8 điều cần biết về mức năng lượng của cơ thể bạn
Nhiều người trong chúng ta đã và đang vật lộn với những vấn đề về mức năng lượng của cơ thể. Và không ít người phải “lê lết” từng giờ cho đến hết ngày bằng cách sử dụng caffeine hay các sản phẩm bổ sung năng lượng. Tuy nhiên, chúng ta có thể khôi phục nguồn năng lượng chỉ với vài thay đổi đơn giản trong lối sống.
LEEP.APP tổng hợp các lý do nổi bật khiến bạn mất năng lượng và cách “sạc pin” để có được ngày dài làm việc hiệu quả. Qua đó, bạn cũng sẽ tìm ra những nguyên nhân gây cạn kiệt năng lượng mà trước giờ bạn không ngờ tới, cũng như cách ngăn chặn chúng đánh cắp nguồn nhựa sống tràn trề.
1. Dị ứng có thể vắt kiệt sức của bạn
Những người bị viêm mũi dị ứng thường cảm thấy uể oải vì họ phải dành quá nhiều thời gian để thở (một cách chật vật) và không còn năng lượng cho bất cứ điều gì khác. Bên cạnh đó, sự tắc nghẽn cũng gây ra tình trạng không ngủ được vào ban đêm làm ảnh hưởng đến năng suất hoạt động. Theo báo cáo từ các nhà nghiên cứu tại Pháp, 40% số người mắc chứng dị ứng theo mùa cho biết họ không thể có giấc ngủ ngon khi các triệu chứng bùng phát.
Nghiên cứu còn cho thấy một số loại thuốc xịt mũi steroid không kê đơn có tác dụng làm giảm nghẹt mũi và cải thiện chất lượng cuộc sống – bao gồm cả những vấn đề uể oải cũng như rối loạn giấc ngủ của những người bị dị ứng theo mùa. Ngoài ra, nên kết hợp xịt mũi với một liều thuốc kháng histamine không gây nghiện OTC vì thuốc sẽ ngăn chặn hoạt động của histamine – hợp chất gây ra triệu chứng khó chịu ở mũi. Để có được kết quả tốt nhất, bạn nên bắt đầu điều trị vài tuần trước khi vào mùa bệnh. Đồng thời, nên tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.
2. Bạn có thể vẫn mệt mỏi sau giấc ngủ dài
Theo ước tính, có đến 26% người Mỹ trưởng thành gặp tình trạng ngưng thở khi ngủ – loại rối loạn liên quan đến thở nông hoặc ngừng thở khi ngủ. Nếu bạn cũng gặp tình trạng tương tự, thì kể cả khi mắt nhắm liên tục 7 tiếng trong đêm, bạn vẫn thường xuyên cảm thấy như có lớp sương mù trong não, hay còn gọi là chứng đờ đẫn.
Hội chứng này nói đến cảm giác mơ hồ về những gì bạn đã thực hiện. Bạn biết chúng, nhưng không thể nhớ chính xác đó là gì. Thông thường, các trường hợp nhẹ có thể được điều trị bằng cách thay đổi lối sống, chẳng hạn như giảm cân và tránh sử dụng thức uống có cồn trước khi ngủ. Hoặc nặng hơn, bạn có thể được bác sĩ yêu cầu ngủ với máy áp lực dương liên tục (CPAP), nhằm cung cấp luồng không khí ổn định, giữ cho đường thở thông thoáng.
3. Bạn có nhận đủ lượng vitamin D?
Nghiên cứu cho thấy vitamin D đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ cho cơ thể có đủ năng lượng vì nó có tác dụng điều hòa và bài tiết insulin, cả hai quá trình này ảnh hưởng đến mức năng lượng của cơ thể. Ngoài vitamin D, các chất dinh dưỡng khác cũng có mối liên hệ chặt chẽ với mức độ tâm trạng và chưa kể đến vô vàn lợi ích sức khỏe.
Nếu bạn cảm thấy quá nặng nề, đặc biệt vào mùa lạnh, đó là lúc nên hỏi ý kiến bác sĩ để kiểm tra mức độ vitamin D trong cơ thể. Mục đích của quy trình này là điều chỉnh lượng vitamin D kịp thời, bởi rất khó để đạt được mức độ vừa phải chỉ từ thực phẩm (chẳng hạn như chất béo từ cá, trứng và sữa tiệt trùng).
