Karate vs Taekwondo: Lựa chọn nào là hợp lý?
Đa phần mọi người đều phân vân giữa Karate vs Taekwondo khi bắt đầu học. Vậy câu trả lời là gì? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Nếu bạn còn “chân ướt chân ráo” vào thế giới võ thuật, bạn sẽ dễ dàng nhầm lẫn giữa Karate vs Taekwondo. Hai trường phái võ thuật này có nhiều điểm giống nhau cũng như điểm khác nhau. Và để giúp bạn hiểu sâu hơn, bài viết này sẽ liệt kê những điểm khác biệt cơ bản của cả hai bộ võ. Từ đó, cộng với trải nghiệm thực tế, giúp bạn tìm được môn võ thích hợp với bản thân.
Lịch sử Karate vs Taekwondo
Karate
Hình thức sơ khai của Karate bắt nguồn khoảng 500 năm trước trên đảo Okinawa, Nhật Bản. Mặc dù chưa có bằng chứng xác thực, nhưng các chuyên gia tin rằng Karate được tạo ra thời vua Shoha. Thời điểm này, vũ khí không được sử dụng. Vì vậy, mọi người bắt đầu sử dụng tay không để tự vệ lẫn chiến đấu.
Karate chịu ảnh hưởng của cả Nhật Bản và Trung Quốc. Võ sư Karate đầu tiên được biết đến là Gichin Funakoshi, người sau này lập ra lưu phái Karate lớn nhất, lưu phái Karate Shotokan. Gichin đã dành cả đời để truyền bá Karate ra khắp Nhật Bản và lan rộng ra thế giới.
Qua nhiều năm, Karate không ngừng phát triển thành một hình thức võ thuật chính thống
Nhiều phong cách Karate khác nhau bắt đầu được thành lập và truyền bá. Tính đến hiện nay, 4 phong cách Karate phổ biến và được Liên đoàn Karate thế giới (WKF – World Karate Federation) công nhận là:
- Gōju-ryū
- Shitō-ryū
- Shotokan
- Wadō-ryū
Ngày nay, Karate được đưa vào nhiều cuộc thi đấu ở cấp độ chuyên nghiệp bởi Liên đoàn Karate Thế giới và gần đây nhất, Olympic.
Taekwondo
Tương tự Karate, Taekwondo cũng có nguồn gốc xa xưa. Những ghi chép cổ nhất về phương pháp chiến đấu này có từ 50 năm trước Công Nguyên tại Hàn Quốc. “Tae” có nghĩa là “cước pháp”, “Kwon” nghĩa là “thủ pháp” và “Do” có nghĩa là “đạo, con đường”. Vì vậy, Taekwondo có nghĩa là “Nghệ thuật đấu võ bằng tay và chân
Khi Nhật Bản chiếm đóng Hàn Quốc vào đầu những năm 1900, người Nhật đã cấm các môn võ của Hàn Quốc, bao gồm cả Taekwondo. Một bộ phận vẫn tiếp tục tập Taekwondo trong bí mật, trong khi những người khác học võ Trung Quốc hoặc Nhật Bản. Bởi vì Judo, Karate và Kung-Fu đều được du nhập vào Hàn Quốc, Taekwondo đã phân nhánh thành nhiều phong cách khác nhau do những ảnh hưởng khác nhau. Khi sự chiếm đóng của Nhật kết thúc vào năm 1945, trường dạy Taekwondo đầu tiên được mở tại Hàn Quốc.
Môn Taekwondo mà chúng ta biết ngày nay chỉ thực sự bắt đầu vào năm 1955 khi các võ sư cùng nhau tham dự hội nghị về môn võ này. Họ quyết định hợp nhất các phong cách khác nhau thành một khối thống nhất hơn, gọi là Taekwondo.
Liên đoàn Taekwondo Thế giới (WT – World Taekwondo) đã đưa ra các tiêu chuẩn về thi đấu và những hướng phát triển mới cho môn thể thao này. Độ phổ biến của Taekwondo ngày nay trên thế giới là không thể chối cãi.
