Chuyện gì xảy ra khi bệnh nhân nhiễm COVID-19 tái dương tính?

Author picture

Chuyện gì xảy ra khi bệnh nhân nhiễm COVID-19 tái dương tính?

Khi hay tin mình đã chữa khỏi COVID-19, nhiều người mừng rỡ như thoát khỏi tay tử thần. Thế nhưng, gần đây đã có một số trường hợp tái nhiễm xảy ra, ví dụ như ở Nhật Bản và Trung Quốc. Tại sao lại xảy ra điều này? Các chuyên gia y tế nhận định tình trạng tái nhiễm này thế nào? Bạn hãy cùng xem nhé.   

Ngày càng có nhiều bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục ở Trung Quốc và các nơi khác có kết quả xét nghiệm dương tính trở lại với loại virus này sau vài tuần xuất viện. Tình hình dập dịch đã khó nay càng khó hơn.

Trường hợp tái nhiễm ở Nhật Bản

Vừa qua, chính quyền tỉnh Osaka, Nhật Bản, cho biết một nữ hướng dẫn viên du lịch 40 tuổi, từng dẫn một đoàn khách đến từ Vũ Hán, đã xét nghiệm dương tính trở lại với COVID-19.

Người phụ nữ xét nghiệm dương tính lần đầu vào cuối tháng 1. Vào ngày 1/2, trung tâm y tế địa phương cho cô xuất viện vì được xác nhận không còn virus trong người sau vài lần xét nghiệm.

Đến ngày 19/2, sau 2 tuần xuất viện, cô cảm thấy đau họng và tức ngực nên đến bệnh viện kiểm tra nhưng vẫn chưa nhập viện. 1 tuần tiếp theo, cô được xét nghiệm virus Corona và được thông báo đã bị tái nhiễm.

Giáo sư Paul Hunter, Đại học East Anglia, Anh, người đã theo sát dịch bệnh, nói với Reuters rằng đối với nữ bệnh nhân ở Osaka, từ nhiễm trùng ban đầu, có thể virus giải phóng vào hệ thống cơ thể của cô và cô đã không được kiểm tra đúng cách trước khi xuất viện.

Các trường hợp tái nhiễm ở Trung Quốc

Các trường hợp tái nhiễm ở Trung Quốc

Các báo cáo ở Trung Quốc cũng cho thấy sau khi xuất viện, một số bệnh nhân trên khắp đất nước cũng có xét nghiệm dương tính trở lại với virus này. Các chuyên gia nói rằng bệnh nhân hồi phục có thể không tạo đủ kháng thể để phát triển khả năng miễn dịch với SARS-CoV-2 nên bị nhiễm lại. Virus này có thể có 2 giai đoạn: nó nằm im trước khi tạo ra các triệu chứng mới.

Vào ngày 21/2, một bệnh nhân ở thành phố Thành Đô, phía Tây Nam Trung Quốc đã phải nhập viện trở lại sau 10 ngày xuất viện.

Lei Xuezhong, Phó giám đốc Trung tâm Bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Tây Trung Quốc, nói với tờ People Daily rằng các bệnh viện xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm từ  mũi, họng để có thể quyết định bệnh nhân có nên xuất viện hay không. Tuy nhiên,  các xét nghiệm mới lại tìm thấy virus xuất hiện ở đường hô hấp dưới (khí quản, phế quản, tiểu phế quản, phổi).

Theo tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ nghiên cứu về 4 nhân viên y tế bị nhiễm bệnh được điều trị tại Vũ Hán, tâm chấn của dịch bệnh, có khả năng một số bệnh nhân đã hồi phục vẫn mang mầm bệnh ngay cả khi có đủ tiêu chí xuất viện.

Ví dụ, ở Trung Quốc, tiêu chí xuất viện là bệnh nhân phải âm tính với virus Corona, không có triệu chứng bệnh và không có bất thường khi chụp X-quang. Còn theo quy định của Bộ Y tế, người nhiễm virus Corona được xuất viện khi hết sốt ít nhất 3 ngày, có 2 mẫu bệnh phẩm lấy cách nhau một ngày đều xét nghiệm âm tính.

Song Tie, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh địa phương ở tỉnh Quảng Đông, phía Nam Trung Quốc, phát biểu tại một cuộc họp báo là có đến 14% bệnh nhân xuất viện trong tỉnh đã kiểm tra dương tính và đã quay lại bệnh viện để theo dõi.

Tuy nhiên, một tín hiệu tốt là không ai trong số những bệnh nhân đó truyền bệnh cho người khác. Điều này được lý giải là sau khi một người bị nhiễm loại virus này, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể chống lại COVID-19 và khi các kháng thể này được sản xuất, người đó sẽ không lây bệnh.

Dự đoán của các chuyên gia y tế về tình hình tái nhiễm

Dự đoán của các chuyên gia y tế về tình hình tái nhiễm

Có 2 ý kiến về vấn đề này:

1/ Tái nhiễm lần 2 ít nghiêm trọng hơn

Thông thường, bệnh nhân hồi phục sẽ phát triển các kháng thể đặc hiệu giúp họ miễn nhiễm với virus đã nhiễm, nhưng vẫn có thể xảy ra tình trạng tái nhiễm, Adam Kamradt-Scott, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Sydney, Úc, cho biết.
Trong hầu hết các trường hợp, khi cơ thể phát triển phản ứng miễn dịch với nhiễm trùng đầu tiên, nhiễm trùng thứ hai thường ít nghiêm trọng hơn.

2/ Tái nhiễm có nguy cơ gây nhiễm trùng nặng hơn

Các chuyên gia khác cũng đã nâng cao khả năng tăng cường kháng thể phụ thuộc (ADE). Điều đó có nghĩa là việc tiếp xúc với virus có thể khiến bệnh nhân có nguy cơ bị nhiễm trùng nặng hơn và các triệu chứng tồi tệ hơn.

Theo số liệu từ Bộ Y tế Việt Nam, tính đến 5h45 ngày 4/3/2020, Trung Quốc đã xuất viện 47.204 bệnh nhân, chiếm gần 59% tổng số ca nhiễm. Nếu tỷ lệ tái nhiễm 14% là chính xác và ổn định, điều này có thể tạo ra mối nguy hiểm sức khỏe rộng hơn.

Hiện nay, Việt Nam đã chữa khỏi 16 người và chưa phát hiện trường hợp tái nhiễm nào cả. Để phòng tránh tình trạng lây nhiễm cho cộng đồng, sau khi xuất viện, tốt nhất những bệnh nhân cũng nên mang khẩu trang và thực hành các biện pháp để phòng tái phát.

Nguồn tham khảo

Explainer: Coronavirus reappears in discharged patients, raising questions in containment fight
https://mobile.reuters.com/article/amp/idUSKCN20M124?__twitter_impression=true Ngày truy cập 3/3/2020

Nhật có ca tái nhiễm COVID-19 đầu tiên sau 14 ngày xuất viện https://tuoitre.vn/nhat-co-ca-tai-nhiem-covid-19-dau-tien-sau-14-ngay-xuat-vien-20200227094709752.htm Ngày truy cập 3/3/2020

Việt Nam có thể khống chế virus corona sớm? https://tuoitre.vn/viet-nam-co-the-khong-che-virus-corona-som-20200218085016868.htm Ngày truy cập 3/3/2020

COVID-19: Cập nhật mới nhất, liên tục https://suckhoedoisong.vn/Covid-19-cap-nhat-moi-nhat-lien-tuc-n168210.html Ngày truy cập 4/3/2020