4. Sử dụng mạng xã hội sao cho không bị cạn kiệt năng lượng
Mạng xã hội trở thành nguồn cơn của sự tắc nghẽn năng lượng bởi hai lý do. Một mặt, bạn sẽ nhìn vào bức tranh cuộc sống của người khác và bắt đầu cảm thấy áp lực khi cuộc sống của bạn không hoàn hảo. Mặt khác, bạn cũng tự ý thức rằng những điều tiêu cực chỉ bắt nguồn từ sự phóng đại. Khi đó, não bộ phải liên tục đấu tranh với hai luồng suy nghĩ, gây ra trạng thái mệt mỏi.
Tình trạng này không chỉ xảy ra với những điều tiêu cực mà còn cả với những điều tích cực. Mối liên hệ giữa lượng thời gian dành cho phương tiện truyền thông xã hội và khả năng mắc chứng trầm cảm đã được chứng minh qua nghiên cứu của tiến sĩ Brian Primack – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Truyền thông, Công nghệ và Sức khỏe tại Đại học Pittsburgh, Mỹ.
Nếu chưa sẵn sàng để cắt sợi dây liên hệ với mạng xã hội, bạn có thể thử chuyển từ việc làm quen “bạn ảo” sang việc kết thêm nhiều bạn ngoài đời thực hơn. Bởi vì, nếu không biết rõ một người nào đó, bạn có thể dễ dàng hiểu lầm và bị ảnh hưởng từ những gì họ đăng tải trên mạng xã hội. Tuy nhiên, nếu sử dụng mạng xã hội để kết nối với những người bạn cũ thì sẽ mang lại kết quả tích cực hơn do tâm trạng tốt hơn.
5. Ăn uống đúng cách sẽ cung cấp nhiên liệu tốt cho cơ thể
Để cải thiện nguồn năng lượng mỗi ngày, hãy thử cách điều chỉnh này: Sử dụng protein thực vật thay thế cho protein động vật bất cứ khi nào có thể. Thực vật giúp nuôi dưỡng các lợi khuẩn trong ruột, tăng cường khả năng miễn dịch, giữ cho bạn luôn khỏe mạnh. Ngoài ra, thực phẩm thực vật còn có tác dụng cải thiện tâm trạng tổng thể. Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy, những người thực hiện chế độ ăn uống xây dựng dựa trên thực phẩm thực vật trong vòng 18 tuần có năng suất hoạt động tăng lên đáng kể.
Bạn có thể tham khảo qua thực đơn mẫu cho một ngày lý tưởng được các chuyên gia khuyến cáo như sau:
Bữa sáng: 1 ly sinh tố quả mọng. Trộn ½ cup quả mọng với 1 thìa súp quả bơ tươi và ¾ cup sữa đậu nành. Hỗn hợp này không chỉ chứa nhiều chất xơ mà còn có cả protein giúp ổn định lượng đường trong máu cho đến giờ ăn trưa.
Bữa trưa: Súp đậu lăng và salad cải xoăn. Đây chính là sự kết hợp dinh dưỡng mạnh mẽ, cung cấp protein, chất xơ, sắt, kali, kẽm, folate và rất nhiều chất dinh dưỡng khác.
Ăn nhẹ bữa xế: Trái cây và các loại hạt tách vỏ. Những loại thực phẩm này tuy nhỏ mà có võ, bởi chúng mang lại sự cân bằng giữa carbohydrate, protein và chất béo, giúp bạn có thêm chút năng lượng để hoàn tất thời gian còn lại của ngày.
Bữa tối: Món taco chay. Gói đậu với rau diếp, phô mai, cà chua cắt nhỏ, bơ, sốt salsa trong một chiếc bánh ngô cho bữa tối nhẹ nhàng, không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn.
Món taco chay là một gợi ý cho bữa tối nhẹ nhàng, thay đổi khẩu vị sau những bữa cơm quen thuộc
6. Hoạt động nhỏ giữa giờ
Nghỉ ngơi một chút: Đứng dậy duỗi tay chân hoặc xem một đoạn video hài ngắn. Theo nghiên cứu từ Đại học Urbana-Champaign, những người nghỉ một khoảng ngắn sau mỗi 50 phút làm việc sẽ đạt hiệu quả tốt hơn so với những người hoạt động liên tục.
