Thường xuyên làm việc đêm có thể tăng nguy cơ ung thư

Thường xuyên làm việc đêm có thể tăng nguy cơ ung thư

Một nghiên cứu mới do một nhóm các nhà khoa học từ Đại học bang Washington, Mỹ, đã đưa ra những bằng chứng làm sáng tỏ manh mối về lý do tại sao những người làm đêm có thể tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư so với những người làm việc bình thường vào ban ngày.

Trong bài viết sau chúng ta hãy cùng tìm hiểu về nghiên cứu này và tìm phương pháp phòng tránh nguy cơ ung thư cho bản thân mình.

Những bằng chứng cho thấy làm việc đêm dễ dẫn đến nguy cơ ung thư

Các phát hiện cho thấy việc làm đêm có nguy cơ làm gián đoạn nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể. Cụ thể đó là sự tác động đến hoạt động của một số gen liên quan đến ung thư, khiến những người làm đêm dễ bị tổn thương DNA hơn, đồng thời khiến cơ chế sửa chữa DNA của cơ thể bị sai lệch để đối phó với những tổn thương đó.

Phó giáo sư Shobhan Gaddameedhi là đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Đã có nhiều bằng chứng cho thấy ung thư phổ biến hơn ở những người làm đêm, khiến cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại công việc làm đêm là có thể gây ung thư. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ tại sao làm việc đêm lại làm tăng nguy cơ ung thư, điều mà nghiên cứu của chúng tôi đã tìm cách giải quyết”.

Làm việc ca đêm làm thay đổi đồng hồ sinh học của cơ thể

Làm việc đêm làm thay đổi đồng hồ sinh học của cơ thể

Chúng ta luôn hiểu rằng, đồng hồ sinh học của cơ thể thuộc về trung tâm não, tuy nhiên hầu hết  mọi tế bào trong cơ thể cũng có một đồng hồ sinh học riêng. Nghĩa là mức độ hoạt động của các gen này cũng thay đổi theo thời gian trong ngày hoặc đêm. Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng biểu hiện của các gen liên quan đến ung thư cũng có thể theo nhịp điệu và việc làm đêm có thể phá vỡ nhịp điệu của các gen này.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã tiến hành một thí nghiệm mô phỏng làm việc theo ca với 14 người tham gia. Một nửa trong số họ đã hoàn thành lịch trình làm đêm mô phỏng ba ngày, trong khi nửa còn lại hoàn thành lịch trình ca ngày mô phỏng ba ngày.

Sau khi hoàn thành ca làm việc mô phỏng của mình, tất cả những người tham gia được giữ trong một quy trình thường xuyên liên tục. Theo quy trình này, họ sẽ được giữ tỉnh táo trong 24 giờ trong điều kiện tiếp xúc với ánh sáng và nhiệt độ phòng liên tục và được cho ăn đồ ăn nhẹ giống hệt nhau mỗi giờ. Cứ sau ba giờ, các nhà nghiên cứu lấy ra một mẫu máu.

Phân tích các tế bào bạch cầu lấy từ các mẫu máu cho thấy nhịp sinh học của nhiều gen liên quan đến ung thư đã bị thay đổi trong điều kiện làm việc đêm. Đáng chú ý, các gen liên quan đến việc sửa chữa DNA đã thể hiện nhịp sinh học khác biệt so với những ai làm việc ca ngày. Sau đó, các nhà nghiên cứu xem xét hậu quả của những thay đổi trong biểu hiện của các gen liên quan đến ung thư có thể là gì. Họ phát hiện ra rằng các tế bào bạch cầu được phân lập từ máu của những người tham gia đêm có nhiều bằng chứng về sự tổn thương DNA hơn so với những người tham gia ca ngày.

DNA có thể bị tổn thương nếu bạn thường xuyên phải làm ca đêm

DNA có thể bị tổn thương nếu bạn thường xuyên phải làm đêm

Hơn nữa, sau khi các nhà nghiên cứu cho các tế bào bạch cầu bị cô lập tiếp xúc với bức xạ ion hóa vào hai thời điểm khác nhau trong ngày, các tế bào được bức xạ vào buổi tối cho thấy sự phá hủy DNA tăng lên trong điều kiện ca đêm so với điều kiện ca ngày. Điều này có nghĩa là các tế bào bạch cầu từ những người tham gia ca đêm dễ bị tổn thương hơn bởi bức xạ bên ngoài, một yếu tố nguy cơ gây tổn thương DNA và ung thư.

“Tóm lại, những phát hiện này cho thấy rằng lịch làm việc ban đêm làm mất thời gian biểu hiện của các gen liên quan đến ung thư theo cách làm giảm hiệu quả của quá trình sửa chữa DNA của cơ thể khi chúng cần thiết nhất”, đồng tác giả Jason McDermott cho biết. Bước tiếp theo của các nhà nghiên cứu là tiến hành thí nghiệm tương tự với những người làm ca thực tế, những người luôn làm ca ngày hoặc đêm trong nhiều năm để xác định xem những người làm việc vào ban đêm, tổn thương DNA chưa được sửa chữa có tích tụ theo thời gian hay không, điều này có thể làm tăng nguy cơ ung thư.

Bạn nên ngăn ngừa nguy cơ ung thư như thế nào?

Nếu trường hợp bạn không thể thay đổi công việc bạn vẫn có thể lên kế hoạch ngăn ngừa ung thư ngay từ hôm nay bằng các thiết lập các thói quen sau:

Bảo đảm ngủ đủ giấc

Để đảm bảo sức khỏe, các chuyên gia khuyên bạn nên ngủ 7 – 8 tiếng. Hãy tạo cho mình không gian ngủ thoải mái và yên tĩnh, bạn có thể đeo tai nghe, dùng rèm tối màu hay che mắt khi ngủ. Đồng thời bạn cũng nên hạn chế sử dụng các sản phẩm chứa chất kích thích như thuốc lá, cà phê, trà, rượu bia… để giấc ngủ đến dễ dàng hơn.

Sắp xếp bữa ăn hợp lý

Bữa ăn sau khi tan ca là bữa ăn cần thiết để cân đối dưỡng chất cho cơ thể. Tuy nhiên, bạn cũng không nên ăn quá no vì sẽ dễ ảnh hưởng đến giấc ngủ sau đó. Bữa ăn chính sau khi ngủ dậy nên là bữa ăn nạp nhiều năng lượng nhất trong ngày. Trong bữa này bạn nên bổ sung thức ăn giàu đạm như thịt, cá, cơm, mì và rau cùng trái cây là những thực phẩm không nên thiếu.

bữa ăn phụ giữa ca đêm

Ngoài ra, bạn cũng nên bổ sung một bữa phụ nhỏ giữa ca để đảm bảo cơ thể không thiếu hụt dưỡng chất.

Tập luyện phù hợp

Các chuyên gia khuyên chúng ta nên tập thể dục ít nhất 30 phút một ngày. Vì thế, bạn nên lập thời khóa biểu tập luyện phù hợp để sức khỏe và cân nặng luôn được duy trì ổn định. Thời gian lý tưởng nhất để bạn tập thể dục là trước khi vào ca làm, hoặc bạn cũng có thể tập sau khi tan ca, tuy nhiên không nên tập thể dục quá cận giờ ngủ.

Nguồn tham khảo

Working in night shifts may increase cancer risk, reveals study https://timesofindia.indiatimes.com/life-style/health-fitness/health-news/working-in-night-shifts-may-increase-cancer-risk-reveals-study/articleshow/81493673.cms  Ngày truy cập 15/03/2021