10 lời đồn về dịch COVID-19 bạn cần quên ngay

10 lời đồn về dịch COVID-19 bạn cần quên ngay

Một lần nữa, dịch COVID-19 lại đang bùng phát mạnh mẽ ở nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước. Ở thời điểm hiện tại, bạn cần bình tĩnh, chủ động phòng ngừa và tìm hiểu thật kỹ các thông tin để tránh những hiểu lầm không đáng có dẫn đến những rủi ro nghiêm trọng.

COVID-19 đang là đề tài được bàn luận sôi nổi trên các trang mạng xã hội trong thời điểm hiện tại. Bên cạnh những thông tin chính thống thì hiện trên các trang mạng xã hội, các thông tin sai lệch xoay quanh virus Corona và COVID-19 vẫn xuất hiện đầy rẫy. Hiện căn bệnh này vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa và không có khả năng miễn dịch cộng đồng nhưng bạn vẫn có thể tự bảo vệ bản thân bằng cách đeo khẩu trang khi ra ngoài, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trong ít nhất 20 giây, đứng cách xa người khác 1m…

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các trang mạng xã hội liên tục đưa tin về các biện pháp phòng bệnh vô căn cứ như tự làm nước rửa tay khô, phun thuốc tẩy lên cơ thể… Thậm chí, những tin tức này tràn lan đến nỗi Facebook phải đưa ra lệnh cấm đối với các quảng cáo liên quan đến các phương pháp điều trị COVID-19. LEEP.APP đã tổng hợp 10 lời đồn về dịch COVID-19 đang phổ biến trong thời gian gần đây, bạn hãy dành chút thời gian xem qua để hiểu hơn về dịch bệnh này nhé

Lời đồn 1: Đeo khẩu trang y tế có thể gây thiếu oxy và ngộ độc CO2

Có rất nhiều tin đồn trên các trên mạng xã hội lan truyền rằng việc đeo khẩu trang có thể khiến bạn hít quá nhiều CO2 và hạn chế khả năng nhận oxy.  Tuy nhiên, kể từ khi khẩu trang được phát minh, vẫn chưa có bằng chứng nào chứng minh khẩu trang làm hạn chế lượng oxy mà cơ thể nhận được hoặc làm tăng lượng CO2 mà bạn hít vào.

Khẩu trang y tế N95 có thể khiến CO2 tích tụ bên trong nếu sử dụng liên tục trong vài giờ nhưng điều này chỉ xảy ra với những người có vấn đề về hô hấp. Còn với khẩu trang y tế mà chúng ta đang sử dụng thì khí CO2 vẫn có thể dễ dàng thoát ra ngoài.

Đôi khi đeo khẩu trang khiến bạn khó thở nhưng đến thời điểm hiện tại việc làm này có thể giúp bạn phòng bệnh tốt nhất

Lời đồn 2: Virus SARS-CoV-2 được con người tạo ra và có người cố tình phát tán

Có rất nhiều lời đồn đoán rằng virus Corona được tạo ra trong phòng thí nghiệm và được cố tình phát tán ra ngoài để giết người. Các nhà khoa học nói rằng không có bằng chứng chính xác về chuyện này. Họ thừa nhận rằng virus SARS-CoV-2 rất giống với SARS-CoV, loại virus gây ra dịch SARS năm 2002 và có nhiều bằng chứng cho thấy virus này có nguồn gốc từ dơi và tê tê. Nếu ai đó cố tình tạo ra một loại virus để đe dọa dân số toàn cầu, đó sẽ phải là một thứ gì đó nguy hiểm hơn.

Hiện tại vẫn chưa có thông tin chính xác về virus phát tán từ phòng thí nghiệm. Vì vậy, bạn hãy tập trung vào việc phòng bệnh hơn là tin vào những lời đồn vô căn cứ

Lời đồn 3: Không nên đi cấp cứu trong những trường hợp khẩn cấp vì rất dễ bị nhiễm virus SARS-CoV-2

Nỗi sợ hãi này hoàn toàn đúng khi bệnh viện là nơi có nguy cơ lây nhiễm cao nhất. Tuy nhiên, trong các trường hợp khẩn cấp như đau tim, đột quỵ, bạn cần đi khám ngay bởi những tình trạng này nếu không can thiệp kịp thời có thể gây tử vong.

