Hoa hòe và những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe

Hoa hòe và những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe

Hoa hòe được mệnh danh là “khắc tinh” của cao huyết áp. Không chỉ dừng lại ở đó, loại thảo dược này còn có tác dụng hỗ trợ tim mạch, chống viêm và hỗ trợ giảm cân.

Hoa hòe là loại dược liệu thần kỳ mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người bởi loại thảo dược này vừa dễ trồng, dễ thu hoạch lại có nhiều công dụng. Bạn đã nghe nói nhiều về hoa hòe nhưng chưa thật sự hiểu về loại thảo dược này? Dành ngay vài phút xem ngay những chia sẻ dưới đây của LEEP.APP để hiểu hơn nhé.

Tổng quan về hoa hòe

Hoa hòe hay còn gọi là hòe mễ, hòa hoa mễ, hòe hoa, có tên khoa học là Sophora japonica. Ở nhiều địa phương của Việt Nam, loại cây còn được gọi là cây lộc, một trong năm loại cây biểu tượng cho sự giàu sang, phú quý.

Cây hòe có hoa có màu trắng đẹp mắt, tán rộng, bóng mát nên thường được dùng để làm cảnh. Bên cạnh vẻ đẹp nồng nàn, hòe hoa còn rất có lợi cho hệ tuần hoàn và tăng cường sức khỏe tĩnh mạch. Đặc biệt, đây còn là một trong năm mươi loại thảo mộc cơ bản trong y học cổ truyền Trung Quốc.

Hoa hòe có vị đắng nhẹ với mùi thơm đặc trưng. Bộ phận thường được dùng làm dược liệu là nụ hoa chưa nở. Do đó loại thảo dược này thường được thu hoạch khi hoa còn nhiều nụ to, chưa nở hoa, như vậy trọng lượng và chất lượng dược liệu cũng sẽ cao hơn.

Lợi ích sức khỏe của hoa hòe

Hoa hòe chứa một loạt các hợp chất thực vật có hoạt tính cao, nổi tiếng nhất là hai chất flavonoid troxerutin và oxymatrine có tác dụng chống oxy hóa cực mạnh và bảo vệ hoàn hảo cho hệ tuần hoàn.

Hỗ trợ điều trị bệnh trĩ

Trĩ là tình trạng các mạch máu xung quanh hậu môn bị sưng và viêm. Đôi lúc, lớp màng mạch máu còn bị căng quá mức khiến tĩnh mạch bị lồi ra khỏi hậu môn, gây khó chịu khi đi ngoài và trong sinh hoạt. Kem bôi, thuốc mỡ là những phương pháp điều trị phổ biến nhưng đa phần, chúng chỉ làm giảm triệu chứng mà không thể điều trị tận gốc.

Hòe hoa có thể giúp hỗ trợ điều trị bệnh trĩ hiệu quả. Loại thảo dược này được đánh giá là có khả năng tăng cường sức khỏe tĩnh mạch bởi nó chứa những hợp chất có lợi cho thành mạch như troxerutin, có đặc tính bảo vệ mạch máu và oxymatrine, giúp giảm sưng do mạch máu suy yếu.

Tác dụng của hoa hòe đối với sức khỏe tim mạch

Hòe mễ có tác dụng giảm tính thẩm thấu trong mao mạch, tăng độ bền của thành mao mạch, từ đó thúc đẩy các mạch máu khỏe mạnh và tăng cường sức khỏe của tim. Bên cạnh đó, loại thảo dược này còn giúp duy trì sự ổn định của nhịp tim và tạo môi trường khó hình thành cục máu đông.

hoa hòeHòe hoa có tác dụng an thần, giúp thư giãn và ngủ ngon

Điều hòa huyết áp

Trong nụ hòe hoa còn có chứa đến 6 – 30% rutin, hợp chất Glycosid thuộc nhóm Flavonoid Aglycon, một loại vitamin P có tác dụng tăng sức chịu đựng của mao mạch, giúp thành mạch trở nên bền bỉ hơn. Khi cơ thể thiếu hụt vitamin này, sức chịu đựng của mao mạch sẽ giảm, dễ bị nứt vỡ. Do đó, trà hoa hòe thường được khuyến cáo để giảm huyết áp và phòng ngừa các biến chứng như tai biến mạch máu não, xơ vữa động mạch…

Hỗ trợ điều trị mất ngủ

Hoa hòe có tính mát, thanh nhiệt, do đó, nó có tác dụng an thần, giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ. Thực tế, rất nhiều người đã dùng trà hoa hòe để dễ ngủ và phần lớn trong số đó đều công nhận loại thảo dược này có tác dụng ngủ ngon và an giấc hơn.

