WHO: Chưa ai có kháng thể chống lại COVID-19
Tính đến 23 giờ ngày 6/3/2020, trên thế giới đã có 3.411 người tử vong trong số 100.686 ca nhiễm COVID-19. Dịch bệnh vốn bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc nhưng hiện tại đã lan ra 83 quốc gia. Và Việt Nam vừa mới xuất hiện ca nhiễm SARS-CoV-2 (COVID-19) thứ 17. Vì vậy, bạn không nên chủ quan mà hãy cập nhật ngay một số thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc gần đây nhé.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa đưa ra cảnh báo rằng dịch cúm do chủng virus COVID-19 gây ra đang ở mức báo động và đã ở mức nguy hiểm hơn cả cúm mùa, bởi chưa ai có kháng thể chống lại loại virus này.
Tỷ lệ tử vong ngày một tăng và khó thống kê
Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong cuộc họp báo vào ngày 3/3/2020 vừa qua: “Rất nhiều người trên thế giới đã có kháng thể kháng lại cúm mùa, nhưng chưa phát hiện ai có kháng thể với COVID-19. Điều này đồng nghĩa với việc số người nhiễm sẽ tăng lên và có những ca nguy hiểm tới tính mạng. Đã có 3,4% người nhiễm COVID-19 tử vong trên toàn cầu, trong khi với cúm mùa, con số này chỉ khoảng 1%”.
Tedros Adhanom Ghebreyesus, Giám đốc WHO (bên trái)
Theo các chuyên gia, con số 3,4% là chưa thật sự chính xác. Mark Woolhouse, tiến sĩ ngành nghiên cứu dịch bệnh Đại học Edinburgh, một vài nghiên cứu cho thấy số ca tử vong thực tế có thể sẽ gấp 10 lần so với con số của WHO. Và COVID-19 có thể sẽ được xếp ngang hàng với các dịch cúm nguy hiểm khác.
Tiến sĩ John Edmunds, Trung tâm Thuật toán Dịch bệnh thuộc Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, cho rằng rất khó thống kê số ca tử vong giữa lúc dịch đang bùng phát như hiện tại. Nguyên nhân chính là do thời gian từ lúc bắt đầu nhiễm bệnh tới lúc tử vong khá dài. Do đó, nếu muốn thống kê phải lấy số ca tử vong chia với tổng số bệnh nhân của 2, 3 tuần trước.
Tỷ lệ tử vong cao đột biến ở nhóm người cao tuổi
Một nghiên cứu khác của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc cho biết, loại virus này đặc biệt nguy hiểm với người cao tuổi đã có vấn đề về sức khỏe. Nghiên cứu còn thống kê được có khoảng 80% số ca nhiễm được xếp vào loại nhẹ.
Xem thêm: Làm thế nào để bảo vệ sức khỏe người cao tuổi trong mùa dịch?
Nghiên cứu này lấy dữ liệu từ 44.000 bệnh nhân ở Trung Quốc vào ngày 11/2, cho thấy cách vận hành của virus COVID-19 trong cơ thể người. Kết quả, tỷ lệ tử vong tỷ lệ thuận với số tuổi và có thể được minh họa bằng biểu đồ sau:
Biểu đồ không bao gồm nhóm trẻ em dưới 10 tuổi, vốn chiếm 1% số bệnh nhân. Ba nhóm bệnh nhân (10 – 19, 20 – 29 và 30 – 39 tuổi) có tỷ lệ tử vong thấp như nhau (0,2%). Trong khi đó, số bệnh nhân ở độ tuổi 50 có tỷ lệ tử vong gấp 3 lần so với các bệnh nhân độ tuổi 40. Nguy cơ tử vong cao đột biến ở nhóm tuổi 70 và 80, nhiều khả năng do sức khỏe họ vốn đã có vấn đề.
Thêm vào đó, khoảng 10% số bệnh nhân tim mạch nhiễm Corona tử vong, trong khi với bệnh đái tháo đường là 7%. Khoảng 1/3 số bệnh nhân ở Trung Quốc không có tiền sử bệnh án và tỷ lệ tử vong của nhóm này chỉ dưới 1%.
Tuy nhiên, các số liệu trên chỉ mang tính tham khảo do dịch bệnh hiện đã bùng phát toàn cầu và chưa có dấu hiệu chậm lại.
Trong cuộc phỏng vấn với trang Business Insider, nhà nghiên cứu dịch bệnh Lauren Ancel Meyers, Đại học Texas, Mỹ, cho biết: “Chúng ta đã bỏ qua số ca nhiễm không có triệu chứng, hoặc có triệu chứng nhưng không đến các cơ sở y tế để chữa trị. Nếu quả thật chúng ta phát hiện ra rằng số ca nhiễm thực tế đông hơn rất nhiều so với những gì được báo cáo, thì tỷ lệ tử vong có thể sẽ giảm”.
Nguồn tham khảo
WHO says coronavirus is deadlier than the flu https://edition.cnn.com/asia/live-news/coronavirus-outbreak-03-04-20-intl-hnk/ Ngày truy cập: 05/03/2020
Coronavirus patients over age 80 have a 15% chance of dying. Here’s the mortality rate for every age bracket. https://www.businessinsider.com/coronavirus-death-age-older-people-higher-risk-2020-2? Ngày truy cập: 05/03/2020