Chế độ ăn ít iốt là gì và lưu ý rất quan trọng khi áp dụng

Chế độ ăn ít iốt là gì và lưu ý rất quan trọng khi áp dụng

Chế độ ăn ít iốt là gì và những lưu ý quan trọng nào bạn cần biết khi áp dụng? Tất cả những thắc mắc của bạn sẽ được giải đáp một cách chuẩn xác và ngắn gọn trong bài viết này đấy!

Mặc dù iốt là một trong những khoáng chất thiết yếu, nhiều trường hợp bạn cần phải cắt giảm lượng iốt tiêu thụ để đảm bảo sức khỏe. Với chế độ ăn ít iốt, thường được áp dụng để hỗ trợ điều trị, chúng cũng đem lại một số lợi ích sức khỏe nhất định. Đây là những điều bạn cần biết về chế độ ăn ít iốt cùng thực đơn gợi ý cho 1 tuần.

Chế độ ăn ít iốt là gì?

Iốt là một khoáng chất thiết yếu có nhiều vai trò quan trọng đối với sức khỏe như sản xuất hormone tuyến giáp, điều chỉnh sự trao đổi chất, hỗ trợ phát triển và sửa chữa mô.

Tuy vậy, trong nhiều trường hợp, bạn cần ăn kiêng iốt ngắn hạn để phục vụ cho các phương pháp điều trị, chẳng hạn như ung thư tuyến giáp cần điều trị bằng iốt phóng xạ.

Với chế độ ăn ít iốt, bạn chỉ có thể tiêu thụ tối đa 50mcg iốt mỗi ngày, tương đương với 1/3 lượng khuyến nghị thông thường (150mcg). Bạn có thể được yêu cầu áp dụng chế độ này 1 – 2 tuần trước khi tiếp nhận điều trị.

Chế độ ăn giảm hàm lượng iốt sẽ làm cạn kiệt nguồn iốt dự trữ trong cơ thể, giúp cải thiện hiệu quả quá trình điều trị bằng iốt phóng xạ.

Tác dụng của chế độ ăn ít iốt

Tuy mục tiêu chính của chế độ ăn ít iốt là tăng cường hiệu quả của liệu pháp phóng xạ nhưng chúng cũng đem lại một số lợi ích sức khỏe khác.

1. Hỗ trợ làm giảm huyết áp

Chế độ ăn ít iốt có thể giúp giảm huyết áp vì bạn cần phải hạn chế nhiều nhóm thực phẩm không lành mạnh, như thức ăn chế biến sẵn hay thức ăn nhanh. Chúng nằm trong danh sách cấm vì chứa nhiều muối iốt.

Tiêu thụ nhiều thực phẩm mặn có thể làm tăng nguy cơ cao huyết áp. Vì vậy dù có tuân thủ chế độ ăn ít iốt hay không, bạn vẫn nên hạn chế ăn các loại thực phẩm này.

chế độ ăn ít iốt giảm huyết áp

Chế độ ăn giảm iốt sẽ tốt hơn cho huyết áp và tim mạch

2. Cải thiện chất lượng ăn uống

Tương tự, chế độ ăn giảm iốt sẽ loại bỏ hoàn toàn các loại thực phẩm không lành mạnh để giảm lượng muối có trong đó. Vì vậy, chất lượng ăn uống tổng thể của bạn có thể tốt hơn, giảm được cả các loại chất béo không lành mạnh và calorie dư thừa.

3. Tác dụng phụ của chế độ ăn ít iốt

Mặc dù chế độ ăn ít iốt có đem lại một số lợi ích sức khỏe nhưng nó không phù hợp với mọi đối tượng hay áp dụng lâu dài. Khi tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn kiêng iốt, bạn sẽ có nguy cơ thiếu hụt một số dưỡng chất khác do hạn chế về thực phẩm sử dụng.

