Một số điều về luật đánh cầu lông đôi mà bạn và đồng đội cần hiểu rõ

Một số điều về luật đánh cầu lông đôi mà bạn và đồng đội cần hiểu rõ

Nhiều người nghĩ rằng, luật đánh cầu lông đôi hoàn toàn giống với luật đánh cầu lông đơn. Tuy nhiên, sự thật không phải như vậy. Luật chơi cầu lông đã được thay đổi để phù hợp với điều kiện và cách chơi của từng hình thức khác nhau.

Để có được những màn kết hợp ăn ý khi chơi cầu lông, ngoài việc biết cách đánh cầu lồng đôi bạn và đồng đội trước hết cần hiểu rõ về luật đánh cầu lông đôi để tuân thủ tốt các quy định và tránh những lỗi vi phạm luật chơi cầu lông đáng tiếc có thể khiến đội bạn vụt mất chiến thắng. Trong bài viết này, mời các bạn cùng LEEP.APP tìm hiểu đôi nét về luật chơi cầu lông đôi nhé!

Kích thước của sân đánh cầu lông đôi

Sân đánh cầu lông đôi có hình chữ nhật được giới hạn bởi các đường biên và vạch kẻ dày 40 mm. Kích thước của sân đánh đôi được Liên đoàn Cầu lông Thế giới quy định cụ thể trong Bộ luật cầu lông như sau:

  • Chiều dài: 13,4m.
  • Chiều rộng: 6,1m.
  • Độ dài đường chéo: 14,7m.

Ngoài ra, Bộ luật này cũng đưa ra một số quy định đối với việc kẻ biên và treo lưới như sau:

  • Các đường biên và vạch kẻ trên sân phải nổi bật và dễ phân biệt. Thông thường, các đường kẻ này sẽ được sơn bằng màu trắng hoặc vàng.
  • Các cột lưới phải cao 1,55m so với mặt sân và phải luôn đứng yên dù lưới có bị căng hay không. Cột lưới được đặt trên đường biên dọc phía ngoài của sân đánh đôi. Cột lưới và phụ kiện của nó không được xâm phạm vào khu vực trong sân.
  • Lưới có chiều rộng 760mm và chiều dài ngang sân là 6,1m. Mặt trên của lưới được viền bằng băng trắng rộng 75mm. Khi treo lưới, bạn cần đảm bảo rằng lưới cao 1,55m ở 2 biên và 1,524m ở phần trung tâm. Giữa hai đầu lưới và cột lưới không được có khoảng cách, nếu được, có thể quấn phần đầu lưới vào cột lưới.

Quy định về phạm vi luật đánh cầu lông đôi khi giao cầu và nhận cầu

Phạm vi giao và nhận cầu trong đánh đôi được giới hạn bởi đường trung tâm, vạch giao cầu ngắn, đường biên dọc phía ngoài và vạch giao cầu dài phía trên. Theo đó, phạm vi giao cầu và nhận cầu của hình thức đánh đôi sẽ rộng hơn nhưng lại ngắn hơn hình thức đánh đơn.

Sân của mỗi đội chơi sẽ có hai khu vực trái và phải. Tùy vào điểm số hiện có của đội giao cầu mà khu vực đứng giao cầu sẽ nằm bên trái hoặc bên phải.

Quy định về phạm vi giao cầu và nhận cầu

Khu vực giao/nhận cầu bên phải (ô màu hồng) và khu vực giao/nhận cầu bên trái (ô màu vàng) trong đánh đôi

Nếu đội giao cầu chưa ghi điểm hoặc có điểm số chẵn, thành viên giao cầu của đội này sẽ đứng ở khu vực giao cầu bên phải. Tương ứng, người nhận cầu của đội đối thủ sẽ đứng ở khu vực bên phải trên sân của mình.

Ngược lại, nếu điểm của đội giao cầu là điểm lẻ, thành viên giao cầu của đội này sẽ tiến hành giao cầu ở khu vực bên trái. Lúc này, người nhận cầu của đội còn lại sẽ đứng ở khu vực bên trái trên sân của mình.

Ở phía nhận cầu, thành viên thực hiện cú giao cầu ở lượt cầu trước sẽ giữ nguyên vị trí đứng của mình, mô hình ngược lại sẽ áp dụng cho đồng đội của người nhận cầu.

Thành viên của bên nhận cầu đang đứng trong khu vực chéo đối diện người giao cầu chính là người nhận cầu.

Vị trí của các người chơi sẽ không thay đổi cho đến khi có một bên giành điểm ở ngay lượt giao cầu của bên đó.

Cách bắt đầu một trận đấu cầu lông

Trước khi diễn ra trận đấu, trọng tài sẽ tiến hành tung đồng xu để xác định bên giao cầu trước và phần sân của từng đội chơi. Đội chọn đúng mặt đồng xu sẽ được quyền quyết định:

  • Đội mình sẽ phát cầu trước hay nhận cầu trước
  • Phần sân mà đội mình sẽ đứng ở ván đấu đầu tiên

Đội thua sẽ nhận được các lựa chọn còn lại.