Đặc trưng của Karate vs Taekwondo
Karate
Karate được nhiều người biết đến như một môn nghệ thuật nổi bật. Chúng bao gồm các kỹ thuật đấm, đá, đánh bằng đầu gối/cùi chỏ và các kỹ thuật đánh tay mở. Karate cho phép người tập đánh bại đối thủ bằng cách sử dụng đòn đấm và đòn đá. Để phát triển các kỹ năng chiến đấu đòi hỏi người tập phải chăm chỉ với tinh thần kỷ luật cao.
Phiên âm Karate có nghĩa là “hai bàn tay trắng”. Điều này ám chỉ thực tế rằng Karate là một hệ thống tự vệ dựa trên việc sử dụng toàn bộ cơ thể mà không kèm vũ khí. Động tác của Karate chủ yếu được dùng để tự vệ, tiếp theo mới đến tấn công đối thủ bằng đòn đỡ, đấm và đá. Karate đã phát triển thành một môn võ nổi tiếng nhờ vào sự kết hợp hài hòa của các kỹ thuật này.
Lý tưởng nhất, Karate sẽ giúp bạn phát triển bản thân về mặt tinh thần. Bạn sẽ học được cách tôn trọng đối thủ và quan trọng hơn, tôn trọng bản thân. Các nguyên tắc trong Karate có thể tóm tắt thành: Chân thành, Nỗ lực, Kỷ luật và Tự chủ.
Taekwondo
Taekwondo phổ biến vì nó sử dụng các kỹ thuật đá, điều này giúp phân biệt nó với Karate. Lý do đằng sau điều này: Chân là vũ khí dài nhất và mạnh nhất của một võ sĩ. Do đó, đòn đá có tiềm năng lớn nhất để thực hiện các đợt tấn công mạnh mẽ và hiệu quả. Về mặt thể chất, Taekwondo thiên về phát triển sức mạnh, tốc độ, thăng bằng, sự linh hoạt và sức chịu đựng.
Võ sinh được đòi hỏi cả về thể lực và sự tập trung cao độ khi tập luyện
Tập trung vào kỷ luật tinh thần, đạo đức, công lý, kỷ luật, sự tôn trọng và sự tự tin là những phần chính của Taekwondo. Cụm từ “Tôn trọng tiền bối, yêu mến hậu bối” thường được sử dụng trong huấn luyện Taekwondo.
>>> Xem thêm: Karate và Judo: Điểm khác biệt là gì mà sao dễ bị nhầm lẫn?
Thứ hạng của Karate vs Taekwondo
Karate
Trình độ Karate của mỗi người được thể hiện qua Cấp hoặc Đẳng. Karate có 10 cấp, cấp 1 là thấp nhất và cấp 10 là cao nhất.
Để nhận biết Cấp của từng người, ta sẽ nhìn vào màu đai của họ. Tuy nhiên, có một số màu thể hiện cùng lúc cho nhiều cấp khác nhau. Vì thế, để tránh nhầm lẫn, bạn nên hỏi cụ thể Cấp của người sở hữu đai. Sau đây là hệ thống màu đai của võ thuật Karate phổ biến nhất tại Việt Nam tương ứng với các cấp:
- Đai nâu: cấp 1, cấp 2, cấp 3.
- Đai xanh da trời đậm: cấp 4 và cấp 5.
- Đai xanh lá: cấp 6.
- Đai xanh da trời nhạt: cấp 7.
- Đai vàng: cấp 8..
- Đai trắng: cấp 9 và cấp 10.
