Tư thế cây mía – Biến thể “khó nhằn” của tư thế nửa vầng trăng
Nếu như tư thế nửa vầng trăng đã là một tư thế phức tạp thì độ khó của tư thế cây mía còn nhân lên gấp bội khi bạn phải vừa kéo giãn cơ tứ đầu, vừa uốn cong lưng, đồng thời phải giữ thăng bằng với một chân.
Tư thế cây mía có tên tiếng Anh là Sugarcane Pose và tên tiếng Phạn là Ardha Chandra Chapasana. Đây là một biến thể nâng cao của tư thế nửa vầng trăng (Ardha Chandrasana) với độ khó được nâng lên rất nhiều lần. Nếu bạn tò mò không biết tư thế cây mía khác gì so với tư thế nửa vầng trăng hoặc tư thế này khó hơn như thế nào, dành ngay vài phút xem qua những chia sẻ dưới đây của LEEP.APP để có lời giải đáp.
Lợi ích của tư thế cây mía trong yoga
Tư thế cây mía có tác dụng:
- Tăng sức mạnh vùng trung tâm cơ thể
- Kéo căng cơ tứ đầu và gân kheo
- Cải thiện sức mạnh của chân
- Mở rộng hông và ngực.
Ngoài ra, tập tư thế cây mía còn giúp bạn thoát khỏi khỏi vùng an toàn và buộc bạn phải điều chỉnh lại sự cân bằng chính mình. Đặc biệt, tư thế này còn giúp nâng cao sức khỏe đôi chân và tăng khả năng giữ thăng bằng, từ đó cải thiện khả năng vận động trong các hoạt động hàng ngày.
Hướng dẫn chi tiết cách thực hiện cây mía trong yoga
Tư thế nửa vầng trăng
Bạn có thể thực hành tư thế này ở bất cứ đâu miễn là bạn có đủ không gian để duỗi thẳng tay.
- Bắt đầu ở tư thế nửa vầng trăng, giữ thăng bằng trên chân phải, chân trái song song với sàn và cánh tay trái nâng giơ thăng lên cao, tay phải chạm sàn.
- Gập đầu gối trái và thả cánh tay trái xuống để nắm lấy phần trên của bàn chân trái ở phía sau lưng
- Giữ đùi trái gần như song song với sàn cho đến khi thấy cơ thể ổn định. Nếu đùi nâng cao, bạn cũng đừng quá lo, quan trọng vẫn là bạn phải tập trung vào việc tạo sự ổn định cho cơ thể với chân giữ thẳng trước khi đi sâu hơn
- Dùng tay trái kéo chân trái về phía trước. Cố gắng mở lồng ngực về phía trước để tạo hình cánh cung.
- Giữ tư thế từ 1 – 5 nhịp thở trước khi thả chân trái trở lại tư thế nửa vầng trăng.
- Đưa chân trái trở lại sàn và thử với chân phải.
Lưu ý khi thực hiện động tác
Khi thực hiện động tác cây mía, bạn cần lưu ý một số điều sau để việc tập luyện đạt kết quả cao và giảm thiểu nguy cơ chấn thương:
- Phần quan trọng nhất của tư thế này là mở lồng ngực hướng về phía trần nhà giống như trong tư thế nửa vầng trăng. Nếu bạn có thể nắm lấy chân trái nhưng điều này khiến phần ngực hướng về phía sàn thì việc tập luyện tư thế cây mía sẽ không đạt hiệu quả cao.
- Không cố định đầu gối của chân đang giữ thăng bằng. Bạn hãy thả lỏng một chút nhưng đừng khuỵu gối.
Biến thể của tư thế cây mía trong yoga
Tư thế cây mía có thể được thực hiện theo nhiều cách để tăng hoặc giảm độ khó
- Đặt một khối gạch tập phía dưới tay phải (tay chạm sàn) có thể giúp bạn có đủ lực để mở rộng lồng ngực.
- Nếu gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng khi vào tư thế, hãy hơi khuỵu chân đang đứng khi vươn người ra sau để nắm lấy bàn chân. Sau đó, đứng thẳng lại khi bạn đã nắm được bàn chân.
- Nếu bạn thấy mất thăng bằng, hãy nhìn xuống. Bạn có thể tập gần tường trong trường hợp cần hỗ trợ.
- Còn nếu muốn nâng độ khó, bạn có thể nhấc tay phải lên khỏi thảm và đặt vào giữa ngực. Lúc này, bạn sẽ chỉ giữ thăng bằng trên một chân.
- Bạn cũng có thể từ từ chuyể sang tư thế vũ công từ tư thế cây mía
Tránh thực hiện tư thế nếu bạn bị chấn thương ở mắt cá chân, đầu gối, hông hoặc lưng dưới. Do là một tư thế cần giữ thăng bằng nên tư thế cây mía cũng không phù hợp với phụ nữ mang thai.
Nguồn tham khảo
How to Do Sugarcane Pose (Ardha Chandra Chapasana) in Yoga https://www.verywellfit.com/sugarcane-pose-ardha-chandra-chapasana-3567053 Ngày truy cập: 12/3/2021