Tại sao không nên chờ miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19?

Tại sao không nên chờ miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo các quan chức nhà nước trên thế giới không nên triển khai miễn dịch cộng đồng đối với virus SARS-CoV-2. Bằng cách cho lây lan nhanh chóng sẽ khiến rất nhiều người tử vong và gây áp lực lên hệ thống y tế.

Theo các nhà dịch tễ học, miễn dịch cộng đồng là phương pháp cần thiết để khống chế một loại virus. Điều này chỉ đạt được khi đủ số lượng người trong cộng đồng được tiêm vắc-xin hoặc có kháng thể chống lại virus khiến virus không có vật chủ mới để lây lan.

Khi nào mới có thể miễn dịch cộng đồng?

Mike Ryan, Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hầu hết các nhà khoa học nghĩ rằng 60 – 80% dân số cần được tiêm vắc-xin hoặc có kháng thể chống lại COVID-19 tự nhiên để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, dù con số đó là bao nhiêu thì chúng ta vẫn đang cách con số này rất xa. Và điều đó có nghĩa là virus SARS-CoV-2 cần có một thời gian dài để lây lan trong cộng đồng trước khi đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng.

Muốn có miễn dịch cộng đồng cần 60 – 80% dân số được tiêm vắc-xin hay miễn dịch tự nhiên. Thế nhưng, vắc-xin cho COVID-19 vẫn là một dấu chấm hỏi

Ông Ryan phát biểu: “Việc chỉ ngồi không chờ đợi khả năng miễn dịch cộng động bằng cách cho phép virus lây lan một cách tự do theo đề xuất của một số người phản đối cách ly xã hội là rất nguy hiểm”.

Mục tiêu đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, theo một cách nào đó, đang đi ngược lại với việc kiểm soát dịch bệnh. Nếu nói chúng ta cần có khả năng miễn dịch cộng đồng là 70% và chúng ta nên để virus lây lan cho đến khi chúng ta đạt được con số 70% thì không ai có thể tưởng tượng được viễn cảnh sẽ xảy ra như thế nào. Các bệnh viện bị quá tải với rất nhiều người tử vong”.

Không thể chờ miễn dịch cộng đồng vì virus SARS-CoV-2 rất nguy hiểm

Ngay cả khi con người không chết vì căn bệnh này, vẫn còn có rất nhiều vấn đề dài hạn khác. Bất cứ ai nhìn vào những bệnh nhân bị COVID-19 nặng đều có thể thấy rằng đây là một bệnh có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho rất nhiều cơ quan, gây căng thẳng cho nhiều hệ thống trong cơ thể như hệ tim mạch, hệ thần kinh… COVID-19 có thể không giết chết bệnh nhân nhưng nó sẽ khiến cơ thể họ bị suy nhược trong một khoảng thời gian.

Dù những người trẻ tuổi có thể vượt qua bệnh này nhưng nó sẽ khiến cơ thể họ bị suy nhược trong một thời gian 

Khi bị nhiễm SARS-CoV-2, bạn có thể sẽ gặp phải một loạt các triệu chứng. Một số người có thể không có triệu chứng, trong khi những người khác có các triệu chứng nhẹ hoặc các triệu chứng nghiêm trọng cần nhập viện và thậm chí chăm sóc đặc biệt. Những người trẻ mắc COVID-19 có thể rời khỏi bệnh viện trong trạng thái khỏe mạnh nhưng khả năng cao sẽ gặp vấn đề sức khỏe chỉ trong vòng 10 hoặc 15 tuần sau đó.

COVID-19 là một đại dịch nguy hiểm trên toàn cầu. Chúng ta phải bảo vệ chính mình và bảo vệ người khác một cách nghiêm túc. Ở một mức độ nào đó, bạn có thể không quan tâm đến sức khỏe của bản thân nhưng không có quyền mạo hiểm gây hại cho người khác. Không thể chạy bộ, không thể tập thể dục, liên tục khó thở và bị ho là những điều mà không ai muốn phải chịu đựng.

Ý kiến miễn dịch cộng đồng ​​được đưa ra trong tình hình dịch COVID-19 đang lan rộng đến hơn 18,2 triệu người trên toàn thế giới và khiến gần 700.000 ca tử vong (cập nhật 12 giờ ngày 3/8/2020). Bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu Mỹ, cho biết nhiều khả năng virus SARS-CoV-2 sẽ không thể bị tiêu diệt.

Mặc dù virus có thể không biến mất hoàn toàn nhưng có thể các nhà lãnh đạo thế giới và các quan chức y tế có thể có những biện pháp khiến khả năng gây hại của virus này xuống mức thấp nhất.

Bạn cần làm gì để tránh dịch bệnh lây lan?

Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bạn có thể làm giảm khả năng bị nhiễm hoặc lây lan COVID-19 bằng cách thực hiện một số biện pháp phòng ngừa đơn giản sau đây:

• Thường xuyên rửa tay bằng nước và xà phòng hoặc làm sạch tay bằng nước rửa tay khô để tiêu diệt virus có trên tay bạn.

• Duy trì khoảng cách ít nhất 1 mét giữa bạn và người khác. Khi ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, người đó có thể bắn ra những giọt chất lỏng nhỏ từ mũi hoặc miệng. Trong trường hợp người đó mắc bệnh, nếu ở quá gần, bạn có thể hít phải những giọt nước bao gồm cả virus SARS-CoV-2.

Duy trì giãn cách với người khác trong ít nhất 1 mét cũng là cách phòng bệnh hiệu quả

• Tránh đi đến những nơi đông người. Khi đến đám đông, bạn có khả năng tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19 và việc duy trì khoảng cách 1 mét sẽ khó khăn hơn.

• Tránh chạm tay vào mắt, mũi và miệng. Tay chạm vào nhiều bề mặt và có thể nhiễm virus. Sau khi bị nhiễm, tay có thể truyền virus sang mắt, mũi hoặc miệng của bạn. Từ đó, virus có thể xâm nhập vào cơ thể và lây nhiễm cho bạn.

• Che miệng và mũi bằng khuỷu tay hoặc khăn giấy khi bạn ho hoặc hắt hơi. Sau đó vứt bỏ khăn giấy đã sử dụng ngay lập tức và rửa tay. Điều này giúp bạn bảo vệ những người xung quanh khỏi bị lây lan các loại virus như cảm lạnh, cúm và COVID-19.

• Ở nhà và tự cô lập ngay cả với các triệu chứng nhỏ như ho, nhức đầu, sốt nhẹ cho đến khi bạn hồi phục. Nếu bạn cần rời khỏi nhà, hãy đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc với người khác để bảo vệ họ khỏi COVID-19 và các loại virus khác.

• Nếu bị sốt, ho và khó thở, hãy đi khám, nhưng gọi điện thoại trước và làm theo chỉ dẫn của cơ quan y tế địa phương. Chính quyền quốc gia và địa phương sẽ có thông tin cập nhật nhất về tình hình dịch bệnh trong khu vực của bạn và hướng dẫn bạn đến đúng cơ sở y tế. Điều này sẽ bảo vệ bạn và giúp ngăn ngừa sự lây lan virus và các bệnh nhiễm trùng khác.

• Luôn cập nhật thông tin mới nhất từ ​​các nguồn đáng tin cậy, chẳng hạn như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hoặc Bộ Y tế.

Hiện dịch bệnh đã lan nhanh đến 215/232 quốc gia trên thế giới

COVID-19, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra được phát hiện lần đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Đến nay, dịch bệnh đã bùng phát ở 215 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Tại Việt Nam, những ngày gần đây, cả nước dường như nín thở khi tình hình dịch bệnh lại bùng phát với diễn biến phức tạp sau 99 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Ngày 25/7, Việt Nam chính thức ghi nhận bệnh nhân thứ 416 tại Đà Nẵng dương tính với COVID-19 chủng mới, nổ phát súng mở đầu cho đợt bùng phát dịch lần thứ hai. Tính tới 12 giờ ngày 3/8/2020, Việt Nam đã ghi nhận 621 ca nhiễm với 6 ca tử vong.

Để bảo vệ bản thân mình, ngoài những cách phòng bệnh từ WHO, bạn cũng cần tăng cường sử dụng thực phẩm giúp tăng khả năng miễn dịch và tập thể dục thường xuyên. Nếu cần tìm hiểu thêm hay chưa biết bắt đầu từ đâu, bạn hãy truy cập website www.leep.app hoặc tải ngay LEEP.APP tại đây. Chúng tôi có các thông tin hữu ích về sức khỏe, dinh dưỡng, các bài tập luyện để giúp bạn có cuộc sống vui khỏe, hạnh phúc, vượt qua dịch bệnh nhẹ như tênh, không hoang mang và quá lo lắng.

Nguồn tham khảo

WHO warns that waiting to achieve herd immunity to the coronavirus will kill a lot of people https://www.cnbc.com/2020/07/29/who-warns-that-waiting-to-achieve-herd-immunity-to-the-coronavirus-will-kill-a-lot-of-people.html Ngày truy cập: 31/7/2020

Protect yourself and others from the spread COVID-19 https://www.who.int/emergencies/diseases/novel-coronavirus-2019/advice-for-public Ngày truy cập: 3/8/2020

How Many Countries Are There 2020 https://worldpopulationreview.com/country-rankings/how-many-countries-are-there Ngày truy cập: 3/8/2020