Đi bộ nhanh: Một nghiên cứu mang tính bước ngoặt được công bố trên tạp chí Tâm lý học và Tâm lý Xã hội đã chỉ ra rằng, việc đi bộ nhanh trong 10 phút có tác dụng giúp cơ thể hồi sinh, tăng cường năng lượng trong ít nhất 2 giờ sau đó.
Nhai một thanh kẹo cao su: Một nghiên cứu của Hoa Kỳ năm 2015 cho biết, thủ thuật này có tác dụng nâng cao sự tỉnh táo, cải thiện sự tập trung bởi vì hành động nhai giúp gia tăng lưu lượng máu.
Nhai kẹo cao su là một cách giúp bạn tỉnh táo
7. Mệt mỏi là một triệu chứng của suy giảm mức năng lượng
Đôi khi cảm thấy mệt mỏi không còn là vấn đề giải quyết bằng một giấc ngủ ngắn. Dưới đây là vài giải thích mang tính y học cho tình trạng thiếu hụt năng lượng trong cơ thể này:
Thiếu máu: Tình trạng này rất phổ biến, đặc biệt ở phụ nữ. Đây là dấu hiệu cho thấy bạn không có đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh để mang oxy đến các mô. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy tình trạng thiếu máu, bạn nên bổ sung thêm sắt vào chế độ ăn uống của mình.
Bệnh celiac (hay còn gọi là bệnh không dung nạp gluten): Mệt mỏi là một trong những triệu chứng của tình trạng nghiêm trọng này, trong đó bao gồm phản ứng tự miễn dịch với gluten làm tổn thương ruột. Bạn cần thường xuyên kiểm tra để có thể điều trị kịp thời nếu mắc bệnh celiac.
Suy giáp: Nếu không sản xuất đủ hormone tuyến giáp thì cơ thể sẽ luôn cảm thấy như cạn kiệt nguyên liệu mọi lúc. Tuy nhiên, rối loạn này có thể được điều trị bằng hormone tổng hợp.
Bệnh tim: Nghiên cứu công bố trên Circulation cho thấy, 70% phụ nữ đã từng trải qua cơn đau tim báo cáo rằng họ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi bất thường trong một tháng trước đó, cụ thể là ở ngực. Thông thường, sau khi thực hiện các xét nghiệm tổng quát, dựa trên tài liệu y học, bác sĩ sẽ đưa ra kế hoạch điều trị cụ thể.
8. Tập thể dục là ưu tiên tối thượng
Một buổi tập đầy mồ hôi rất tốt để tăng cường sức khỏe, dù bạn sẽ cảm thấy như cơ thể mình bị vắt hết nước. Tập thể dục giúp giải phóng các hormone như adrenaline – loại hormone khiến cơ thể bỏ qua cảm giác đau đớn và mệt mỏi khi phải tăng cường lưu lượng máu đến các cơ bắp lớn hơn. Kết quả là bạn có nhiều năng lượng hơn so với trước đó, đồng thời hiệu ứng này có thể kéo dài vài giờ.
Những người khỏe mạnh nhưng ít vận động đã tham gia thực hiện nghiên cứu, trong đó, họ bắt đầu tập thể dục 3 ngày 1 tuần, chỉ trong 20 phút mỗi ngày với cường độ vừa phải hoặc thấp. Sau 6 tuần, mức năng lượng của họ cải thiện đáng kể, cụ thể là cao hơn 20% so với nhóm người không tập thể dục. Do đó, hãy nhớ rằng kết quả của việc đi đến phòng tập là cơ thể tràn đầy năng lượng, chứ không phải bị vắt kiệt.
Nếu bạn cần bất cứ thông tin hoặc chương trình tập luyện hiệu quả để duy trì nguồn năng lượng dồi dào cho cơ thể, đừng ngần ngại liên hệ với LEEP.APP nhé! Tải ngay LEEP.APP để cùng trải nghiệm những điều lý thú giúp bạn sống vui sống khỏe mỗi ngày.
Nguồn tham khảo
8 Things You Need to Know About Your Body’s Energy Levels https://www.health.com/mind-body/your-energy-levels? Ngày truy cập: 1/7/2020