Làm thế nào ngăn cơn thèm ăn theo cảm xúc để tránh tăng cân?
Nếu không biết cách đối phó với cơn thèm ăn theo cảm xúc, bạn khó có thể đạt được mục tiêu giảm cân. Nắm bắt được mối liên hệ giữa việc ăn uống và cảm xúc của bạn có thể là một trong những yếu tố quan trọng nhất để tạm biệt những kilogram thừa đấy!
Ăn uống theo cảm xúc (emotional eating), còn được gọi là ăn khi căng thẳng (stress eating), có thể phá hỏng những nỗ lực giảm cân của bạn. Nhưng nếu có thể học cách kiểm soát, bạn sẽ vừa đạt mục tiêu giảm cân, vừa tạo cho bản thân một thói quen ăn uống lành mạnh hơn. Hãy cùng LEEP.APP tìm hiểu nhé!
Bạn có phải là người ăn theo cảm xúc?
Đôi khi, cơn thèm ăn không xuất phát từ tiếng nói của bao tử đang cần đồ ăn. Thỉnh thoảng, bạn có thể thèm ăn một số loại thực phẩm nhất định, chẳng hạn như đồ béo, thực phẩm tiện lợi hoặc thức ăn nhanh. Bạn cũng có thể nhận thấy những cơn thèm này thường xảy ra trong thời gian bạn đang trải qua những cảm xúc mạnh mẽ.
Một số dấu hiệu có thể giúp bạn xác định mình có phải týp người ăn uống theo cảm xúc hay không. Nếu bạn thấy rằng mình ăn khi lo lắng, buồn bã, chán nản, thì có khả năng bạn thuộc “hội” này rồi đấy. Những thành viên của “hội” thường ăn trong vô thức hoặc ăn quá nhiều calorie.
Tại sao cơn thèm ăn xảy ra?
Đối với một số người, một sự kiện hoặc thay đổi lớn trong cuộc sống có thể kích hoạt việc ăn uống theo cảm xúc. Ví dụ, nếu bị sa thải hoặc sắp ly hôn, người ta có thể bắt đầu ăn để làm dịu căng thẳng. Nhưng đối với những người khác, kiểu ăn uống này là một cuộc đấu tranh liên tục. Nó trở thành thói quen khi tham gia giao thông trên đường đi làm, khi lo lắng trong công việc hoặc khi có một ngày khó khăn ở công sở. Những vất vả của cuộc sống hàng ngày có thể dẫn đến thói quen dường như không thể phá vỡ: cho cái gì đó vào miệng để khỏa lấp những thiếu thốn của cảm xúc.
Cũng có những lý do nghiêm trọng hơn giải thích gốc rễ của việc ăn uống theo cảm xúc. Ví dụ, ăn quá nhiều có thể là một cách đối phó với một chấn thương hoặc việc bị lạm dụng thời thơ ấu. Trong những trường hợp này, cách giải quyết tốt nhất là liên hệ với một chuyên gia về hành vi, chẳng hạn như nhà tâm lý học, chuyên viên điều trị chứng rối loạn ăn uống…
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không giải quyết việc ăn uống theo cảm xúc? Phần tồi tệ nhất là tật xấu này khiến vấn đề của bạn tăng lên gấp bội, tức là thay vì giải quyết vấn đề thì bạn lại nhồi thức ăn vào mình, tạo ra nhiều vấn đề hơn, bao gồm tăng cân, mặc cảm về việc ăn uống hoặc làm tổn hại sức khỏe. Kết quả là căng thẳng và ăn uống trở thành một vòng tròn bất tận.
5 bước để ngăn cơn thèm ăn uống theo cảm xúc
Nếu bạn muốn từ bỏ việc ăn uống theo cảm xúc, có một vài chiến thuật có thể sử dụng để lấy lại sự kiểm soát thói quen ăn uống của mình và trở lại đúng quỹ đạo giảm cân.
1. Xác định những thứ kích hoạt việc ăn uống của bạn. Hãy bắt đầu viết nhật ký ăn uống, viết ra bạn ăn những gì, khi nào, cảm giác của bạn và những gì đang xảy ra tại thời điểm bữa ăn. Sau đó sử dụng thông tin ấy để xác định lý do tại sao bạn ăn khi bạn không đói.
2. Nhận biết tín hiệu đói. Hãy tìm hiểu sự khác biệt giữa các dấu hiệu đói thực sự và cơn thèm ăn theo cảm xúc (emotional hunger). Một khi nhận ra các tín hiệu, bạn sẽ hành động dễ dàng hơn khi thấy một cuộc ăn thả ga theo cảm xúc sắp bắt đầu xảy ra.
3. Hạn chế thực phẩm kích hoạt. Loại bỏ các loại thực phẩm mà bạn có khả năng ăn vô tội vạ. Sau đó sắp xếp lại tủ lạnh và tủ đựng thức ăn của bạn, dành chỗ cho các món ăn lành mạnh và giảm cân. Hãy mua một lượng vừa phải các nguyên liệu làm bữa ăn chính và đồ ăn vặt lành mạnh, chắc bụng.
4. Đừng bỏ bữa. Bỏ bữa ăn sẽ luôn dẫn đến ăn quá nhiều để bù lại. Hãy tạo một thời gian biểu ăn uống lành mạnh để bạn ăn bốn đến năm giờ một lần, tránh để bụng đói.
5. Tạo những hoạt động thay thế cho việc ăn uống. Nếu bạn đã có một ngày căng thẳng, hãy tìm những cách thư giãn lành mạnh hơn. Nếu bạn thấy rằng mình ăn khi mệt mỏi, hãy tìm những cách tự nhiên để tăng cường năng lượng, chẳng hạn như hít thở, thiền hoặc vận động nhẹ. Và nếu bạn muốn ăn mừng một thành công nào đó, hãy tìm cách tự thưởng cho mình bằng món quà gì khác chứ không phải món ăn!
Xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh là một hành trình dài, và rất khó để ngừng hẳn việc ăn uống theo cảm xúc, nên đừng bỏ cuộc nếu đôi khi bạn lỡ vấp ngã. Khi đó, hãy tha thứ cho chính mình và bắt đầu lại vào ngày hôm sau. Hãy học hỏi từ những sai lầm và tập trung vào những suy nghĩ tích cực, rồi bạn sẽ tiến thật xa trên chặng đường dài vươn tới đích đến là giảm cân thành công và sức khỏe tuyệt vời.
Nguồn tham khảo
How to Deal With Emotional Eating https://www.verywellfit.com/how-to-deal-with-emotional-eating-3495960 Ngày truy cập: 1/12/2020