Vận động có thể giúp kiểm soát đái tháo đường thai kỳ
Ngày Đái tháo đường thế giới (14/11) được Hiệp hội Đái tháo đường thế giới (IDF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức từ năm 1991 nhằm đáp lại những lo ngại về mối đe dọa sức khỏe ngày càng tăng do bệnh đái tháo đường gây ra và đái tháo đường thai kỳ chiếm một tỷ lệ không nhỏ.
Ngày nay, bệnh đái tháo đường thai kỳ đang được cộng đồng quan tâm vì tốc độ gia tăng nhanh chóng và những biến cố nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Theo Hiệp hội Đái tháo đường và thai nghén Quốc tế (IADPSG), năm 2012, tỷ lệ thai phụ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ ở Việt Nam là 20,3%.
Các chuyên gia cảnh báo, đái tháo đường thai kỳ nếu không chữa trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều nguy cơ như tử vong chu sinh, sinh non, khởi phát chuyển dạ sớm, có nguy cơ bị đái tháo đường típ 2 trong vòng 5 – 10 năm sau khi sinh.
Có nhiều lựa chọn để điều trị, bao gồm thay đổi chế độ dinh dưỡng và thường xuyên tập thể dục. Theo các chuyên gia, vận động thường xuyên có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu, đồng thời cải thiện sức khỏe và tinh thần của cả hai mẹ con.
Đái tháo đường thai kỳ là gì?
Đái tháo đường thai kỳ thường được xét nghiệm khi thai được 24 – 28 tuần. Tuy nhiên, nếu bạn có dấu hiệu đáng ngờ, chuyên gia có thể chỉ định thực hiện xét nghiệm máu.
Đái tháo đường thai kỳ thường được phát hiện ở tuần thai 24-28
Bệnh đái tháo đường thai kỳ được chẩn đoán khi lượng đường trong máu của mẹ bầu quá cao: Mức đường huyết lúc đói > 5,1mmol hoặc lượng đường trong máu > 8,5mmol trong 2 giờ sau khi uống đồ uống.
Nếu là người có tiền sử gia đình mắc đái tháo đường típ 2, trên 30 tuổi hoặc từng bị đái tháo đường thai kỳ trong lần mang thai trước, bạn có nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ cao hơn. Vì vậy, một chế độ dinh dưỡng cân đối cùng chế độ luyện tập phù hợp là điều cực kỳ quan trọng, ngay từ những ngày đầu mang thai.
Nguyên nhân gây đái tháo đường thai kỳ
Giống như một chiếc chìa khóa, insulin trôi qua dòng máu, mở khóa các cánh cửa để cho đường vào tế bào.
Tuy nhiên, trong thời kỳ mang thai, nhau thai tiết ra các hormone làm giảm độ nhạy cảm của mẹ bầu với insulin. Do đó, chìa khóa không còn mở cửa dễ dàng như trước nữa. Điều này có nghĩa là nhau thai phải tiết ra nhiều insulin hơn để cho phép đường đi vào các tế bào xung quanh cơ thể.
Đái tháo đường thai kỳ xảy ra khi tuyến tụy của mẹ bầu không thể tiết ra đủ insulin để đưa tất cả đường vào các tế bào, làm tăng lượng đường trôi nổi trong máu.
Nếu không được kiểm soát đúng cách, lượng đường bổ sung này sẽ đi đến em bé, dẫn đến tăng trọng lượng khi sinh và gây căng thẳng lên tuyến tụy đang phát triển của em bé. Vì vậy, em bé có nguy cơ bị hạ đường huyết ngay khi vừa chào đời
Mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ cũng có nguy cơ sinh mổ cao hơn, do thai nhi quá lớn. Hơn nữa, nguy cơ xuất hiện tiền sản giật đối với mẹ bầu bị đái tháo đường cũng cao hơn.
Vận động giúp kiểm soát đái tháo đường thai kỳ như thế nào?
Tập thể dục giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường thai kỳ bằng cách tăng số lượng các cánh cửa có sẵn để “chìa khóa” insulin mở được nhiều cửa đưa đường vào máu. Nhờ vậy, lượng đường có thể được đốt cháy bởi các tế bào nhiều hơn.
Vận động cũng là cách đốt năng lượng hiệu quả. Và tất nhiên, phần lớn năng lượng của cơ thể tổng hợp bởi đường. Vì vậy, khi bạn vận động, lượng đường trong máu của bạn cũng sẽ được tiêu hao đáng kể.
Mẹ bầu nên tập gì?
Chương trình tập thể dục lý tưởng là điều bạn có thể hoàn thành hầu hết các ngày trong tuần. Vì vậy, bạn hãy lựa chọn những loại hình vận động đơn giản.
Dù luyện tập kiểu gì, mẹ bầu cũng nên duy trì một tần suất tập luyện vừa phải
Các lựa chọn bao gồm đi bộ, bơi lội, tập tạ nhẹ, bài tập trọng lượng cơ thể và Pilates. Các bài tập tăng cường cơ sàn chậu hàng ngày cũng là một điều quan trọng đối với các phụ nữ mang thai.
Để có kết quả tối ưu, bạn nên hoàn thành bài tập aerobic ít nhất 30 phút/ngày và 5 ngày mỗi tuần và 8 – 12 bài tập sức mạnh khác nhau 3 ngày mỗi tuần. Những bài tập sức mạnh này nên nhắm vào các nhóm cơ chính trên toàn cơ thể.
Bạn nên duy trì một tần suất tập luyện vừa phải. Nếu mới bắt đầu tập luyện, bạn chỉ nên tập khoảng 15 phút. Sau khi cơ thể quen dần với cường độ tập luyện, bạn có thể tăng dần thời gian.
Bạn cũng không nên tập những động tác bật, nhảy, va chạm hoặc thay đổi tư thế đột ngột. Động tác phải nằm ngửa quá lâu làm tăng áp lực từ tử cung lên vùng chậu, dẫn đến cản trở lưu thông máu cũng nằm trong danh sách những bài tập không nên khi mang thai.
Nếu đã theo một chế độ tập luyện trước khi mang thai, bạn có thể tiếp tục những bài tập của mình. Tuy nhiên, hãy nói chuyện với các huấn luyện viên hoặc bác sĩ để được tư vấn bài tập phù hợp nhất với sức khỏe.
Những điều cần lưu ý khi vận động
Luôn mang nước và thực phẩm có thể bổ sung năng lượng bên mình
- Đường huyết của bạn có thể thay đổi bất thường trong quá trình tập luyện. Vì vậy, hãy chắc rằng mình luôn mang theo kẹo, bánh hoặc bất cứ thứ gì có thể bổ sung năng lượng ngay lập tức.
- Luôn kiểm tra với bác sĩ sản khoa hoặc huấn luyện viên trước khi bắt đầu một chương trình tập thể dục mới.
- Nói chuyện với bác sĩ để được hướng dẫn về thời gian tập thể dục nếu bạn đang dùng thuốc insulin.
- Trước khi đi ngủ, hãy tránh những bài tập nặng quá mức. Thay vào đó, bạn có thể đi bộ nhẹ nhàng để có giấc ngủ ngon.
Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh và tránh được bệnh đái tháo đường!
Nguồn tham khảo
EXERCISE TO MANAGE GESTATIONAL DIABETES https://exerciseright.com.au/exercise-improve-gestational-diabetes/ Ngày truy cập: 06/09/2020