Khi bị cảm lạnh hoặc cúm, bạn có nên tập thể dục không?
Mùa mưa là thời điểm nhiều người rất dễ bị cảm lạnh, cảm cúm. Nếu là một gymer và đang bị bệnh, có lẽ bạn đang lo lắng không biết cảm lạnh hoặc cúm có ảnh hưởng đến quá trình luyện tập của mình không? Bài viết này có thể giải đáp thắc mắc cho bạn.
Cảm lạnh hoặc cúm là hai loại bệnh khác nhau nhưng đều có thể gây mệt mỏi và làm gián đoạn quá trình luyện tập của bạn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh sẽ gây nguy hiểm nếu bạn vẫn tập luyện. Vậy nếu bị cảm cúm khi nào bạn có thể đến phòng tập, khi nào nên ở nhà? Hãy cùng LEEP.APP tìm hiểu nhé.
Có nên tập thể dục nếu bị cảm lạnh?
Theo các chuyên gia, bạn vẫn có thể tập luyện nếu các triệu chứng của bạn là những triệu chứng thường gặp như chảy nước mũi, đau họng, chảy nước mắt hoặc sụt sịt nhưng không có hiện tượng sốt. Trong trường hợp này, có một quy tắc mà bạn cần nhớ để đánh giá xem liệu mình có thể vận động khi bị cảm lạnh hay không. Nếu các triệu chứng của bạn xảy ra ở cổ hoặc từ cổ trở lên, bạn vẫn có thể vận động để giúp đổ mồ hôi và khỏi bệnh nhanh hơn.
Tuy nhiên, khi bị bệnh, bạn nên tập thể dục với cường độ thấp hoặc vừa phải. Tập luyện với cường độ cao sẽ khiến cơ thể bị quá tải và làm ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của bạn. Điều này vô tình lại làm chậm hơn quá trình tự chữa lành của cơ thể và khiến bạn bị bệnh lâu hơn. Đặc biệt, nếu các triệu chứng của bạn trở nên tồi tệ hơn khi vận động, bạn nên dừng việc luyện tập lại và nghỉ ngơi ngay.
Nếu tập luyện tại phòng tập hoặc nơi công cộng, bạn hãy cẩn thận để không truyền virus cảm cho người khác. Bạn chỉ cần ho, hắt hơi hoặc thậm chí thở bằng miệng cũng đủ để lây lan virus cho người khác.
>>> Xem thêm: Có nên tập yoga khi bị ốm?
Khi bị cảm lạnh và bạn vẫn tập, hãy lau sạch máy móc và các thiết bị sau khi sử dụng xong nhé
Có nên tập luyện nếu bị cúm?
Nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng ở những bộ phận phía dưới cổ như ớn lạnh, tức ngực, đau nhức cơ thể, bạn nên dành một ngày hoặc một tuần để nghỉ ngơi. Bởi vì ớn lạnh, sốt và đau nhức cơ thể là những biểu hiện của bệnh cúm. Khác với khi cảm lạnh, tập thể dục khi bị cúm có thể gây nguy hiểm cho bạn bởi quá trình này sẽ làm mất nước và kéo dài tình trạng khó chịu.
Việc nghỉ tập có thể là lựa chọn khó khăn đối với những người thích tập gym. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc nghỉ tập vài ngày sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hiệu suất luyện tập của bạn. Ngược lại, đây là lúc các cơ bắp được thư giãn và chữa lành, giúp chúng hồi phục lại sau cuộc tấn công của các virus.
Một lý do nữa khiến bạn không nên đi tập khi đang bị cúm đó là việc có thể lây bệnh cho người khác trong phòng tập. Virus cúm cực kỳ dễ lây. Vì vậy, bạn nên ở nhà ít nhất 48 tiếng sau khi bị sốt. Sau đó, bạn có thể trở lại phòng tập. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, bạn chỉ nên tập các bộ môn có cường độ thấp như đi bộ hoặc yoga và chỉ nên tập trong khoảng 30 phút.
Ngăn ngừa cảm lạnh và cúm nhờ tập thể dục?
Cảm lạnh và cúm đều gây ra những triệu chứng khó chịu. Vì vậy, bạn hãy tìm cách phòng ngừa những căn bệnh này trước khi chúng gây phiền toái cho bạn.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người tập thể dục đúng cách trong khoảng 30 phút mỗi ngày ở hầu hết các ngày trong tháng có nguy cơ mắc cảm cúm thấp hơn người bình thường. Tập thể dục sẽ tăng cường hệ miễn dịch và giúp bạn chống lại bệnh tật. Điều này là do khi tập thể dục, tế bào máu sẽ di chuyển từ các cơ quan vào hệ tuần hoàn chung, nơi có khả năng chống lại và đánh bay các mầm bệnh.
Một số bài tập thể dục làm tăng cường lưu thông máu, giúp tế bào miễn dịch trong cơ thể dễ dàng “tìm kiếm” các mầm bệnh và tiêu diệt chúng. Ngoài ra, tập thể dục còn kích thích hệ bạch huyết để loại bỏ nhanh các chất thải và độc tố ra khỏi cơ thể. Lúc này, chức năng tim và phổi của bạn sẽ được cải thiện đáng kể, từ đó giúp chống lại bệnh tật tốt hơn.
Tập thể dục có thể giúp bạn phòng ngừa cảm cúm
Các bài tập có thể giúp bạn ngăn ngừa cảm lạnh và cúm
Có một số bài tập có thể giúp bạn ngăn ngừa cảm lạnh và cúm như:
Thiền: Thiền là bộ môn mang lại nhiều lợi ích đối với bệnh cúm và các bệnh mạn tính khác. Trong quá trình thiền, bạn có xu hướng xóa bỏ căng thẳng khỏi tâm trí. Điều này cho phép cơ thể thả lỏng và nghỉ ngơi trong điều kiện phù hợp với quá trình tái tạo tế bào. Do đó, lưu lượng máu của bạn sẽ tăng lên và nhịp tim sẽ giảm xuống. Điều này giúp tăng cường hệ miễn dịch và giúp ngăn ngừa cảm cúm.
Tập thể dục trong 30 phút: Việc vận động nhiều sẽ mang đến cho bạn một sức đề kháng mạnh mẽ để chống lại bệnh tật. Tập thể dục thường xuyên trong 30 phút giúp tăng cường cơ bắp và thể lực của bạn. Tất cả những gì bạn cần làm là thực hiện các bài tập giãn cơ, bài tập cardio và một vài bài tập cơ bản khác. Không quá khó phải không bạn nhỉ?
Chạy bộ: Chạy bộ trên máy sẽ giúp bạn đổ nhiều mồ hôi và là phương pháp giúp đốt cháy calorie hiệu quả. Đốt cháy chất béo và calorie sẽ giúp bạn duy trì cân nặng ổn định, một điều vô cùng cần thiết trong quá trình phòng ngừa cảm cúm.
Như các bạn đã thấy, trong một số trường hợp, bạn vẫn có thể tập thể dục dù bị cảm lạnh hoặc cúm. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý các triệu chứng của bệnh để lựa chọn xem liệu mình có nên tập luyện hay không.
Nguồn tham khảo
Should You Work Out if You Have a Cold or the Flu? https://www.health.com/condition/cold-flu-sinus/exercise-cold-flu Ngày truy cập 1/11/2020
Exercise and the Flu https://www.webmd.com/cold-and-flu/exercise-when-you-have-the-flu Ngày truy cập 1/11/2020
Does Exercise Reduce Risk Of Cold & Flu? https://efm.net.au/does-exercise-reduce-risk-of-cold-flu/ Ngày truy cập 1/11/2020