Cuộc tấn công của virus SARS-CoV-2 đổ bộ lên các cơ quan của cơ thể như thế nào?
Sau 3 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, bệnh nhân 453 (56 tuổi, Đà Nẵng) tử vong do mắc các bệnh nền. Điều này không khỏi gây hoang mang cho nhiều người rằng liệu sau khi virus này tấn công cơ thể, chúng sẽ tàn phá các cơ quan như thế nào?
Bạn có biết sau khi xâm nhập cơ thể, virus SARS-CoV-2 sẽ làm gì? Chúng không chỉ tác động lên phổi mà còn tim, não, thận, thần kinh và ngay cả da. Nếu chưa rõ những tác động tiêu cực khi SARS-CoV-2 tấn công cơ thể, đừng bỏ qua bài viết này của LEEP.APP.
Tim
Nhiều nghiên cứu từ Mỹ, Trung Quốc và Ý đều kết luận rằng SARS-CoV-2, virus gây ra COVID-19 cũng tác động đến tim chứ không chỉ riêng hệ hô hấp. Nhận định trên được đúc kết từ nhiều bằng chứng, nhưng chủ yếu dựa vào việc các bệnh nhân COVID-19 với tiền sử bệnh tim hoặc cao huyết áp có tỷ lệ tử vong cao. Ở các bệnh nhân này, dấu ấn sinh học do các tế bào cơ tim đã chết hoặc suy yếu hiện ra rất rõ ràng. Khi virus xâm nhập vào cơ thể sẽ xảy ra hiện tượng viêm cơ tim, kể cả với những người khỏe mạnh. Với những người đã có các vấn đề với hệ tuần hoàn, tình hình sẽ càng nghiêm trọng hơn.
Xêm thêm: Hãy cẩn thận với 17 “con ngựa thành Troy” đưa virus xâm nhập vào nhà bạn
Hiện tại, các nhà nghiên cứu chưa xác định được nguyên nhân gây ra những tổn thương tim là do SARS-CoV-2 hay là phản ứng quá mức của hệ miễn dịch. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các bệnh nhân tim mạch sẽ có nguy cơ gặp nguy hiểm cao hơn bình thường.
Phổi
Vốn được biết đến là một trong những bộ phận chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của những bệnh nhân COVID-19, nhưng những tổn thương phổi không phải chỉ tồn tại trong thời gian nhiễm bệnh. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phát hiện ra rằng, ở những người đã được chữa khỏi COVID-19, trong phổi họ vẫn tồn tại những mảng trắng đục, một dấu hiệu rõ ràng cho thấy phổi họ vẫn gặp vấn đề ngay cả khi đã hết bệnh.
Các tổn thương này khiến oxy khó đến được mạch máu, phổi xơ cứng và gây ra hiện tượng thở nông và nhanh. Hay thở gấp và ho khan kéo dài sau khi khỏi COVID-19 là những bằng chứng cho thấy COVID-19 vẫn tạo nên ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe dù không còn tồn tại trong cơ thể.
Khi phổi bị tổn thương, nguồn oxy cung cấp cho các hoạt động thường nhật sẽ giảm, kéo theo đó là khả năng vận động giảm theo. Khi phổi đã chịu thương tổn và để lại dấu vết sẽ gần như không thể phục hồi. Tuy nhiên, các tổn thương này hoàn toàn có thể chẩn đoán trước và làm suy giảm, thậm chí chặn đứng nếu phát hiện kịp thời.
Não
Trong quá khứ, MERS và SARS là hai loại virus có thể gây ra các tổn thương não và điều này đang có xu hướng tiếp diễn với virus SARS-CoV-2. Tại Nhật Bản, một bệnh nhân mắc COVID-19 đã có các triệu chứng của động kinh và ông được chẩn đoán mắc bệnh viêm màng não mô cầu, gây ra những ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt và nhận thức.
Các nhà nghiên cứu ở Nhật Bản và Trung Quốc lo sợ rằng ở một số bệnh nhân, virus có thể di chuyển đến não và phá hoại trung tâm miễn dịch tại đó. Điều này cũng một phần giải thích vì sao ở những bệnh nhân COVID-19 lớn tuổi đột nhiên ngừng thở dù trước đó không có bất kỳ biểu hiện suy hô hấp nào liên quan đến nhiễm trùng phổi. Tuy nhiên, việc SARS-CoV-2 có phải là nguyên nhân chính hay không vẫn là vấn đề cần phải nghiên cứu thêm.
Thận
Khi một bệnh nhân COVID-19 cần phải thở máy, điều này sẽ gây hại cho thận, dẫn đến suy thận mạn tính. Nếu hệ hô hấp có vấn đề đến mức phải thở máy, sẽ có một lượng lớn chất lỏng ứ đọng trong phổi. Bệnh nhân sẽ được dùng thuốc để loại bỏ chất lỏng ra khỏi cơ thể. Hậu quả là lượng máu được đưa đến thận giảm và không đủ để duy trì chức năng loại bỏ tạp chất, độc tố của thận.
Ở các ca bệnh COVID-19 nghiêm trọng, tốc độ đông máu sẽ tăng lên rất cao. Vì vậy, các cục máu đông có thể hình thành trong mạch máu, qua đó chặn dòng máu lưu thông trong mạch máu. Thực tế, các tế bào cơ của thận bị chết do không được cung cấp máu cũng được tìm thấy ở các ca bệnh COVID-19.
Khoảng 30% bệnh nhân có vấn đề về thận khi mắc COVID-19 sẽ phải chạy thận. Dù vậy, thận có thể phục hồi hay SARS-CoV-2 sẽ gây ra các vấn đề tổn thương về lâu dài cho thận vẫn còn chưa xác định.
Da
Là phần cơ quan bao phủ toàn bộ cơ thể, da cũng chịu ảnh hưởng không ít từ SARS-CoV-2, đặc biệt là thanh thiếu niên. Ở nhóm tuổi này, các đốm màu tím như thủy đậu ở bàn chân hoặc sưng tấy, đỏ da như khi bỏng lạnh xuất hiện ở ngón chân, vốn bắt nguồn từ các khối máu đông tồn tại trong các mạch máu nhỏ li ti.
Da tái nhợt, thiếu sức sống cũng là một trong những tác động của SARS-CoV-2 lên da. Dấu hiệu này cũng xuất phát từ việc dòng máu khó lưu thông trong cơ thể do các cục máu đông.
Để ngăn ngừa và giảm thiểu tác động của COVID-19, bên cạnh các biện pháp như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, việc tập luyện thể thao và có chế độ dinh dưỡng phù hợp là rất cần thiết. Hãy truy cập www.leep.app hoặc tải ngay LEEP.APP để trang bị những thông tin cần thiết về dinh dưỡng, tập luyện và tìm cho mình những phương pháp bảo vệ sức khỏe.
Nguồn tham khảo
How the novel coronavirus attacks our entire body https://www.dw.com/en/how-the-novel-coronavirus-attacks-our-entire-body/a-53389908 Ngày truy cập: 29/08/2020