Hạt chia có tác dụng giảm cân hay không?

Hạt chia có tác dụng giảm cân hay không?

Hạt chia mang lại giá trị dinh dưỡng vững chắc dưới dạng chất xơ và axít béo Omega-3 tốt cho tim. Có thông tin cho rằng loại hạt bé xíu này thúc đẩy giảm cân. Liệu hạt chia có “năng lực” đó hay không?

Chia (Salvia hispanica L.) là một loại cây có hạt được nhiều người xem như một phương thuốc tự nhiên. Hạt chia có thể được tìm thấy trong nhiều cửa hàng thực phẩm tự nhiên và cửa hàng chuyên về thực phẩm bổ sung.

Nhiều người cho rằng hạt chia có thể giúp giảm cân, kiểm soát lượng đường trong máu, bảo vệ chống lại bệnh tiểu đường và bệnh tim, tăng năng lượng, cải thiện thành tích thể thao, tăng cường tâm trạng và giữ gìn sức khỏe của xương.

Hoa của cây chia

Hoa của cây chia

Với vai trò là thực phẩm, lọai hạt này rất giàu axít Alpha-linolenic (một loại axít béo Omega-3). Ngoài ra, chúng cung cấp một số khoáng chất thiết yếu (bao gồm canxi, kali và ma-giê), cũng như chất chống oxy hóa.

Mỗi ounce (28g) hạt cung cấp 138 calorie, 9,8g chất xơ, 8,71g chất béo và 4,69g protein.

Những cuốn sách về ăn kiêng phổ biến như The Aztec Diet khuyên bạn nên tiêu thụ 4 – 8 thìa súp (30 – 60g) hạt chia mỗi ngày để giúp bạn bớt đói và ít ăn hơn. Những người đề xướng nói rằng, loại hạt này hấp thu lượng nước gấp 10 lần trọng lượng của chúng, giúp lấp đầy dạ dày và làm chậm tốc độ cơ thể xử lý thức ăn bạn vừa dung nạp.

Lợi ích của hạt chia

Lợi ích của hạt chia

Cho đến nay, số lượng nghiên cứu về lợi ích sức khỏe của loại hạt này còn hạn chế. Trong một báo cáo năm 2009 được công bố trên tạp chí về các thử nghiệm lâm sàng, các nhà khoa học đã tổng kết các nghiên cứu về hạt chia và kết luận rằng, có rất ít bằng chứng về lợi ích của chúng đối với sức khỏe.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy hạt chia có thể mang lại lợi ích nhất định. Dưới đây là một số kết quả chính.

Bệnh tiểu đường

Được công bố trên Tạp chí về bệnh tiểu đường năm 2007, một nghiên cứu trên 20 người mắc bệnh tiểu đường típ 2 cho thấy, 12 tuần dùng hạt chia giúp giảm huyết áp và viêm. Tuy nhiên, nhóm người này không thay đổi trọng lượng cơ thể.

Cholesterol

Hạt chia có thể giúp giảm mức cholesterol, theo một nghiên cứu dựa trên động vật được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Anh năm 2009. Trong các thử nghiệm trên chuột được cho ăn chế độ ăn nhiều đường, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng thêm hạt vào chế độ ăn uống giúp ngăn ngừa sự khởi phát của chứng cholesterol cao và kháng insulin. Ngoài ra, hạt chia cũng giúp giảm mỡ bụng trên chuột.

Vì nghiên cứu này được thực hiện trên động vật, nên chưa thể kết luận loại hạt này có thể mang lại lợi ích tương tự cho người hay không.

Giảm cân

Có lẽ đây là điều bạn quan tâm nhất, nhưng chưa có bằng chứng hạt chia có tác dụng giảm cân. Những nghiên cứu hiện tại chỉ ra rằng, loại hạt này có lẽ không ảnh hưởng đến trọng lượng cơ thể.

Trong một nghiên cứu năm 2009, người ta đã theo dõi 90 người trưởng thành thừa cân hoặc béo phì trong 12 tuần, điều trị bằng hạt chia hoặc giả dược. Nhìn vào kết quả, các nhà nghiên cứu không tìm thấy sự khác biệt về khối lượng cơ thể, tình trạng viêm hoặc huyết áp giữa hai nhóm.

