Thức ăn nhanh gây hại như thế nào đối với cơ thể?
Thức ăn nhanh là lựa chọn phổ biến của nhiều người, đặc biệt là trong nhịp sống tất bật như hiện nay. Ngon miệng, tiện lợi, không tốn nhiều thời gian chế biến, đây là những điều ai cũng biết về thức ăn nhanh nhưng những nguy hại về sức khỏe đằng sau món ăn thì lại ít được biết đến.
Thức ăn nhanh không chỉ gây nguy hại cho dạ dày mà nó còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, vóc dáng và gây ra những tác hại không thể lường trước được. Một số nghiên cứu còn cho thấy, việc dùng thức ăn nhanh thường xuyên còn làm ảnh hưởng đến lối sống và rút ngắn tuổi thọ con người. Thức ăn thật sự gây ra những tác hại gì? Dành vài phút xem ngay những chia sẻ đưới đây của LEEP.APP để có lời giải đáp nhé.
Tác hại của thức ăn nhanh đối với hệ tiêu hóa và tim mạch
Hầu hết các loại thức ăn nhanh, bao gồm cả đồ uống đều chứa rất nhiều carbohydrate nhưng lại chứa rất ít hoặc không có chất xơ
Hầu hết các loại thức ăn nhanh, bao gồm cả đồ uống đều chứa rất nhiều carbohydrate nhưng lại rất ít hoặc không có chất xơ. Sau khi vào cơ thể, lượng carbohydrate trong thức ăn nhanh sẽ được giải phóng dưới dạng glucose (đường) và đi vào máu. Hậu quả của điều này là lượng đường trong máu tăng lên.
Khi nồng độ glucose tăng lên, tuyến tụy sẽ phản ứng bằng cách giải phóng insulin. Insulin giúp vận chuyển đường đi khắp cơ thể để cung cấp năng lượng cho các tế bào. Khi cơ thể sử dụng hoặc lưu trữ đường, lượng đường trong máu sẽ trở lại bình thường.
Tuy nhiên, nếu thường xuyên nạp vào cơ thể một lượng lớn carb khiến lượng đường huyết tăng cao, điều này làm thay đổi phản ứng thông thường của insulin. Từ đó, làm tăng nguy cơ kháng insulin, tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường týp 2 và tăng cân.
Đường và chất béo
Một số loại thức ăn nhanh còn chứa quá nhiều đường, điều đó khiến món ăn chứa quá nhiều calorie mà lại ít dinh dưỡng. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo mỗi ngày bạn chỉ nên cung cấp 100 đến 150 calorie từ đường (khoảng 6 đến 9 muỗng cà phê). Trong khi đó, một số loại thức ăn nhanh, chẳng hạn như 1 lon soda, chứa đến 8 muỗng cà phê đường, tương đương với 140 calorie và không có bất cứ một chất dinh dưỡng nào khác.
Ngoài đường, trong một số loại thức ăn nhanh như pizza, khoai tây chiên, gà rán… còn chứa chất béo chuyển hóa được tạo ra trong quá trình chế biến thực phẩm. Đây là loại chất béo rất có hại đối với cơ thể, việc hấp thụ quá nhiều có thể làm tăng cholesterol xấu (LDL), giảm lượng cholesterol tốt (HDL) và làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường týp 2 cũng như bệnh tim.
Natri
Đường và chất béo khi kết hợp natri (muối) có thể kích thích vị giác và khiến nhiều người ăn ngon hơn. Tuy nhiên, ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều natri có thể khiến cơ thể giữ quá nhiều nước. Đây là lý do giải thích tại sao bạn hay bị sưng húp, đầy hơi hoặc sưng sau khi dùng thức ăn nhanh.
Một chế độ ăn nhiều natri cũng rất nguy hiểm đối với những người mắc các bệnh về huyết áp. Natri có thể làm tăng huyết áp và gây căng thẳng cho tim. Hiệp hội Tim mạch Hoa kỳ (AHA) khuyến cáo một người không nên dùng quá 2.300mg natri mỗi ngày. Trong khi đó, chỉ 1 bữa dùng thức ăn nhanh là bạn đã cung cấp một nửa trong số đó.
