) là chất béo tồn tại sâu bên trong và bao quanh các cơ quan. Nó giải phóng một số chất làm chậm quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Một khi cân nặng ngày càng gia tăng thì lượng mỡ này càng khó mất đi.
Chế độ ăn kiêng kết hợp tập luyện thể dục sẽ giúp bạn giữ được mức cân nặng phù hợp, nhờ vậy duy trì sức khỏe tốt. Đây không phải là một điều gì đó quá khó khăn để có thể thực hiện.
Đại học Y Harvard khuyến khích mỗi người nên dành ra ít nhất 30 phút mỗi ngày để thực hiện các bài tập với cường độ vừa phải (lý tưởng nhất là 60 phút). Đây có thể xem là bước khởi đầu cho việc giảm cân, rèn luyện sức khỏe cũng như xây dựng cơ bắp.
Ăn uống khoa học, tập thể dục đều đặn, có lối sống lành mạnh là ba cách giúp bạn khắc phục tình trạng thừa cân
12. Thừa cân ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tiêu hóa
Cân nặng thừa không chỉ “tặng” cho bạn lớp mỡ bụng khó ưa, mà còn ảnh hưởng đến dạ dày. Hiệp hội Phòng chống Béo phì Hoa Kỳ (Obesity Action Coalition) cho biết, thừa cân đi đôi với khả năng gặp phải các vấn đề về dạ dày rất cao như đầy hơi, ợ nóng, nôn mửa hay tiêu chảy.
Các nghiên cứu còn liên tục chỉ ra sự liên kết giữa thừa cân và viêm loét dạ dày. Tình trạng thừa cân làm tăng nguy cơ viêm nhiễm ruột khi làm suy yếu các lợi khuẩn, cũng như gây ra hội chứng rò rỉ ruột. Thông qua các lỗ rò rỉ này, chất độc và các mầm bệnh có thể dễ dàng xâm nhập vào hệ tiêu hóa. Vì vậy, bạn nên giảm cân để giữ dạ dày trong tình trạng khỏe mạnh nhé.
Nếu bạn đang gặp phải các vấn đề về tiêu hóa, hãy tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ để cải thiện ngay nhé!
13. Tăng cân ngoài kiểm soát rút ngắn tuổi thọ
Đây là điều đáng sợ nhất: Tăng cân làm giảm tuổi thọ. Theo nghiên cứu của Framingham Heart Study thuộc Đại học Boston, Hoa Kỳ (đã hoạt động 24 năm nay), béo phì đồng nghĩa với tỷ lệ tử vong cao hơn đến 27%.
Năm 2018, các nhà nghiên cứu từ Đại học Pennsylvania và Đại học Sức khỏe Cộng đồng tại Boston (Boston University School of Public Health) đã phát hiện ra rằng tại Mỹ, chỉ riêng tình trạng béo phì đã có thể bào mòn một năm tuổi thọ của bạn.
Mỗi khi ăn gì, bạn hãy nghĩ đến 13 lý do trong bài viết này để chọn thực phẩm lành mạnh
Hãy ngừng xem việc tăng cân là chuyện nhỏ! Sức khỏe tối ưu và cuộc sống hạnh phúc được xây dựng bằng việc duy trì cân nặng ở mức phù hợp và trước mắt là để bạn có thể mạnh khỏe vượt qua giai đoạn dịch COVID-19 hiện nay.
Bạn thấy đấy béo phì có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm đến sức khỏe của mình. Vì vậy, dù là giảm cân không kiểm soát hay tăng cân không kiểm soát đều có những mối nguy hiểm tiềm ẩn cho sức khỏe của bạn. Hãy rèn luyện cho mình thói quen tập luyện thể thao hằng ngày và có chế độ ăn uống lành mạnh nữa nhé.
Nguồn tham khảo
13 Ways Self-Isolation Weight Gain Puts Your Life at Risk https://www.eatthis.com/pounds-ruining-health/ Ngày truy cập: 14/04/2020