Trẻ em mắc COVID-19: Ít nguy hiểm nhưng cũng không nên chủ quan

Trẻ em mắc COVID-19: Ít nguy hiểm nhưng cũng không nên chủ quan

Hai đối tượng có hệ miễn dịch yếu là người cao tuổi và trẻ nhỏ. Trong các ca tử vong do nhiễm COVID-19, người cao tuổi từ 60 trở lên là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Còn trẻ nhỏ thì thế nào? Đã có nhiều nghiên cứu vào cuộc để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi này.

Dịch COVID-19 đang trở lại đã gây ra nhiều hoang mang cho cộng đồng và một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm nhất hiện tại là khả năng lây nhiễm và độ nguy hiểm của virus đối với trẻ em. Vậy những yếu tố nào quyết định sự khác biệt giữa khả năng lây nhiễm và độ nguy hiểm của virus ở trẻ và người trưởng thành? LEEP.APP đem đến cho bạn cái nhìn chi tiết hơn dưới sự dẫn dắt của các nghiên cứu khoa học đến từ các quốc gia có số ca lây nhiễm cao để từ đó nâng cao cảnh giác trước dịch bệnh.

Tại sao các nhà khoa học cho rằng COVID-19 ít nguy hiểm hơn ở trẻ em?

Trẻ em cũng có thể nhiễm COVID-19, nhưng tác động của loại virus này lên những bệnh nhân nhỏ tuổi sẽ ít nguy hiểm hơn so với người lớn. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết số bệnh nhân dưới 18 tuổi chỉ chiếm 7% số ca nhiễm COVID-19 và chưa đến 0,1% số ca tử vong.

Hầu hết các trẻ nhiễm COVID-19 đều có những triệu chứng nhẹ, điển hình nhất là sốt và ho. Một nghiên cứu của Học viện Y dược Hoa Kỳ được đăng trên tạp chí Sức khỏe Trẻ em và Thanh thiếu niên (The Lancet Child & Adolescent Health) đã được tiến hành với 582 trẻ dưới 18 tuổi tại 21 quốc gia và đồng thời là nghiên cứu quy mô nhất về COVID-19 ở lứa tuổi dưới 18 vào thời điểm hiện tại. Nghiên cứu chỉ ra rằng COVID-19 gây ra các triệu chứng nhẹ ở trẻ và không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, cũng có hơn một nửa số đối tượng nhập viện và 4 ca tử vong. Vì vậy, bệnh có thể gọi là không đáng ngại như người lớn nhưng hoàn toàn không thể xem thường.

Những dấu hiệu như ho, ngứa cổ… cần được lưu tâm trong mùa dịch bệnh

Sở dĩ tỷ lệ nhập viện cao như vậy vì nghiên cứu chỉ tập trung vào các đối tượng có các triệu chứng đủ nặng để chẩn đoán hoặc đã nhập viện điều trị. Theo các chuyên gia dự đoán, khả năng nhập viện do COVID-19 ở trẻ chỉ nằm trong khoảng 0,6 đến 9%. Khả năng mắc bệnh sẽ càng cao khi trẻ có sẵn các bệnh nền trong người, chẳng hạn như bệnh tim và trường hợp trẻ bị COVID-19 nặng, dẫn đến suy đa tạng và tử vong cũng rất hiếm.

Tuổi của trẻ có ảnh hưởng đến việc mắc COVID-19 không?

Thực tế, vẫn có sự khác biệt giữa trẻ em và trẻ vị thành niên về COVID-19 ở cả khả năng mắc bệnh và bệnh trở nặng.

Một nghiên cứu được tiến hành tại Mỹ với quy mô 16.025 người cho kết quả rằng trẻ em trên 10 tuổi dễ bị lây nhiễm hơn khi tiếp xúc gần với người bệnh. Một nghiên cứu khác tại Iceland cũng chứng minh 10 tuổi là cột mốc đánh dấu sự gia tăng khả năng nhiễm COVID-19 ở trẻ. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), gần 1/3 số ca trẻ em và thiếu niên mắc COVID-19 tại Mỹ nằm trong lứa tuổi từ 15 − 17 và độ tuổi trung bình nhiễm virus là 11 (cũng giống với người lớn, bé trai dễ mắc bệnh hơn bé gái).

