Hóa chất bủa vây khắp nơi: Bạn nên bảo vệ bản thân như thế nào?
Cuộc sống ngày một hiện đại, con người lại càng có nguy cơ tiếp xúc với nhiều hóa chất độc hại. Các hóa chất này hiện diện ở khắp mọi nơi, từ môi trường sống cho đến những vật dụng quen thuộc mà chúng ta dùng hàng ngày.
Bạn có biết mỗi ngày chúng ta phải tiếp xúc với hàng ngàn hóa chất khác nhau? Những độc tố này nếu tích tụ lâu ngày trong cơ thể sẽ dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm. Không có cách nào để bảo vệ cơ thể hoàn toàn nhưng bạn có thể giảm lượng hóa chất mà mình tiếp xúc mỗi ngày thông qua một số thói quen nhỏ. Hãy cùng LEEP.APP xem tiếp những chia sẻ dưới đây để biết chúng ta thường tiếp xúc với hóa chất nào và cách để hạn chế nhé.
Hóa chất xuất hiện khắp nơi
Mỗi ngày, chúng ta phải tiếp xúc với rất nhiều hóa chất khác nhau và những hóa chất này cũng là nguyên nhân gây ung thư và các rối loạn nội tiết. Hóa chất có thể đến từ môi trường tự nhiên như:
- Chì
- Thủy ngân
- Radon
- Formaldehyde
- Benzen
- Cadimi
Hoặc có thể là do con người tạo ra như:
- BPA
- Phthalate
- Thuốc trừ sâu
Khi tiếp xúc trong thời gian dài, tất cả các hóa chất này đều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người:
- Gây ung thư (radon, formaldehyde, benzen)
- Gây rối loạn nội tiết (BPA, thuốc trừ sâu, phthalate)
- Làm suy yếu các cơ quan và dẫn đến các vấn đề về phát triển (chì, thủy ngân, cadimi)
Nếu tiếp xúc với hóa chất gây hại trong thời gian dài, bạn có nguy cơ mắc ung thư
Một số độc tố thường gặp và cách để hạn chế tiếp xúc
Dưới đây là một số hóa chất thường gặp trong cuộc sống và bí quyết giúp bạn tránh xa những hóa chất này:
Các chất gây rối loạn nội tiết
Cả hóa chất tự nhiên và hóa chất nhân tạo đều có thể gây rối loạn nội tiết và tạo ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển, sinh sản, thần kinh và miễn dịch. Tuy nhiên, điều đáng buồn là các chất này lại được tìm thấy trong nhiều sản phẩm mà chúng ta vẫn sử dụng hàng ngày như:
- Chai và hộp nhựa
- Chất tẩy rửa
- Đồ chơi
- Mỹ phẩm
- Thuốc trừ sâu
BPA
Đây là hóa chất gây rối loạn nội tiết phổ biến nhất và thường được sử dụng để sản xuất bao bì thực phẩm, hộp đựng thức ăn, bình sữa trẻ em, chai nước… Tiếp xúc với hóa chất này thường xuyên có thể dẫn đến các vấn đề như béo phì, dậy thì sớm, các bệnh ung thư liên quan đến nội tiết như ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú và việc sản xuất tinh trùng.
Bạn sẽ có nguy cơ tiếp xúc với BPA nếu đựng thức ăn, đồ uống nóng trong các hộp nhựa, chai có chứa hóa chất này. Để giảm tiếp xúc với BPA:
- Hạn chế sử dụng hộp nhựa có số 7 hoặc số 3 ở đáy.
- Không cho hộp nhựa vào lò vi sóng hoặc rửa bằng máy rửa bát hoặc các chất tẩy rửa mạnh.
- Hạn chế sử dụng thực phẩm đóng hộp, thay vào đó bạn hãy lựa chọn thực phẩm tươi sống.
- Sử dụng bình sữa trẻ em không có BPA hoặc dùng bình thủy tinh.
Phthalate
Phthalate là hóa chất được sử dụng để làm mềm nhựa. Hóa chất này thường được tìm thấy trong các sản phẩm như dầu gội, mỹ phẩm, kem dưỡng da, sơn móng tay và chất khử mùi.
Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường Quốc gia (NIEHS) đã phát hiện ra rằng nếu mẹ tiếp xúc với phthalate thường xuyên trước khi sinh thì có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển của bộ phận sinh dục và làm giảm độ nam tính ở các bé trai. Ngoài ra, tiếp xúc với phthalate còn có thể dẫn đến rối loạn chức năng tuyến giáp ở người lớn. Để giảm tiếp xúc với phthalate, bạn hãy:
- Tránh sử dụng đồ nhựa có số 3 ở đáy
- Sử dụng hộp nhựa không chứa PVC. Mua màng bọc và túi nhựa làm từ polyetylen và sử dụng hộp đựng bằng thủy tinh. Nếu bạn sử dụng hộp nhựa, không hâm nóng hoặc cho vào lò vi sóng
- Chọn đồ chơi không chứa phthalate
- Mua các sản phẩm làm đẹp không chứa phthalate
Sử dụng hộp thủy tinh thay vì hộp nhựa để giảm bớt sự tiếp xúc với các loại hóa chất
Các chất có khả năng gây ung thư
Hàng trăm hóa chất có khả năng gây ung thư cho người hoặc động vật nếu tiếp xúc trong thời gian dài. Theo báo cáo, có khoảng 80.000 hóa chất được sử dụng nhưng chỉ khoảng 2% trong số đó đã được đánh giá về mức độ an toàn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng radon, formaldehyde và benzen là những hóa chất chính gây ung thư.
Radon
Radon là một chất khí phóng xạ không màu, không mùi. Nó sinh ra từ sự phân hủy tự nhiên của uranium hoặc thorium được tìm thấy ở hầu hết các loại đất. Loại khí này thường di chuyển lên trên mặt đất và vào nhà thông qua các vết nứt trên sàn nhà, tường và nền móng. Tiếp xúc thường xuyên với các hạt phóng xạ do radon tạo ra là nguyên nhân thứ hai gây ung thư phổi sau hút thuốc và là nguyên nhân hàng đầu ở những người không hút thuốc. Để giảm phơi nhiễm radon, bạn nên thường xuyên kiểm tra không khí và nguồn nước tại nhà thường xuyên
Formaldehyde
Formaldehyde là một hóa chất không màu, dễ cháy, có mùi mạnh, được sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng và các sản phẩm gia dụng. Hóa chất cũng xuất hiện tự nhiên trong môi trường. Thông thường các hóa chất này sẽ có nhiều trong các sản phẩm gỗ ép như ván ép, keo dán và chất kết dính, khói thuốc lá và các thiết bị đốt bằng nhiên liệu.
Các nghiên cứu cho thấy formaldehyde có liên quan đến một số bệnh ung thư như ung thư vòm họng và bệnh bạch cầu. Để giảm tiếp xúc với formaldehyde, bạn hãy:
- Hạn chế sử dụng các sản phẩm gỗ ép trong nhà.
- Giữ cho nhà cửa thông thoáng và nhiệt độ vừa phải.
- Giảm độ ẩm bằng máy điều hòa không khí và máy hút ẩm.
- Trồng thêm cây xanh trong nhà.
Benzen
Benzen là chất lỏng không màu, bay hơi nhanh, được tìm thấy trong dầu thô, khói thuốc lá, xăng (khói xe), thuốc trừ sâu, sợi tổng hợp, nhựa, mực, dầu và chất tẩy rửa. Theo nhiều nghiên cứu, benzen có thể gây thiếu máu bất sản, bất thường tủy xương và bệnh bạch cầu – đặc biệt là bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính (AML). Để giảm tiếp xúc với benzen, bạn hãy:
- Bỏ thói quen hút thuốc và cố gắng tránh tiếp xúc với khói thuốc
- Giữ nhà cửa thông thoáng
- Sử dụng các loại bột giặt không có mùi thơm
- Trồng nhiều cây xanh trong nhà
Nhiều người vẫn thích sử dụng các loại bột giặt tỏa hương thơm nhưng sử dụng bột giặt không có mùi thơm mới là giải pháp tối ưu giảm hóa chất độc hại
Hóa chất mà bạn tiếp xúc mỗi ngày có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Mặc dù không thể loại bỏ hoàn toàn sự phơi nhiễm nhưng chỉ với vài bước đơn giản, bạn đã có thể bảo vệ bản thân và gia đình:
- Giảm sử dụng đồ nhựa – chuyển sang đồ đựng, ly và cốc bằng thủy tinh, thép không gỉ và sứ
- Rửa sạch tất cả các sản phẩm và nếu có thể hãy mua các sản phẩm hữu cơ
- Hạn chế dùng các sản phẩm có hương thơm
- Kiểm tra không khí và nước để tránh khí radon
- Tránh hút thuốc
- Trồng nhiều cây trong nhà
Nếu bạn chỉ thỉnh thoảng tiếp xúc với các hóa chất kể trên từ môi trường thì không có gì đáng ngại nhưng nếu tiếp xúc thường xuyên mỗi ngày thì bạn cần cẩn thận. Hãy thực hiện các thay đổi từ từ, từng chút một và bạn sẽ giảm thiểu được nguy cơ tiếp xúc với nhiều độc tố.
Nguồn tham khảo
Environmental toxins: How to protect yourself and your family https://www.precisionnutrition.com/ Ngày truy cập: 16/8/2020