Nếu bạn vẫn muốn giảm hàm lượng iốt, không nên áp dụng chế độ này mà hãy thực hiện cách quãng hoặc bổ sung thêm các thực phẩm ít iốt nhưng giàu dưỡng chất để bổ sung đầy đủ cho cơ thể.

Lựa chọn thực phẩm trong chế độ ăn ít iốt

1. Thực phẩm nên chọn

Tuy có hạn chế về thực phẩm, nhưng chế độ ăn ít iốt sẽ ưu tiên các loại thực phẩm lành mạnh, có thể kể đến như:

  • Trái cây: tất cả các loại trừ đại hoàng và anh đào maraschino.
  • Rau: tất cả các loại (rau sống hoặc đông lạnh) không muối, trừ đậu đông lạnh.
  • Thịt: tất cả các loại thịt tươi, tối đa 170g mỗi ngày.
  • Trứng: Chỉ dùng lòng trắng.
  • Ngũ cốc: bột yến mạch (không chọn loại ăn liền hay chế biến sẵn), gạo, hạt diêm mạch, bột ngô, kiều mạch, nui mì không muối.
  • Bánh quy: các loại bánh quy, bánh gạo không muối.
  • Hạt: tất cả các loại hạt không ướp muối.
  • Bánh mì: bánh mì không muối, chế biến không dùng dầu hay bơ.
  • Món phủ: bơ hạt không muối, mứt, mật ong.
  • Dầu: tất cả các loại dầu thực vật, kể cả dầu đậu nành.
  • Đồ uống: nước, cà phê, trà và nước ép trái cây.
  • Thảo mộc và gia vị: tất cả các loại thảo mộc và gia vị tươi hoặc khô, muối thường.

Bạn có thể chọn đa dạng các loại rau củ và trái cây để cắt giảm iốt

Bạn có thể chọn đa dạng các loại rau củ và trái cây để cắt giảm iốt

2. Thực phẩm cần tránh

Chế độ ăn ít iốt sẽ yêu cầu bạn kiêng nhiều loại thực phẩm khác nhau, kể cả lành mạnh và không lành mạnh, bao gồm:

  • Hải sản: tất cả cá, động vật có vỏ, cá hộp, rong biển, sushi hay bất cứ thực phẩm nào có hải sản.
  • Thịt chế biến sẵn: thịt khô, thịt xông khói, thịt hộp, xúc xích và các món từ thịt chế biến sẵn…
  • Nội tạng: tất cả các loại thịt nội tạng, bao gồm gan, tim…
  • Trứng: nguyên quả hoặc lòng đỏ trứng.
  • Một số loại trái cây và rau củ: các loại đậu (kể cả đóng hộp, tươi, khô hay đông lạnh), khoai tây nghiền ăn liền, đại hoàng và anh đào maraschino.
  • Thực phẩm từ đậu nành: đậu phụ, đậu edamame, nước tương…
  • Các sản phẩm từ sữa: tất cả sản phẩm từ sữa, chẳng hạn như sữa chua, pho mát, sữa (nhiều hơn 30ml/ngày), bơ, kem…
  • Bánh mì: Các loại bánh chế biến sẵn hoặc bánh nướng tự làm từ sữa và bơ.
  • Món ngọt: tất cả đồ ngọt làm từ sữa như chocolate, mật mía, pudding, bánh chế biến sẵn.
  • Gia vị: bao gồm tất cả các loại bơ có muối, nước mắm, nước tương, dầu hào, hỗn hợp gia vị/sốt ướp có muối, muối iốt…
  • Thực phẩm ăn nhẹ: bao gồm tất cả thực phẩm đã qua chế biến chứa muối như khoai tây chiên và bánh quy.
  • Một số chất bổ sung: bao gồm các viên bổ sung vitamin và khoáng chất có chứa iốt, siro ho…
  • Đồ uống: các loại sữa, sữa đậu nành và đồ uống có chứa Red dye 3 (màu nhuộm thực phẩm).
  • Chất phụ gia: tất cả thực phẩm có chứa Red dye 3, carrageenan, bột agar, algin và alginate.

