Hãy biến chủ nghĩa hoàn hảo thành cánh tay đắc lực của bạn, thay vì rào cản đầy áp lực
Chủ nghĩa hoàn hảo khiến bạn áp lực và trầm cảm, nhưng bạn hoàn toàn có thể biến nó thành sức mạnh của mình.
Đã bao nhiêu lần bạn nói “Điều đó thật hoàn hảo!” mà không nhận ra? Đó là một cụm từ mà chúng ta dùng quá nhiều đến nỗi ý nghĩa của nó đã dần dần vơi đi qua các cuộc trò chuyện hàng ngày. Một chiếc bánh hoàn hảo, một ngày làm việc hoàn hảo, thời tiết hoàn hảo.
Nhưng khi chúng ta dùng cụm từ này để mô tả người khác hoặc hành động của chính mình thì áp lực và kỳ vọng sẽ xuất hiện.
Ngày nay, tính cầu toàn ở con người – trạng thái từ chối chấp nhận bất cứ thứ gì khác ngoài sự hoàn hảo – đang ngày càng gia tăng. Một nghiên cứu năm 2018 của các sinh viên đến từ Hoa Kỳ, Canada và Anh cho thấy, từ năm 1989 đến năm 2016, chủ nghĩa hoàn hảo tự định hướng (mong muốn bản thân hoàn hảo) đã tăng 33%. Chủ nghĩa hoàn hảo theo định hướng khác (mong muốn người khác hoàn hảo) cũng tăng 16%.
Chủ nghĩa hoàn hảo có ích lợi gì chăng?
Có, nếu chúng ta hướng mình đến kiểu chủ nghĩa hoàn hảo hữu ích. Các chuyên gia chia chủ nghĩa hoàn hảo thành hai loại: chủ nghĩa hoàn hảo không thích nghi và chủ nghĩa hoàn hảo thích ứng.
Chủ nghĩa hoàn hảo không thích nghi là khi chúng ta có những kỳ vọng hoàn hảo và tự dằn vặt mình nếu chúng không thành hiện thực. Điều này dẫn đến mặc cảm, trầm cảm và lo lắng.
Trái lại, chủ nghĩa hoàn hảo thích ứng là khi bạn có cùng những kỳ vọng đó, nhưng bạn cũng có sự uyển chuyển nếu không đạt được các tiêu chuẩn đó. Sự kỳ vọng là một sự thúc đẩy lành mạnh để bạn phấn đấu đạt được các mục tiêu thực tế, mà không làm bạn phải tự xấu hổ nếu chúng không thành hiện thực. Những người có xu hướng cầu toàn thích ứng cao thường đặt ra những kỳ vọng cao (nhưng thực tế) cho bản thân và thành công với tỷ lệ cao hơn.
Chủ nghĩa hoàn hảo thích ứng có thể giúp thúc đẩy động lực của bạn, nhưng thực tế, khó có thể cân bằng giữa hai kiểu chủ nghĩa hoàn hảo – vì bản thân chúng ta đều không hoàn hảo!
Nhưng các nhà tâm lý học ở Úc đã phát hiện ra một bí quyết có thể làm giảm bớt mối liên hệ giữa chủ nghĩa hoàn hảo và các triệu chứng trầm cảm, đó là sự yêu thương bản thân. Nghiên cứu của họ cho thấy rằng, những người tham gia thực hành nhiều hơn “lòng bao dung với bản thân” sẽ làm giảm tác động của xu hướng cầu toàn tiêu cực.
Tìm hiểu thêm: Thiền giúp hỗ trợ điều trị rối loạn lưỡng cực như thế nào?
Những khoảnh khắc bao dung với bản thân có thể có những dạng thức khác nhau đối với những người khác nhau. Dưới đây là một số cách bạn có thể dùng lòng bao dung với bản thân để chống lại bất kỳ xu hướng cầu toàn tiêu cực nào.
5 bí quyết để theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo một cách tích cực
Cách 1: Nâng cấp lên tư duy “định hướng thành công”
Bạn có thể kiểm tra xem chủ nghĩa hoàn hảo của mình có tích cực hay không bằng cách tự hỏi: Tôi có tư duy “định hướng thành công” hay “định hướng thất bại”?