Trong trường hợp cần cấp cứu, bạn nên đến bệnh viện ngay. Các bác sĩ mới có thể cứu chữa bệnh kịp thời

Lời đồn 4: Đeo khẩu trang có thể bảo vệ hoàn toàn khỏi virus SARS-CoV-2

Đeo khẩu trang là điều bắt buộc khi đi ra ngoài để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên, điều này vô tình lại gây ra hiểu lầm về công dụng của chiếc khẩu trang.

Khẩu trang có tác dụng ngăn ngừa giọt bắn từ nhừng người xung quanh khi nói chuyện, ho, hắt hơi… Khẩu trang y tế, khẩu trang vải có thể ngăn được điều này nhưng không thể ngăn virus xâm nhập hoàn toàn. Khẩu trang duy nhất có thể chặn được virus SARS-CoV-2 là mặt nạ phòng độc N95 nhưng chỉ các chuyên gia y tế mới nên sử dụng.

Lời đồn 5: Nếu có thể nín thở trong 10 giây có nghĩa là bạn không bị nhiễm virus SARS-CoV-2

Nguyên nhân dẫn đến hiểu lầm này là do khi một người bị nhiễm SARS-CoV-2, họ sẽ bị khó thở và 50% phổi sẽ bị xơ hóa. Một số bài viết đăng trên mạng xã hội nói rằng nếu bạn có thể nín thở trong 10 giây mà không bị thở hổn hển hoặc cảm thấy căng cứng ở ngực thì có nghĩa là phổi không bị xơ và có khả năng không bị nhiễm.

Thực tế, dù virus SARS-CoV-2 có thể gây xơ phổi nhưng việc nín thở không phải là cách “xét nghiệm” tại nhà phù hợp để xác định xem bạn có bị tổn thương phổi hay không. Để chẩn đoán chính xác, bạn cần thực hiện một loạt các xét nghiệm y khoa.

Mời bạn xem thêm bài Thực hiện bài hít thở này mỗi ngày để có lá phổi khỏe mạnh chống lại COVID-19.

Nếu nín thở được trong 10 giây cũng chưa chắc là bạn không nhiễm virus. Cách xác định chính xác chỉ qua xét nghiệm máu

Lời đồn 6: Uống nước sẽ đẩy virus ra khỏi cơ thể

Nhiều thông tin trên mạng chia sẻ rằng chỉ cần uống nước sau mỗi 15 phút thì dù virus SARS-CoV-2 đã xâm nhập vào cơ thể thì nước và các chất lỏng vẫn có thể đẩy nó vào dạ dày – nơi mà virus này sẽ dễ dàng bị axít dạ dạy tiêu diệt. Không những vậy, một số bài đăng còn nói rằng nếu không uống đủ nước, virus SARS-CoV-2 sẽ xâm nhập vào đường thở và phổi. Ngoài ra, cũng có một số thông tin nói rằng, virus này có thể bị loại bỏ khỏi cổ họng bằng cách súc miệng bằng nước ấm và muối hoặc giấm.

Thực tế, việc cung cấp đủ nước cho cơ thể là điều mà bạn cần làm mỗi ngày dù có bệnh hay không. Nhưng theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), không có bằng chứng nào cho thấy uống nước có thể bảo vệ bạn khỏi bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, việc súc miệng bằng nước muối hoặc giấm cũng không có tác dụng.

Nếu chỉ uống nước đã có thể rửa trôi virus thì đây là một cách phòng bệnh tuyệt vời. Tiếc thay điều này lại không đúng

Lời đồn 7: Tránh uống ibuprofen nếu bị nhiễm virus SARS-CoV-2

Thông tin này xuất phát từ một nguồn tin khá uy tín khi cho rằng việc dùng các loại thuốc chống viêm không steroid (còn gọi là NSAID), chẳng hạn như ibuprofen có thể làm tình trạng nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng hơn. Một số báo cáo cũng nói rằng dùng ibuprofen và NSAID có thể làm cho các triệu chứng của COVID-19 trở nên tồi tệ hơn.