Tung đồng xu

Việc tung đồng xu sẽ được thực hiện trước khi trận đấu diễn ra

Hệ thống và cách tính điểm trong luật đánh cầu lông đôi

Một trận đấu của môn cầu lông sẽ được diễn ra theo thể thức đấu 3 ván thắng 2, trừ khi có các sắp xếp khác.

Đội nào giành được 21 điểm trước sẽ thắng ván đấu đó, trừ các trường hợp ngoại lệ như hòa nhau với tỷ số 20 – 20 hoặc 29 – 29 (sẽ được quy định tại các điều sau).

Đội thắng một pha cầu sẽ ghi được 1 điểm. Một đội được xem là thắng pha cầu nếu như cầu rơi xuống đúng phần sân của đối thủ hoặc khi đội đối thủ mắc lỗi.

Nếu hai đội đang có tỷ số hòa 20 – 20, đội nào giành được 2 điểm cách biệt trước sẽ thắng ván đấu đó.

Nếu hai đội đang có tỷ số hòa 29 – 29, đội nào giành được điểm thứ 30 trước sẽ giành phần thắng trong ván đấu đó.

Đội thắng sẽ là đội giao cầu trước ở ván đấu tiếp theo.

Quy định về việc đổi sân

Hai đội chơi sẽ tiến hành đổi sân khi:

  • Ván đấu đầu tiên kết thúc
  • Ván đấu thứ hai kết thúc và vẫn phải tiếp tục đấu ván thứ 3
  • Trong ván thứ ba, khi một đội chơi đạt được 11 điểm trước

Nếu việc đổi sân không được thực hiện trong các thời điểm nêu trên thì hai bên cần tiến hành đổi lại sân ngay khi phát hiện sự cố này. Tuy nhiên, việc đổi sân chỉ được thực hiện khi cầu đã ở ngoài cuộc chơi. Lúc này, điểm số của các đội chơi sẽ vẫn được giữ nguyên.

Ghi điểm và thứ tự đánh cầu

Thứ tự đánh cầu và vị trí trên sân

Sau khi quả giao cầu được đánh trả, cầu sẽ được đánh luân phiên bởi 1 trong 2 thành viên của bên giao và bên nhận cho đến khi cầu không còn trong cuộc (khi cầu chạm mặt sân hoặc khi một trong hai đội phạm lỗi).

Đánh cầu lông

Cầu sẽ được đánh luân phiên bởi 1 trong 2 thành viên của bên giao và bên nhận cho đến khi cầu không còn trong cuộc

Ghi điểm và giao cầu

Nếu bên giao cầu thắng pha cầu, họ sẽ ghi được 1 điểm. Lúc này, họ sẽ tiếp tục giao cầu tại khu vực giao cầu còn lại trong lượt tiếp theo.

Ngược lại, nếu bên nhận cầu là người thắng pha cầu đó, họ sẽ ghi được 1 điểm cho mình. Trong trường hợp này, người nhận cầu sẽ trở thành người giao cầu mới ở lượt kế tiếp.

Trình tự giao cầu

Trong bất kỳ ván đấu nào, quyền giao cầu cũng được chuyển tuần tự giữa các thành viên trong cả 2 đội chơi, cụ thể như sau:

  1. Từ người giao cầu đầu tiên ở khu vực giao cầu bên phải khi ván đấu bắt đầu
  2. Đồng đội của người nhận cầu đầu tiên
  3. Đồng đội của người giao cầu đầu tiên
  4. Người nhận cầu đầu tiên

Không người chơi nào được giao và nhận cầu sai phiên hoặc nhận hai quả cầu giao liên tục trong cùng một ván đấu.

Bất kỳ thành viên nào của đội thắng ván đấu trước cũng có thể thực hiện cú giao cầu đầu tiên ở ván tiếp theo. Tương tự, bất kỳ thành viên nào của đội thua ván đấu trước cũng có thể là người nhận cầu đầu tiên ở ván đấu tiếp theo.

Luật chơi cầu lông đôi có chút phức tạp hơn luật đánh cầu lông đơn, đặc biệt trong việc xác định người giao cầu và vị trí đứng trên sân của các người chơi. LEEP.APP hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn và đồng đội cái nhìn khái quát về những quy định trong luật đánh cầu lông đôi. Bây giờ, bạn còn chần chừ gì mà không “book” ngay một buổi đánh cầu cùng nhóm bạn nào.

Nguồn tham khảo

Laws of Badminton https://extranet.bwfbadminton.com Ngày truy cập: 23/7/2020

Simplified Rules of Badminton https://system.bwfbadminton.com Ngày truy cập: 23/7/2020