Anh đào maraschino

Anh đào maraschino có nhuộm Red dye 3 không tốt cho sức khỏe

Thực đơn 1 tuần cho chế độ ăn ít iốt

Thứ hai

  • Bữa sáng: Yến mạch cán + 30g quả mọng
  • Bữa trưa: Sandwich gà quay (2 lát bánh mì ít muối + 85g thịt gà + rau củ tùy chọn)
  • Bữa tối: Mì ống gà quay (115g mì nguyên hạt nấu chín + 85g thịt gà + rau tùy chọn + dầu ô-liu)

Thứ ba

  • Bữa sáng: Trứng chiên và rau (3 lòng trắng trứng + rau tùy chọn + tiêu và muối không iốt)
  • Bữa trưa: Salad gà (85g thịt gà + cải bó xôi, bơ, cà chua, hành tím + dầu ô-liu)
  • Bữa tối: Bánh thịt cuộn (85g thịt xay + gia vị tùy chọn + bánh tráng/bánh mì kẹp)

Thứ tư

  • Bữa sáng: Bánh mì nướng (2 lát bánh mì ít muối + quả bơ nghiền + dưa leo và cà chua)
  • Bữa trưa: Salad quinoa (hạt quinoa nấu chín + rau cải, dưa leo, bơ, cà chua, hành tây + dầu ô-liu, nước cốt chanh)
  • Bữa tối: Thịt và rau nướng (85g thịt nướng + rau tùy chọn như khoai tây, cà rốt, bông cải xanh)

Thứ năm

  • Bữa sáng: Yến mạch cán + 30g quả mọng (hoặc trái cây khác)
  • Bữa trưa: Bánh thịt cuộn (85g thịt nướng + 2 bánh ngô ít muối + rau tươi như rau diếp, bơ, cà chua)
  • Bữa tối: Gà quay và rau (85g thịt gà + khoai tây, bông cải và cà rốt luộc/nướng)

Gà nướng kết hợp với rau luộc ít muối sẽ phù hợp với chế độ ăn ít iốt

Gà nướng kết hợp với rau luộc ít muối sẽ phù hợp với chế độ ăn ít iốt

Thứ sáu

  • Bữa sáng: Trứng chiên rau (3 lòng trắng trứng + rau tùy chọn + tiêu, muối không iốt)
  • Bữa trưa: Thịt với rau luộc (85g thịt + khoai tây, bông cải và cà rốt luộc)
  • Bữa tối: Bánh mì kẹp thịt gà (85g thịt gà + 2 lát bánh mì + rau tùy chọn)

Thứ bảy

  • Bữa sáng: Bánh mì nướng và trứng bác (4 lòng trắng trứng + 2 lát bánh mì ít muối + tiêu, muối không iốt)
  • Bữa trưa: Khoai lang nhồi (1 củ khoai nướng + 85g thịt + rau chân vịt + quả mọng tươi)
  • Bữa tối: Thịt bò và rau nướng (85g thịt bò + rau tùy chọn)

Chủ nhật

  • Bữa sáng: Sinh tố trái cây (240ml nước cốt dừa + 30g quả mọng + 1 quả chuối)
  • Bữa trưa: Salad thịt bò (85g thịt bò + salad rau tươi + dầu ô-liu)
  • Bữa tối: Thăn heo và rau luộc (85g thịt heo + rau tùy chọn)

Chế độ ăn ít iốt nếu được dùng trong trị bệnh, bạn hãy cố gắng tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về lựa chọn và chế biến thực phẩm để đem lại hiệu quả tốt nhất.

Nguồn tham khảo

All You Need to Know About a Low Iodine Diet. https://www.healthline.com/nutrition/low-iodine-diet-benefits-precautions-and-foods-to-eat. Ngày truy cập: 9/9/2020


Chủ đề: