“Lão tướng” Dương Thanh Sang, người truyền lửa cho thế hệ HLV thể hình 4.0
Thể hình Việt Nam đang ngày một phát triển, có nhiều vận động viên thành công và nhiều người quan tâm đến sức khỏe hơn. Để có được thành công như hôm nay, đã từng có những thế hệ phải hy sinh để phát triển cho con đường tạo ra giá trị sống khỏe và lành mạnh cho người Việt. Huấn luyện viên Dương Thanh Sang là một chứng nhân, một người đã góp phần cống hiến để tạo nên một thế hệ thể hình 4.0 phát triển như hôm nay.
Tôi luôn tâm niệm một câu nói rằng “hướng tới tương lai và tôn trọng quá khứ”. Những chia sẻ của huấn luyện viên Dương Thanh Sang như một câu chuyện đưa cảm xúc của tôi về những ngày hào hùng của thể hình Việt những năm tháng trước đây. Đây là cảm xúc mà tôi muốn chia sẻ cho bạn đọc để hiểu được rằng để có một tương lai tươi sáng như ngày nay, chúng ta đã phải trải qua những thăng trầm trong quá khứ.
Duyên đến với nghề thể hình mà anh không biết trước được
Sinh ra trong một gia đình vốn không có truyền thống thể thao. Anh Sang chia sẻ rằng gia đình anh không có ai theo nghiệp thể thao cả. Anh đến với thể hình mục đích ban đầu là muốn cải thiện vóc dáng của mình vì gia đình anh vốn có dáng người khá thấp bé.
Huấn luyện viên Dương Thanh Sang (trái ngoài cùng) chụp cùng thầy Vĩnh Nguyên và bạn bè của mình
Trở thành một huấn luyện viên chuyên nghiệp như hôm nay chưa bao giờ nằm trong dự tính của anh. Anh Sang cho biết: “Lúc đầu mình chỉ tập với mục đích là thay đổi cơ thể thôi chứ không nghĩ sẽ đi theo con đường thể hình. Có lẽ đây là một cái duyên với nghề mà anh không biết trước được”.
Trải qua hơn 20 năm gắn bó với thể hình, anh Dương Thanh Sang đã từng trải qua những công việc khác nhau và tất cả đều liên quan đến thể hình. Từ một huấn luyện viên cho phòng tập, huấn luyện viên tự do, một giảng viên giáo dục thể chất tại trường đại học và giờ đây là một ông chủ của một phòng gym nhỏ tại quận Gò Vấp, TP. HCM. Anh nói: “Anh không gọi đây là sự đam mê với thể hình, anh đam mê việc rèn luyện sức khỏe, rèn luyện cơ thể và anh muốn truyền tải sự đam mê này đến người khác để ai cũng có thể khỏe mạnh”.
Con đường đến với thể hình đầy thử thách
Huấn luyện viên Dương Thanh Sang đến với thể hình từ những năm 12 tuổi. Anh cho biết, cuối năm lớp 6 trung học cơ sở anh đã bắt đầu tập luyện thể hình. Với mong muốn của một cậu nhóc là có thể mạnh hơn, to hơn, cao hơn những người khác, anh nói vui rằng: “Xưa anh thần tượng Arnold Schwarzenegger lắm, muốn được to để làm Rambo giống như ổng” (cười).
Huấn luyện viên Dương Thanh Sang (bên phải) chụp cùng huyền thoại thể hình Lý Đức
Do đó, anh lao vào tập luyện. Tập luyện vào những năm mà thể hình chỉ là một bộ môn phong trào. Anh Sang cho biết trước đây mọi thứ đều thiếu thốn từ phòng tập, địa điểm, dụng cụ cho đến dinh dưỡng. Phòng tập chỉ vỏn vẹn những dụng cụ cơ bản như ghế tập ngực, tạ đòn, tạ đơn. “Ngày trước làm gì có tạ sắt, hiếm lắm mới kiếm được tạ sắt để tập. Trước đây muốn tập tụi anh toàn phải tập bằng tạ xi măng, có khi phải tự đúc tạ bằng xi măng để tập nữa kìa”, anh Sang kể.
Tôi ngồi nghe mà cảm thấy hứng thú vô cùng với những chia sẻ của anh. Đôi khi có những hoài niệm cũ khiến ta phải bật cười. Anh đùa rằng: “Xưa toàn tập tạ xi măng, ăn cơm trắng mà mấy ông lực sĩ vẫn bự, vẫn đô đó thôi. Người Việt Nam mình được cái quyết tâm cao em ạ. Tuy thiếu thốn vật chất chứ tinh thần thì mình không hề thiếu”.
Khoảng thời gian đầu những năm 2000, anh bắt đầu chuyển hướng sang tìm hiểu và được đào tạo để trở thành một huấn luyện viên. Anh được đào tạo bởi những trụ cột của thể hình thế hệ đầu tiên như thầy Vĩnh Nguyên và đặc biệt là một người đàn anh nổi tiếng, vận động viên Lý Đức – huyền thoại của thể hình Việt.
Huấn luyện viên Dương Thanh Sang giảng dạy tại Đại học Kinh tế Tài chính
Khi tôi hỏi anh tại sao lại không đi theo con đường vận động viên chuyên nghiệp để thi đấu, anh trả lời rằng: “Trước đây anh cũng từng muốn thi đi thi đấu, nhưng có lẽ mình không có cái duyên để lên sàn. Khi gặp thầy của mình anh cũng đề cập đến vấn đề này nhưng lúc đó, anh không còn trẻ nữa nên thầy định hướng theo nghiệp huấn luyện viên. Có lẽ đây là bước rẽ để đời của anh. Nhờ vậy, anh mới bén duyên với nghề tới tận giờ”.
Năm 2007, anh Sang tham gia học và lấy được bằng huấn luyện viên của Liên đoàn thể hình TP. HCM. Đến năm 2012, anh được chứng nhận là huấn luyện viên cấp quốc gia. Anh chia sẻ: “Thời mà anh bắt đầu huấn luyện thì chưa có ai cấp chứng chỉ là huấn luyện viên cá nhân cả. Cho đến năm 2007, mình lấy được bằng rồi từ đó phát triển. Những năm 2013 bộ môn fitness bắt đầu nở rộ, nhiều người tập hơn. Lúc này, anh cũng tham gia huấn luyện về fitness nhiều hơn”.
Anh cho biết từ sau khi có được những chứng nhận cần thiết, con đường đến với nghề huấn luyện viên trở nên thuận lợi hơn. Anh đã đào tạo rất nhiều khách hàng, từng làm huấn luyện viên cho tập đoàn Khải Silk, giảng viên về giáo dục thể chất cho đến làm huấn luyện viên tự do. Mọi trải nghiệm theo anh đều đáng trân trọng vì nó mở ra cho mình những cơ hội và tự tiến bộ hơn với nghề.
Trăn trở với nghề PT trong thời đại thể hình 4.0
Trải qua hơn 20 năm thăng trầm với thể hình, huấn luyện viên Dương Thanh Sang đã chứng kiến không biết bao thế hệ vận động viên, huấn luyện viên đến với nghề. Người thành công cũng nhiều, nhưng người thất bại thì cũng chẳng ít.
Anh chia sẻ: “Anh phải nói thật là nghề vận động viên ở Việt Nam bạc lắm em à. Nhiều anh em thi đấu, đến với nghề bằng đam mê, đạt vinh quan trên sàn đấu nhưng khi xế chiều lại chẳng đủ bươn trải cho cuộc sống”.
Huấn luyện viên Dương Thanh Sang trong ban tổ chức tại cuộc thi Muscle Contest
Nhìn vào đôi mắt anh tôi hiểu được nhiều hơn về tâm sự của một thời đã qua đầy sóng gió. Một nhân chứng sống đã chứng kiến những lần đổi thay của thể hình Việt. Anh cho rằng nghề PT ngày nay phát triển cũng là một cánh cửa mở ra để những người có đam mê, những vận động viên có tài được chia sẻ và có thêm được thu nhập để trang trải.
Anh nói rằng: “Anh thấy hiện nay các bạn trẻ tham gia làm huấn luyện viên cá nhân rất nhiều. Điều này quá tốt, nhưng anh lo rằng, phát triển nhanh quá, nhiều quá khiến các bạn không định hướng được. Nhiều bạn còn tự mãn thì không nên. Làm huấn luyện viên phải trau dồi mỗi tháng, mỗi năm. Đừng tự cho rằng mình biết tất cả, đó chính là những nhược điểm mà nhiều PT trẻ ngày nay thường gặp phải”.
Huấn luyện viên Dương Thanh Sang luôn mong muốn rằng các bạn trẻ khi đến với nghề phải thật sự đam mê và yêu thích. “Cái tâm chính là thứ cần thiết nhất đối với nghề PT, trước khi nghĩ mình sẽ nhận được gì, hãy đặt cái tâm của mình để huấn luyện cho người khác”, anh Sang cho biết.
“Tôi muốn trở thành người truyền lửa, tiếp thêm động lực cho thế hệ trẻ theo đuổi nghề huấn luyện viên cá nhân”
Những trăn trở của huấn luyện viên Dương Thanh Sang đã cho anh lý do và động lực để đưa ra ý kiến, truyền tải động lực cho thế hệ tiếp nối. Cơ duyên đến với LEEP.APP cũng từ lý tưởng muốn truyền lửa cho các bạn trẻ của anh.