Hoa hòe nổi tiếng với tác dụng giảm cân

Ít người biết rằng, nếu kết hợp với chế độ ăn khoa học cùng chế độ tập luyện hợp lý, trà hoa hòe còn mang đến khả năng giảm cân thần kỳ. Bởi loại thảo dược này có thể giúp loại bỏ mỡ trong máu, giảm bớt độc tố, kiểm soát quá trình trao đổi chất và giảm sự bám dính của các chất béo trong mô gan.

Hỗ trợ điều trị xuất huyết

Chất rutin có trong hòe hoa với khả năng tăng cường độ bền của mao mạch sẽ giúp cầm máu hiệu quả trong các trường hợp chảy máu cam, trĩ ra máu, đi ngoài ra máu, rong kinh, băng huyết… Ngoài ra, loại thảo dược này còn có tác dụng rút ngắn thời gian chảy máu.

Lưu ý khi sử dụng

hoa hòe

Do có tán rộng, bóng mát nên cây hòe thường được dùng để làm cảnh

Cũng giống như các loại thảo dược khác, dù mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng khi dùng, bạn cần lưu ý một số điều sau:

  • Do hoa hòe có tính hàn nên nếu bạn bị đau bụng, tiêu chảy, chán ăn, thiếu máu thì nên tránh dùng. Phụ nữ mang thai, đang cho con bú, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ cũng nên tránh.
  • Hòe hoa có thể giúp hạ huyết áp nhanh nên những người cơ địa có huyết áp thấp dùng sẽ dễ bị chóng mặt
  • Không lạm dụng bởi nếu dùng quá nhiều có thể đưa đến các bệnh về tiêu hóa như tiêu chảy
  • Hoa hòe có thể tương tác với thuốc Tây và các loại thảo dược khác. Do đó, nếu bạn đang dùng thuốc, hãy hỏi kỹ ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Trong thời gian dùng, nếu nhận thấy có những triệu chứng bất thường, bạn nên ngưng sử dụng ngay và tìm kiếm phương pháp điều trị khác.

Hướng dẫn lựa chọn, bảo quản và sử dụng hoa hòe

Hiện bạn có thể dễ dàng mua hòe hoa tại chợ và siêu thị, tuy nhiên, chất lượng và giá thành cũng rất đa dạng. Do đó, bạn nên chọn mua ở những nơi uy tín để mua được nụ hoa chất lượng nhất.

Hoa hòe có thể được dùng để pha trà. Cách pha trà cũng khá đơn giản, bạn có thể thực hiện theo vài bước đơn giản sau:

  • Cho 10g vào khoảng 300ml nước sôi ở 90  – 95 độ C đựng trong ấm sứ, gốm chuyên dụng hoặc bình uống nước bằng thủy tinh.
  • Sau 5 – 7 phút, nụ hoa ngấm dần nước sẽ bị chìm, lắng xuống dưới, bạn có thể rót ra ly và thưởng thức. Còn nếu nụ hoa không lắng xuống thì có nghĩa là nước chưa đủ sôi.
  • Khi pha lần thứ nhất, trà tan ra khoảng 55%, lần thứ hai khoảng 30%, lần thứ ba còn khoảng 10%. Vì thế, mỗi lần dùng, bạn phải pha 3 – 4 lần mới tận dụng được hết hương vị.

Về cách bảo quản, do hòe mễ rất dễ bị mốc nên cần bảo quản nơi khô thoáng, tránh nơi ẩm ướt chẳng hạn như gần bồn rửa chén.

Nhìn chung, nếu bạn đang tìm kiếm một loại thuốc bổ cho tim, hòe hoa có thể là sự lựa chọn tốt mà bạn có thể cân nhắc. Tuy nhiên, bạn vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bởi dù phần lớn các nghiên cứu đều cho thấy loại thảo dược này không có nhiều tác dụng phụ nhưng điều này vẫn còn tùy thuộc vào sức khỏe của từng người.

Nguồn tham khảo

What Is Sophora Japonica? https://globalhealing.com/natural-health/what-is-sophora-japonica/ Ngày truy cập: 29/12/2020