Một nghiên cứu năm 2012 đã cho kết quả tương tự. 56 phụ nữ thừa cân, sau mãn kinh, dùng 25g hạt chia nguyên hạt hay nghiền (hoặc hạt anh túc trong nhóm giả dược) trong 10 tuần. Các chỉ số khối lượng cơ thể, thành phần cơ thể, huyết áp và các dấu hiệu khác được đo khi hoàn thành nghiên cứu. Kết quả cho thấy không có khác biệt về sự thay đổi khối lượng cơ thể giữa hai nhóm.

Những kết quả này phù hợp với một nghiên cứu nhỏ trước đó. Sau 12 tuần, 27 bệnh nhân tiểu đường típ 2 dùng hạt chia đều không cho thấy sự thay đổi về trọng lượng cơ thể, mặc dù có một số cải thiện đáng kể về các yếu tố nguy cơ tim mạch.

>>> Xem thêm: 5 thực đơn thú vị hỗ trợ giảm cân với hạt chia

Hãy cẩn thận!

Có rất ít thông tin an toàn của việc ăn hạt chia lâu dài hoặc thường xuyên. Tuy nhiên, có một số lo ngại rằng loại hạt này có thể làm tăng tác dụng của thuốc chống tiểu đường và thuốc huyết áp, giảm lượng đường trong máu và kích hoạt thay đổi thời gian chảy máu và đông máu.

Để đảm bảo an toàn, bạn nên nói chuyện với bác sĩ trước khi sử dụng hạt chia như một chất bổ sung trong chế độ ăn uống (đặc biệt nếu bạn hiện đang dùng thuốc điều trị tiểu đường hoặc huyết áp cao).

Hạt chia không phải là thuốc thần để giảm cân

Hạt chia không phải là thuốc thần để giảm cân

Tiến sĩ David Nieman, Giám đốc Phòng thí nghiệm hiệu suất con người của Đại học bang Appalachian, Hoa Kỳ, đồng thời là tác giả chính của cả hai cuộc nghiên cứu năm 2009 và 2012 về hạt chia với giảm cân, cho biết: “Có rất nhiều dinh dưỡng trong hạt chia, không nghi ngờ gì về điều đó. Hạt chia chứa omega-3 và nhiều chất xơ. Nhưng những chất dinh dưỡng đó không thể tạo nên phép màu trong cơ thể bạn. Dù có một lượng lớn chất xơ hòa tan, nhưng hạt chia dường như không có tác dụng về lâu dài trong việc giảm cân”.

>>> Xem thêm: 5 thực đơn thú vị hỗ trợ giảm cân với hạt chia

Khả năng hấp thụ nước của hạt chia

Khả năng hấp thụ nước của chia

Có nhiều nghiên cứu về dinh dưỡng cho thấy nước có thể giúp giảm cân nếu tiêu thụ trong thực phẩm, thay vì là đồ uống. Do đó, khả năng hấp thụ nước của hạt chia có thể giải thích tác dụng giảm cân của loại hạt này.

Hạt ngấm nước có thể làm chậm quá trình rỗng dạ dày, giống như các loại thực phẩm giàu nước khác. Điều đó khiến bạn cảm thấy no lâu hơn và do đó ăn ít hơn. Tuy nhiên, chúng ta không nên tìm đến một thành phần hoặc thực phẩm duy nhất để giảm cân, mà hướng đến sự đa dạng bằng cách ăn rau củ, chất xơ thực phẩm, thực phẩm giàu nước, nhiều protein hơn và giảm mật độ calorie tổng thể trong chế độ ăn uống.

Không có thực phẩm đơn lẻ nào có hiệu quả giải quyết tất cả các vấn đề sức khỏe và cân nặng. Hạt chia tuy rất bổ dưỡng, nhưng sẽ không thay thế được việc ăn kiêng đúng cách và tập luyện chăm chỉ – hai chìa khóa giúp cho bạn giảm cân.

Nguồn tham khảo

How Chia Seeds Can Help With Weight Loss https://www.verywellfit.com/can-chia-seeds-help-me-lose-weight-2223387 Ngày truy cập: 1/12/2020

The Benefits of Chia https://www.verywellfit.com/the-benefits-of-chia-89180 Ngày truy cập: 1/12/2020


Chủ đề: ,