Huấn luyện viên Dương Thanh Sang tại LEEP Academy
Biết đến LEEP.APP trong những ngày tháng 5 năm 2019. Cảm thấy lý tưởng của LEEP.APP sao mà đồng điệu với mình quá. Thế là, anh Sang ngỏ ý tham gia cùng LEEP.APP. Anh cho biết: “Anh đến với LEEP.APP vì nhận ra được mục tiêu của LEEP.APP là tạo một môi trường để các bạn PT học hỏi và được đào tạo chất lượng nhất. Đây cũng chính là mục tiêu của anh. Vì vậy, anh đã tham gia cùng LEEP.APP”.
Ngỏ ý với LEEP.APP một cách khiêm nhường nhất. Anh chia sẻ rằng, ở độ tuổi tứ tuần, anh nghĩ mình không hợp với những định hướng của LEEP.APP. Tuy nhiên, mọi thứ ngược lại hoàn toàn. Anh trở thành một người truyền lửa, một người anh cả dẫn dắt cho những người em, đồng nghiệp trẻ tuổi trên con đường trở thành huấn luyện viên cá nhân chuyên nghiệp.
Tiếp nối những chia sẻ thú vị khác của anh Thanh Sang
Huấn luyện viên Dương Thanh Sang (trái ngoài cùng) chụp cùng team LEEP.APP
Anh sẽ làm gì để thực hiện lý tưởng truyền tải động lực cho thế hệ mới?
Thật ra, anh luôn tâm niệm phát triển thể hình nhiều hơn. Anh mở một phòng gym nhỏ với mong muốn tạo một nơi cho những người lao động có nơi để tập luyện tăng cường thể lực. Anh tham gia vào LEEP.APP cũng vì mục tiêu này và trong tương lai anh sẽ kêu gọi nhiều bạn trẻ muốn dấn thân với nghề để họ học hỏi và có thêm nhiều kinh nghiệm.
Nếu có một lời khuyên cho những bạn trẻ muốn đến với nghề PT anh sẽ khuyên gì?
Tận tâm, kiên nhẫn và không ngừng học hỏi. Đây là những phẩm chất mà anh nghĩ là một PT chuyên nghiệp cần có. Nếu muốn làm PT, các bạn nên rèn luyện những đức tính này.
Vì sao anh lại mong muốn đào tạo và phát triển cho thế hệ PT mới?
Anh nghĩ mình ảnh hưởng điều này từ thầy của mình. Thầy của anh luôn mong muốn trở thành người dẫn dắt cho những ai có đam mê với thể hình. Anh cũng muốn tiếp nối con đường của thầy, trở thành người truyền lửa cho thế hệ PT trẻ.
Anh đã từng gặp những khó khăn gì trong sự nghiệp huấn luyện của mình không?
Với anh thì chưa, anh đã từng huấn luyện những ca khá khó như những người bị dư cân, bệnh đái tháo đường… Tuy nhiên, kết quả của họ rất tốt. Cũng có vất vả đó, nhưng anh chưa bao giờ xem đó là khó khăn.
Anh nghĩ gì về nghề PT hiện nay?
Đây là một câu hỏi thú vị đấy, anh nghĩ nghề PT hiện nay phát triển hơn trước rất nhiều. Trước đây mọi thứ anh phải tự tìm hiểu. Bây giờ, các bạn dễ tiếp cận với nghề hơn. Còn một điều thú vị anh muốn nói là nghề PT thu nhập ổn định hơn trước đây nhiều. Bản thân anh có thể trang trải tốt cho cuộc sống nhờ nghề này.
Những dự tính trong tương lai của anh là gì?
Anh vẫn sẽ tiếp tục với nghề huấn luyện viên cá nhân. Học hỏi nhiều hơn, đồng hành cùng LEEP.APP để phát triển cộng đồng PT ngày càng lớn mạnh.
Cảm ơn anh đã chia sẻ, chúc anh sẽ luôn đạt được thành công và có nhiều nhiệt huyết hơn nữa để tiếp tục truyền lửa cho thế hệ PT trẻ.
Để kết thúc bài viết, tôi muốn nói rằng có những người thầm lặng nép mình trước thời thế để chứng kiến những thăng trầm và truyền tải sự đam mê cho thế hệ mới. Tôi đã say sưa nghe những chia sẻ của anh như một cậu bé nghe người anh của mình kể chuyện đời.
Sử thi thành Troy từng có một vị tướng Odysseus nói rằng: “Nếu có ai đó nhắc về câu chuyện của tôi, hãy bảo họ kể rằng tôi đã bước đi cùng những người khổng lồ. Hãy kể rằng tôi đã sống cùng thời với Achilles “vô địch” và bước đi cùng Hector – người thuần ngựa”. Vì vậy, khi nhắc đến vị huấn luyện viên của chúng ta tôi sẽ nói rằng anh đã bước đi cùng những huyền thoại. Anh đã sống cùng thời với Phạm Văn Mách, đã bước đi cùng huyền thoại thể hình Lý Đức. Cảm ơn anh và chúc anh thành công trong cuộc sống.