Tất cả các công bố trên đều cho thấy, virus sẽ dễ lây lan hơn trong cộng đồng học sinh cấp 2 và cấp 3 so với tiểu học. Tuy nhiên, khả năng mắc bệnh ở người trưởng thành không ảnh hưởng dù tiếp xúc với nhóm tuổi nào.

10 tuổi là cột mốc đánh dấu sự tăng trưởng trong tỷ lệ mắc và truyền bệnh ở trẻ

Vẫn còn chưa rõ nguyên nhân vì sao trẻ em càng nhỏ thì khả năng lây nhiễm virus càng thấp. Một khả năng có thể cho là thuyết phục nhất ở thời điểm hiện tại là trẻ nhỏ thường mắc các bệnh liên quan đến COVID-19 như cảm, cúm, sốt, ho. Do tần suất bệnh nhiều nên một vài loại kháng thể có thể phần nào kháng lại virus ở trẻ, đây cũng là điều mà người trưởng thành yếu dần theo tuổi tác. Thông thường, hệ miễn dịch sẽ kém nhạy khi trưởng thành. Do vậy, việc kháng thể ở trẻ nhạy hơn với virus cũng không phải là điều quá mới mẻ.

Một nguyên nhân khác cũng khá thuyết phục đó là gen của người nhiễm bệnh. Các tế bào mang gen mà virus có thể bám và tồn tại ít hơn trên vòm họng và khoang mũi của trẻ, dẫn đến khả năng nhiễm bệnh ít hơn người lớn. Đó là chưa kể trẻ em khi ho hoặc nói thì tạo ra ít lực hơn người lớn. Vì vậy, số virus trẻ bắn ra môi trường bên ngoài khi sinh hoạt cũng ít hơn. Nhưng dù sao, khả năng lây nhiễm là vẫn có, bạn cũng không thể lơ là.

Trẻ em bao nhiêu tuổi có khả năng lan truyền mầm bệnh?

Người lớn có khả năng lây truyền bệnh cho trẻ, nhưng trẻ thì không, nên bạn cũng cần chú ý bảo vệ trẻ trong thời gian dịch bệnh diễn ra

Một nghiên cứu trong tạp chí Nature tháng 6/2020 với dữ liệu từ 6 quốc gia đưa ra ý kiến rằng, trẻ em và thanh thiếu niên dưới 20 tuổi có khả năng nhiễm bệnh thấp hơn người lớn 50%. Lần lượt các nghiên cứu tại Israel, Hà Lan và Thụy Sĩ cũng ủng hộ luận điểm trên. Tuy khả năng nhiễm bệnh thấp, nhưng khả năng trẻ mang mầm bệnh lây cho người khác là vẫn tồn tại và điều này lại một lần nữa liên quan đến độ tuổi.

Một nghiên cứu tại Hàn Quốc lấy mẫu 5.700 bệnh nhân COVID-19 phát hiện lứa tuổi từ 10 − 19 có khả năng truyền mầm bệnh y như người trưởng thành, trong khi khả năng này thấp hơn hẳn so với nhóm tuổi dưới 10. Nhiều nghiên cứu cũng cho ra kết quả tương tự khi kết luận rằng trẻ em rất hiếm khi là đối tượng mắc bệnh đầu tiên trong mỗi gia đình. Điều này có nghĩa là nếu trẻ có mắc bệnh, thì phần lớn là do lây từ người thân chứ không phải là nguồn lây cho cả nhà. 

Phòng bệnh luôn là ưu tiên hàng đầu ở thời điểm hiện tại. Vì vậy, dù là trẻ em hay người trưởng thành đều cần phải hạn chế ra khỏi nhà. Nếu buộc phải ra đường, khẩu trang và nước rửa tay luôn là những vật bất ly thân của bạn. Hãy cùng LEEP.APP chung tay chống dịch và xây dựng lối sống khỏe, lành mạnh ngay hôm nay!

Nguồn tham khảo

What scientists are learning about kid and COVID-19 infection https://www.vox.com/21352597/covid-19-children-infection-transmission-new-studies Ngày truy cập: 04/08/2020