Thông tin này hiện đang là một vấn đề gây tranh cãi. Cả Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và các cơ quan y tế châu Âu đều nói rằng không có đủ bằng chứng khoa học cho thấy dùng ibuprofen có thể khiến các triệu chứng của COVID-19 trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, cũng có một số chuyên gia ủng hộ thông tin này và cho rằng không nên sử dụng ibuprofen để điều trị sốt do virus SARS-CoV-2 gây ra.

Về vấn đề điều trị COVID-19, gần đây có nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ) đã phát hiện phương pháp châm cứu có thể làm dịu “cơn bão cytokine” – tình trạng khiến cơ thể mất khả năng kiểm soát các triệu chứng viêm. Bạn có thể tìm hiểu thêm điều này qua bài viết Châm cứu có thể hữu ích cho người bị nhiễm COVID-19.

Các cơ quan uy tín của Mỹ và châu Âu đã bác thông tin dùng thuốc hạ sốt có thành phần ibuprofen có thể khiến tình trạng nhiễm bệnh nặng hơn

Lời đồn 8: Virus SARS-CoV-2 “chết” trong thời tiết nóng

Cũng giống như virus cúm, nhiều người cho rằng virus SARS-CoV-2 sẽ chết trong thời tiết nóng bức. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), virus SARS-CoV-2 có thể lây truyền ở tất cả các khu vực trên toàn cầu, bao gồm cả khí hậu nóng. Nó sẽ không biến mất ở Bắc bán cầu khi thời tiết ấm hơn vào mùa xuân và mùa hè. Hiện các nhà khoa học vẫn chưa biết liệu SARS-CoV-2 có phải là virus theo mùa như cúm hay không.

Những nước có khí hậu nóng bức như Algeria, Iraq, Somalia, Ấn Độ, Iran, Mexico… cũng có những ca nhiễm virus nguy hiểm này

Lời đồn 9: Sử dụng tỏi và thảo dược có thể giúp ngừa virus SARS-CoV-2

Tỏi được cho là giúp tăng cường hệ miễn dịch và do đó, nhiều người đã truyền tai nhau rằng loại thực phẩm này có thể giúp ngăn ngừa virus SARS-CoV-2. Một số bài đăng còn khuyên nên đun sôi tỏi và uống nước để phòng bệnh. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dù tỏi rất hữu ích với hệ miễn dịch nhưng nó không thể bảo vệ bạn khỏi virus SARS-CoV-2.

Lời đồn 10: Uống, tiêm, phun cồn hoặc thuốc tẩy lên cơ thể sẽ ngăn ngừa virus SARS-CoV-2

Khi dịch bệnh quay trở lại, một số người lại nghĩ ra nhiều cách khác để tự bảo vệ như phun thuốc khử trùng lên cơ thể hoặc quần áo. Một số bài đăng thậm chí còn lan truyền về việc sử dụng chất tẩy trắng, metanol và ethanol để ngăn ngừa bệnh.

Vì lo lắng quá mức về bệnh nên một số người phun thuốc khử trùng lên người để mong diệt virus SARS-CoV-2

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết việc phun thuốc tẩy, ethanol hoặc metanol lên cơ thể không những không ngừa được virus SARS-CoV-2 mà còn có thể gây hại cho màng nhầy. Hơn nữa, bạn tuyệt đối không được uống, tiêm cồn hoặc thuốc tẩy vì điều này có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và thậm chí dẫn đến tử vong.

Bạn có thể đi và gặp một người mang virus SARS-CoV-2 mà mình không hề hay biết cho đến khi Bộ Y tế đưa ra những thông báo khẩn. Lúc này, có lẽ việc phòng bệnh cho bản thân là một cách làm thật sự cần thiết. Bạn chú ý đến những thực phẩm giúp tăng sức đề kháng tránh thói quen ăn uống làm suy giảm hệ miễn dịch, đồng thời tăng cường tập luyện tại nhà. Nếu muốn tham khảo về các bài tập luyện mùa COVID-19, bạn hãy truy cập vào trang web www.leep.app hay tải ngay LEEP.APP tại đây. Nhiều điều thú vị đang chờ bạn.

>>> Xem thêm: 16 hiểu lầm trong mùa dịch bệnh nCoV cần được giải tỏa

Nguồn tham khảo

11 coronavirus health myths, fact checked https://www.cnet.com/health/coronavirus-health-myths-fact-checked/ Ngày truy cập: 31/7/2020