Trụ bóng rổ cho người lớn và trẻ em khác nhau thế nào?

Trụ bóng rổ cho người lớn và trẻ em khác nhau thế nào?

Mọi người thường quan tâm nhiều đến kích thước sân bóng rổ mà quên đi một yếu tố cũng quan trọng không kém, đó là trụ bóng. Tùy vào độ tuổi của người chơi mà trụ bóng rổ sẽ có chiều cao và thông số khác nhau.

Vậy bạn đã biết gì về trụ bóng rổ chưa? Nếu chưa, mời bạn hãy cùng LEEP.APP tìm hiểu trong bài viết này nhé!

Kích thước trụ bóng rổ

Chiều cao và kích thước trụ bóng rổ sẽ phụ thuộc nhiều vào độ tuổi của người chơi. Theo đó, trẻ em cần những chiếc trụ bóng rổ có chiều cao phù hợp với mình, thay vì chơi với trụ của người lớn. Bởi vì, một chiếc trụ vừa tầm sẽ giúp trẻ ghi điểm dễ dàng hơn và khiến bé thoải mái hơn khi chơi. Điều này cũng giúp trẻ phát triển kỹ năng bật nhảy và ném bóng của mình mà không gây quá nhiều áp lực cho bé.

Kích thước trụ bóng của người lớn

Từ các giải đấu trung học, trụ bóng rổ đã có kích thước và chiều cao tương đương với trụ bóng ở các giải vô địch chuyên nghiệp. Theo đó, trụ sẽ có những thông số:

  • Chiều cao từ mặt đất đến vành rổ là 3,05 m.
  • Kích thước bảng rổ theo tiêu chuẩn thi đấu là 1,8 x 1,22 m. Bên trong bảng có vẽ một hình chữ nhật có kích thước 0,45 x 0,59 m với đường kẻ dày 0,5 cm.
  • Vành rổ có đường kính trong là 45,72 cm và dày khoảng 1,5 – 2 cm.
  • Phần lưới màu trắng được treo vào vành rổ và có chiều dài ít nhất 45 cm.

Kích thước trụ bóng của trẻ em

Trụ bóng rổ cho người lớn và trẻ em khác nhau thế nào?

Tùy vào độ tuổi mà trụ bóng cho trẻ em có kích thước khác so với người lớn

So với trụ bóng rổ dành cho người lớn, trụ bóng của trẻ em thường thấp hơn và rổ bóng cũng có thể nhỏ hơn. Chiều cao của trụ bóng sẽ được điều chỉnh theo độ tuổi của trẻ:

  • 5 – 7 tuổi: 1,8 m
  • 8 – 10 tuổi: 2,5 m
  • 11 tuổi: 2,7 m
  • 12 tuổi trở lên: 3,05 m

Nếu như kích thước bảng trụ và vành rổ của người lớn được quy định khá rõ ràng thì những thông số này lại không được quy định cụ thể đối với trẻ em. Theo đó, vì trẻ sử dụng bóng nhỏ hơn người lớn, vì vậy, kích thước vành rổ cho bé không nhất thiết phải là 45,72 cm như người lớn mà có thể nhỏ hơn. Tuy nhiên, thông thường, ngoài chiều cao, các thông số khác của trụ bóng cho trẻ em sẽ không có nhiều thay đổi so với người lớn.

Vị trí đặt trụ bóng rổ

Trụ bóng rổ được đặt trên trung tuyến của 2 đường cuối sân sao cho hình chiếu mặt sau của bảng rổ phải cách đường biên cuối sân 1,2 m và hình chiếu của rổ phải cách biên 1,575 m. Nếu đang dự định xây dựng một sân bóng rổ cho riêng mình, bạn hãy bố trí trụ bóng rổ ở những nơi bằng phẳng và có không gian mở. Điều này sẽ giúp việc lắp đặt và bảo trì trụ bóng rổ được dễ dàng hơn.   

Các loại trụ bóng rổ khác nhau

Thông thường, các trụ bóng rổ trong thi đấu là loại trụ cố định. Tuy nhiên, nếu bạn đang tìm kiếm một chiếc trụ để luyện tập thì bạn nên biết, chúng có nhiều loại hơn thế. Theo đó, có 3 loại trụ bóng rổ khác nhau để bạn lựa chọn, mỗi loại đều có lợi ích riêng.

Trụ cố định

Như đã nói ở trên, đây là loại trụ bóng rổ được sử dụng chủ yếu trong thi đấu chuyên nghiệp. Trụ cố định thường có bảng rổ làm bằng kính cường lực có khả năng chịu lực tốt và phần trụ làm từ thép giúp mang lại sự ổn định cho toàn bộ trụ. Ngoài ra, loại trụ này không cần đế nên sẽ tốn ít diện tích trên mặt đất hơn so với trụ di động.

Quá trình lắp đặt trụ cố định phức tạp và tốn nhiều thời gian hơn, thường mất khoảng 4 – 5 ngày. Tuy nhiên, sau khi lắp đặt xong, loại trụ này lại rất bền và vững chắc.

Trụ di động

Đúng như tên gọi, trụ di động không được gắn cố định trên đất mà thay vào đó được gắn vào một phần đế có thể di chuyển được. Để giảm trọng lượng cho phần đế, bảng rổ loại này được làm bằng nhựa thay vì bằng kính cường lực. Bên cạnh đó, lõi của phần cột cũng được lắp đầy bằng nước hoặc cát. Vì làm từ các vật liệu mang tính kinh tế hơn nên tuổi thọ của một trụ di động thường chỉ dài 2 – 5 năm và rất dễ bị hư hỏng hoặc đổ ngã nếu chơi với cường độ quá cao.

Trụ di động

Trụ di động có phần đế di chuyển được

Bảng rổ

Nếu không có đủ không gian để lắp đặt phần khung và đế trụ, bảng rổ treo tường có thể là lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn. Chúng không chiếm nhiều không gian và có thể dễ dàng gắn vào bất cứ vị trí nào. Tuy nhiên, nhược điểm chính của bảng rổ loại này là không chắc chắn và rất dễ bị rơi, đặc biệt là khi người chơi chạm trúng. Vì vậy, bạn khó có thể thực hiện được các cú đu người lên rổ.  

Tùy vào độ tuổi của người chơi và mức độ chơi mà kích thước trụ bóng có thể khác nhau đôi chút. Hiểu về tiêu chuẩn của trụ bóng rổ sẽ giúp bạn chọn được loại trụ phù hợp với nhu cầu chơi của mình.

Để tìm hiểu thêm về bóng rổ cũng như những môn thể thao và các bài tập khác giúp tăng cường sức khỏe, bạn hãy tải LEEP.APP về máy ngay hôm nay!

Nguồn tham khảo

Basketball Hoop Heights https://www.networldsports.co.uk/buyers-guides/basketball-hoop-size-guide Ngày truy cập: 20/12/2020

How to choose a basketball hoop for your home https://goalrilla.com/blog/choosing-a-basketball-hoop Ngày truy cập: 20/12/2020