Chủ nghĩa hoàn hảo theo định hướng thành công cũng tương tự như chủ nghĩa hoàn hảo thích ứng. Những người thuộc nhóm này tập trung vào các khía cạnh tích cực của cách họ đặt mục tiêu, cảm nhận về công việc và cách họ phản ứng với những thất bại.
Nói một cách đơn giản: Những người cầu toàn hướng đến thành tích đặt mục tiêu của họ vào những gì họ có thể đạt được thay vì những gì họ có thể mất. Ví dụ, người định hướng thành công muốn chiến thắng cuộc đua trong khi người định hướng thất bại không muốn thua cuộc đua.
Lần tới, khi bạn có một mục tiêu lớn, hãy thử dành một chút thời gian để suy ngẫm về con đường đạt được nó và dành một giây để xem xét cách bạn nghĩ về nó, xem bạn thuộc típ người nào.
Dùng sự thành công làm la bàn dẫn lối là cách đầu tiên để giúp điều chỉnh khuynh hướng cầu toàn của bạn theo hướng tích cực.
Cách 2: Viết nhật ký biết ơn cho chính bạn
Dành thời gian để nhận thấy mình tỏa sáng hàng ngày có thể giúp bạn nhìn nhận bản thân theo cách tử tế hơn. Mỗi ngày, hãy viết ra tất cả những thành tựu của bạn, dù lớn hay nhỏ.
Hãy tìm ít nhất một điều để biết ơn mỗi ngày trong tuần này và viết nó ra. Khi bạn đã thu thập được giá trị của một tuần, hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm về sự thăng tiến của bạn.
Tìm hiểu thêm: 9 mẹo để có ngày cuối tuần tuyệt vời
Cách 3: Dàn xếp nội tâm
Vào những ngày bạn thấy mình đang lẩm bẩm những điều tiêu cực về cách bạn thể hiện bản thân trong một cuộc trò chuyện hoặc trong một công việc, hãy tạm dừng trong giây lát. Tất cả chúng ta đều vấp phải khuynh hướng này khi nói chuyện với chính mình.
Bạn có thể mất một chút thời gian để nhận ra điều đó. Nhưng tạm dừng cuộc trò chuyện nội tâm và sắp xếp những suy nghĩ đó thành những khẳng định tích cực có thể giúp bạn vượt qua những khoảnh khắc mà con người cầu toàn trong bạn đang cố gắng “giật mic”, “cướp lời” bạn. Hãy dừng lại, hít sâu để làm chủ bản thân.
Cách 4: Đối xử với bản thân như một người bạn
Bạn bè sẽ không làm cho nhau cảm thấy mặc cảm tội lỗi, phải bỏ bê bạc đãi bản thân, hay coi thường thành tích của mình. Vì vậy, bạn cũng đừng cho phép mình cảm thấy những điều này.
Hãy đối xử với bản thân như cách bạn đối xử với người người bạn thân nhất. Tha thứ cho bản thân và trở thành “BFF” (best friend forever – người bạn thân nhất) của chính mình cũng sẽ là một sự thúc đẩy tổng thể về hạnh phúc và sức khỏe.
Cách 5: Tìm một câu “thần chú” để “niệm”
Hãy khai thác sức mạnh của việc lặp đi lặp lại một câu tâm niệm phù hợp với các giá trị của bạn và sử dụng nó trong những lúc cần thiết.
Nó có thể đơn giản như: “Tôi tự tin là tôi có thể làm được” hoặc phức tạp như Wonder Woman: “Tôi là Diana của Themyscira, con gái của Hippolyta, Nữ hoàng của vùng Amazons. Nhân danh tất cả những gì tốt đẹp, cơn thịnh nộ của bạn đối với thế giới này đã kết thúc”.
Hãy trang bị một vài câu thần chú để tăng thêm lòng trắc ẩn với bản thân, để những khoảnh khắc tăm tối sẽ trở nên tươi sáng hơn.
Ranh giới giữa chủ nghĩa hoàn hảo không thích nghi và thích ứng có thể rất mong manh. Hãy trao lòng bao dung cho bản thân và bạn sẽ bay trên đôi cánh của sự tự tin thay vì bị ghì nặng bởi áp lực phải hoàn hảo.
Nguồn tham khảo
How to Make Perfectionism Work For—Not Against—You https://advice.shinetext.com/articles/how-to-make-perfectionism-work-for-not-against-you/ Ngày truy cập: 1/9/2020