Làm thế nào để nhận biết và không lan truyền các thông tin y tế sai lệch?

Làm thế nào để nhận biết và không lan truyền các thông tin y tế sai lệch?

Hiện nay, dịch bệnh đang xuất hiện trở lại ở một số tỉnh thành như Đà Nẵng, TP. HCM, Quảng Nam, Đắk Lắk, Hà Nội, Đồng Nai, Khánh Hòa, Hà Nam… và bắt đầu có những ca đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2 tử vong. Điều này khiến nhiều người không khỏi hoang mang lo lắng, đặc biệt khi xem các thông tin chia sẻ trên mạng xã hội. Tin nào đúng tin nào sai, bạn cần cân nhắc và cẩn thận khi chia sẻ.

Thời đại thông tin kỹ thuật số như hiện nay, không khó để các mẩu tin có thể lan truyền với tốc độ chóng mặt, gây hoang mang cho cộng đồng. Kiểm chứng những thông tin chuẩn xác và chất lượng chưa bao giờ cần thiết hơn lúc này, khi mà dịch bệnh đang trở lại. Cùng LEEP.APP điểm qua các lý do vì sao thông tin y tế sai lệch lại có sức lan truyền chóng mặt và làm thế nào để nhận biết độ tin cậy của bất kỳ thông tin y tế nào.

Tại sao các thông tin y tế sai lệch lại có tốc độ lan truyền lớn đến vậy?

Những thông tin sai sự thật được lan truyền trên mạng không phải là một hiện tượng mới mẻ, nhưng với sự xuất hiện của dịch bệnh, những thông tin sai lệch càng có cơ hội phát tán rộng rãi hơn do là vấn đề nóng hổi, được cả xã hội quan tâm.

Một lý do tất yếu mà không ai có thể phủ nhận là tốc độ cập nhật thông tin của các phương tiện truyền thông truyền thống như báo chí, tin tức, thời sự trên tivi chậm hơn nhiều so với các thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội. Thêm vào đó, các trang thông tin chính thống còn cần thời gian tìm hiểu, nghiên cứu và kiểm chứng các thông tin sai lệch rồi mới cho phát hành. Trong thời gian đó, có biết bao nhiêu tin giả ra đời và lan truyền đến bao nhiêu người.

Từ khi xuất hiện ca nhiễm 416, thông tin giả về dịch bệnh cũng lan truyền nhanh

Những người tiếp nhận và chia sẻ thông tin thường chỉ muốn tương tác với điều mình muốn đọc, phù hợp với bản thân mà không chịu dành thời gian để kiểm chứng. Ví dụ, trường hợp của nước Mỹ, dù các chuyên gia y tế rất nỗ lực khuyên và ra thông báo đến người dân thực hiện các biện pháp an toàn nhưng một số người vẫn làm lơ. Thay vào đó, họ đọc và chia sẻ những thông tin sai lệch về tính hiệu quả của khẩu trang (không cần đeo khẩu trang khi có dịch, để cơ thể tự miễn dịch chủ động) nhằm củng cố lòng tin rằng việc mình đang làm là đúng.

Một nghiên cứu tại Mỹ được công bố vào năm 2020 trên tạp chí Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia (Proceedings of the National Academy of Sciences) cho biết, càng tiếp nhận nhiều thông tin, dù đúng hay sai, khả năng cảnh giác của con người càng giảm. Ban đầu các đối tượng tham gia nghiên cứu được mách những mẹo để sàng lọc thông tin và họ làm việc này rất hiệu quả. Tuy nhiên, càng về sau, mức độ cảnh giác của các đối tượng nghiên cứu giảm dần, do não cần thư giãn và qua đó lơ là, thậm chí quên luôn các mẹo đã học.

Nhìn chung, tâm lý chủ quan và ý thức cộng đồng là những điều quyết định độ phổ biến và sự lan truyền của bất kỳ thông tin nào. Vì vậy, luôn giữ vững tâm lý cảnh giác và chỉ tiếp nhận những thông tin từ nguồn chính thống là điều mỗi người cần làm để ngăn các thông tin sai lệch phát tán.

Làm sao để xác định độ chính xác của các thông tin y tế?

Kiểm tra một thông tin ở nhiều nguồn khác nhau

Khi điểm tin y tế, bạn chọn các nguồn uy tín từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), Bộ Y tế hay chọn các trang báo khác nhau cùng nói về thông tin đó. Khi dành thời gian để làm việc này, bạn sẽ chắc chắn được mình đã nắm được thông tin chuẩn xác của tình hình dịch bệnh.

Khi có một thông tin y tế mới, bạn nên cập nhật từ nhiều nguồn khác nhau

Đọc bình luận

Hiện tại, tính năng bình luận luôn có trên mạng xã hội và hầu hết các báo điện tử. Nếu đọc được nhiều bình luận phản bác về thông tin đó, thì có thể độ tin cậy của nó thấp và ngược lại. Một thông tin y tế cũng có thể mở ra một diễn đàn tranh luận ở phần bình luận này. Đôi khi bạn có thể bắt gặp một số ý kiến của các chuyên gia. Vì vậy, chăm lướt bình luận cũng là một việc làm nhằm kiểm tra độ tin cậy của thông tin. Tuy nhiên, hãy chắc chắn rằng việc này không ảnh hưởng quá nhiều đến sinh hoạt của bạn vì với những vấn đề nóng hổi, việc đọc bình luận cũng tốn khá nhiều thời gian.

Tham khảo qua các bình luận dưới mỗi tin để biết thêm ý kiến của nhiều người về một vấn đề đang hot

Tìm hiểu mục đích đăng tin

Bán hàng online đang là xu hướng kinh doanh mới và phổ biến hiện nay. Do đó, có nhiều người sẽ lợi dụng các thông tin giật gân để thu hút nhiều người bằng các đường link, thông tin bất chấp đúng sai, miễn là tít khiến người ta muốn xem và đánh đúng vào tâm lý.

Trái ngược hoàn toàn với các trang thông tin uy tín, mục đích chính của họ là đem đến những thông tin chính xác và hữu ích nhất có thể. Tít cũng là một phần khá quan trọng để bạn xác định độ chính xác của thông tin y tế, với những tít “câu dẫn” hoặc có phần hơi khó tin thì bạn nên hạn chế đọc và chia sẻ.

Không đọc tin tức trên mạng xã hội

Không thiếu những trang báo mạng, website uy tín để bạn có thể tham khảo thông tin. Vì vậy, không có lý do gì để bạn tiếp cận những thông tin một cách không rõ ràng do cộng đồng mạng tạo ra. Đặc biệt, cập nhật các thông tin về dịch bệnh nhanh chóng trên website của chính phủ là một việc nên làm.

Sự bình tĩnh, tâm lý vững vàng, không hoang mang, lo lắng thái quá và áp dụng những biện pháp phòng bệnh là những điều nên làm trong thời điểm này. Để có thể đẩy lùi dịch bệnh một cách hiệu quả, hãy cùng chung tay chia sẻ những thông tin hữu ích, chính thống và không lan truyền các thông tin mà bạn chưa kiểm chứng.

Ngoài ra, để có thể cập nhật những thông tin hữu ích khác về tình hình dịch bệnh, những bài tập luyện tăng sức đề kháng hay thực phẩm dinh dưỡng tăng sức đề kháng, bạn hãy truy cập vào website www.leep.app hoặc tải LEEP.APP tại đây.

Nguồn tham khảo

Learn to spot fake health news with these 5 tips https://www.healthline.com/health-news/learn-to-spot-fake-health-news-with-these-5-tips Ngày truy cập: 31/07/2020