Tác hại của thức ăn nhanh đối với hệ hô hấp
Lượng calorie dư thừa từ các bữa ăn nhanh có thể gây tăng cân và dẫn đến béo phì. Béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, chẳng hạn như hen suyễn và khó thở.
Không những vậy, cân nặng còn có thể gây áp lực lên tim, phổi và khiến bạn gặp khó khăn trong các hoạt động hàng ngày. Chẳng hạn, bạn có thể thấy khó thở khi đi bộ, leo cầu thang hoặc tập thể dục.
Đối với trẻ nhỏ, nguy cơ này là cực kỳ lớn. Một nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ ăn thức ăn nhanh ít nhất ba lần một tuần sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh hen suyễn.
Tác hại của thức ăn đối với hệ thần kinh trung ương
Những người ăn nhiều thức ăn nhanh và bánh ngọt chế biến có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn 51% so với những người không ăn hoặc ăn rất ít
Thức ăn nhanh có thể giúp bạn “giải tỏa” cơn đói trong thời gian ngắn nhưng những hậu quả mà nó đem lại là vô cùng to lớn. Những người ăn nhiều thức ăn nhanh và bánh ngọt chế biến có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn 51% so với những người không ăn hoặc ăn rất ít.
Tác hại của thức ăn nhanh đối với hệ sinh sản
Các thành phần trong thức ăn nhanh có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Một nghiên cứu cho thấy trong thực phẩm chế biến thường có nhiều phthalates. Đây là một hóa chất có thể làm gián đoạn hoạt động của hormone trong cơ thể. Tiếp xúc nhiều với hóa chất này có thể dẫn đến các vấn đề sinh sản, thậm chí còn có thể làm tăng nguy dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
Tác hại của thức ăn nhanh đối với hệ vỏ bọc (da, tóc, móng)
Nhan sắc phụ thuộc rất lớn vào loại thực phẩm mà bạn ăn mỗi ngày. Ăn quá nhiều thực phẩm chứa nhiều carb sẽ khiến lượng đường trong máu tăng đột biến và điều này có thể làm tăng nguy cơ bị mụn trứng cá. Theo một nghiên cứu, trẻ em và thanh thiếu niên ăn thức ăn nhanh ít nhất ba lần một tuần có nguy cơ cao mắc bệnh chàm.
Tác hại của thức ăn nhanh đối với xương và răng
Carb, đường trong thức ăn nhanh và thực phẩm chế biến có thể làm tăng axít trong miệng. Những axít này có thể phá vỡ men răng. Khi men răng biến mất, vi khuẩn sẽ dễ dàng “tấn công” và gây sâu răng.
Béo phì gây ra do dùng thức ăn quá nhiều có thể dẫn đến các biến chứng với mật độ xương và khối lượng cơ bắp. Những người béo phì có nguy cơ cao bị gãy xương. Để khắc phục, bạn cần duy trì việc tập thể dục đều đặn để xây dựng cơ bắp, hỗ trợ xương và duy trì chế độ ăn lành mạnh để tránh mất xương.
Tác hại của thức ăn nhanh đối với cơ thể là vô cùng khó lường. Chính vì vậy, để có một sức khỏe tốt, bạn nên từ bỏ thói quen này ngay hôm nay và tạo cho mình một chế độ ăn lành mạnh. Ngoài ra, đừng quên duy trì thói quen tập thể dục để tăng cường sức khỏe và có một vóc dáng hoàn hảo. Hãy tải ngay LEEP.APP để cập nhật thêm nhiều kiến thức về sức khỏe, tập luyện, dinh dưỡng hoặc tìm kiếm huấn luyện viên công nghệ 4.0 giúp bạn tập luyện đúng phương pháp, an toàn và hiệu quả hơn.
Nguồn tham khảo
The Effects of Fast Food on the Body https://www.healthline.com/health/fast-food-effects-on-body Ngày truy cập: 20/7/2020