Khi kết thúc “Cấp”, bạn có thể thi để lên “Đẳng”. Nếu thi đỗ, bạn sẽ được cấp đai đen. Tương tự như cấp, đẳng có 10 đẳng từ thấp đến cao, bao gồm:
- Đai đen Nhất đẳng (Shodan)
- Đai đen Nhị đẳng (Nidan)
- Đai đen Tam đẳng (Sandan)
- Đai đen Tứ đẳng (Yondan)
- Đai đen Ngũ đẳng (Godan)
- Đai đen Lục đẳng (Rokudan)
- Đai đen Thất đẳng (Shichidan)
- Đai đen Bát đẳng (Hachidan)
- Đai đen Cửu đẳng (Kyudan)
- Đai đen Thập đẳng (Jyudan)
Đẳng không phân cấp bậc dựa vào màu đai, mà dựa vào số sọc trên đai
>>> Xem thêm: Sắc màu từ đai Karate thể hiện đẳng cấp của bạn ra sao?
Taekwondo
Theo Liên đoàn Taekwondo Thế giới, các cấp bậc Taekwondo sẽ chia ra thành Geup (Cấp) và Dan (Đẳng). Các võ sinh sẽ bắt đầu với đai trắng và tiến dần về cấp cao hơn theo thứ tự như sau:
- Đai trắng – Cấp 8
- Đai vàng – Cấp 7
- Đai cam – Cấp 6
- Đai xanh lá cây – Cấp 5
- Đai tím – Cấp 4
- Đai xanh nước biển – Cấp 3
- Đai nâu – Cấp 2
- Đai đỏ – Cấp 1
Để thăng cấp từ một thứ hạng lên hạng tiếp theo, học sinh phải trải qua các bài kiểm tra thăng hạng. Tương tự Karate, khi kết thúc “Cấp”, bạn có thể thi để lên “Đẳng”. Nếu thi đỗ, bạn sẽ được cấp đai đen. Đẳng của Taekwondo có tổng cộng 9 đẳng từ thấp đến cao, bao gồm:
- Đai đen Nhất đẳng
- Đai đen Nhị đẳng
- Đai đen Tam đẳng
- Đai đen Tứ đẳng
- Đai đen Ngũ đẳng
- Đai đen Lục đẳng
- Đai đen Thất đẳng
- Đai đen Bát đẳng
- Đai đen Cửu đẳng
Đai đen bắt đầu ở đẳng thứ nhất và đẳng cuối cùng là đẳng thứ chín. Đây là vật phẩm danh dự và chỉ được trao cho các võ sư theo chỉ định của Liên đoàn Taekwondo Thế giới. Đối với đai đen, việc thăng cấp từ cấp độ này lên cấp độ tiếp theo có thể mất nhiều năm. Nguyên tắc võ sư đai đen chỉ được thăng cấp bậc sau khi đã luyện tập số năm tương đương với cấp bậc của mình.
Bạn nên học Karate hay Taekwondo?
Nếu bạn đang phân vân giữa một môn phái Karate vs Taekwondo. LEEP.APP trước tiên đảm bảo rằng cả hai môn võ đều sẽ mang lại cho bạn lợi ích về thể chất lẫn tinh thần. Chúng đều bổ ích và đều là trải nghiệm tuyệt vời. Quyết định chọn môn võ sẽ phụ thuộc vào sở thích cá nhân của bạn. Tuy nhiên, bạn cũng nên xem xét các yếu tố khác khi ra quyết định: võ đường, cơ sở vật chất của võ đường, môi trường học, lịch học, địa điểm học và các yếu tố khác. Những yếu tố này đôi khi quan trọng hơn trong việc quyết định học môn võ nào. Bạn có thể thích môn võ đó, nhưng nếu những người hướng dẫn thiếu kinh nghiệm, địa điểm không phù hợp, thì sự thích thú và lợi ích nhận được sẽ giảm đi.
Nguồn tham khảo
Karate vs. Taekwondo: What’s the Difference? https://www.healthline.com/health/fitness-exercise/karate-vs-taekwondo Ngày truy cập: 24/02/2021
Karate vs Taekwondo https://www.diffen.com/difference/Karate_vs_Taekwondo Ngày truy cập: 24/02/2021