Chiều cao có thật sự quan trọng khi chơi đánh cầu lông?
Nhiều người quan niệm rằng, chỉ có người cao lớn mới có thể chơi tốt cầu lông. Tuy nhiên, sự thật chứng minh, chiều cao không chỉ mang lại lợi thế mà còn có thể gây ra một số bất lợi nhất định cho bạn khi chơi đánh cầu lông.
Vậy chiều cao có thật sự quan trọng khi chơi đánh cầu lông? Mời bạn cùng LEEP.APP khám phá câu trả lời cho câu hỏi trên trong bài viết này nhé!
Lợi thế của những người cao khi chơi đánh cầu lông
Chiều cao mang lại một số lợi thế nhất định cho người chơi cầu lông, cụ thể là trong các cú giao cầu và đập cầu.
Tầm với rộng hơn
Các bộ phận trên cơ thể đều phải phát triển cân đối với nhau. Vì vậy, bạn càng cao thì tay và chân sẽ càng dài. Nhờ đó, bạn có thể vươn tay đến những vị trí xa hơn mà không cần phải di chuyển nhiều.
Những người cao lớn thường tận dụng tối đa chiều cao của mình trong các trận đấu cầu lông. Họ có thể xử lý các cú đánh của đối thủ chỉ bằng một bước chân ngắn kèm với một cái duỗi tay đơn giản. Sở hữu chiều cao vượt trội là một lợi thế giúp bạn thực hiện tốt các cú đập cầu, phòng thủ và các cú đánh cầu qua đầu.
Với khả năng vươn tay xa hơn, những người này có thể đánh trúng cầu ở các vị trí cao hơn mà chẳng cần nhảy lên. Còn khi nhảy lên, họ có thể tiếp cận các đường cầu với độ cao lên đến 3 mét. Việc này sẽ giúp họ có thể đáp trả các cú đánh của đối thủ một cách linh hoạt hơn.
Sải chân dài hơn
Tương tự như tay, những người cao thì sải chân của họ thường cũng dài hơn người bình thường. Điều này cho phép họ có thể di chuyển đến những vị trí ở xa chỉ với vài bước chân. Đây được xem là một lợi thế tương đối lớn vì càng di chuyển nhanh đến vị trí của cầu thì bạn sẽ càng có nhiều cơ hội hơn để đánh trả được cầu.
Người cao thường có sải chân dài hơn và giúp họ di chuyển đến những vị trí xa hơn chỉ trong vài bước chân
Tạo ra các cú đập cầu có độ dốc lớn
Người cao có thể nhảy lên hoặc vươn tay xa hơn để đánh cầu, vì vậy những cú đập cầu của họ thường sẽ dốc hơn người khác. Ngoài ra, nếu nhận cầu ở vị trí cao hơn thì bạn sẽ có thể áp dụng linh hoạt các kỹ thuật đập cầu để đánh trả, ví dụ bạn có thể lựa chọn đập cầu chéo sân hoặc đập cầu trực diện.
Khả năng giao cầu tốt hơn
Ngày nay, các cú giao cầu thấp tay thường được sử dụng rất phổ biến. Và người cao thường sẽ có nhiều lợi thế hơn trong việc thực hiện các cú giao cầu này. Theo luật đánh cầu lông, vợt của bạn phải di chuyển từ dưới vị trí thắt lưng hướng dần về phía trước.
Nếu giao cầu trên vị trí thắt lưng, bạn sẽ bị tính là phạm lỗi. Những người cao thường có thắt lưng cao hơn, vì vậy họ thường giao cầu hiệu quả hơn.
Bất lợi của những người cao khi chơi đánh cầu lông
Đôi khi, chiều cao không mang lại lợi thế mà còn có thể gây ra một số bất lợi cho bạn khi chơi đánh cầu lông.
Khó giữ trọng tâm, dễ mất thăng bằng
Bài học cơ bản nhất khi bắt đầu chơi cầu lông chính là chuẩn bị tư thế sẵn sàng để đón cầu. Lúc này, bạn không thể đứng thẳng mà phải hơi khuỵu chân để hạ thấp trọng tâm của mình. Hạ thấp trọng tâm sẽ giúp bạn di chuyển nhanh hơn và thay đổi hướng kịp thời để có thể đáp trả được các đường cầu của đối thủ.
Chân dài hơn, đồng nghĩa với việc bạn phải hạ thấp thân người hơn để giữ được trọng tâm của mình. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi bạn phải có sức chân cực tốt, nếu không rất dễ mất thăng bằng trong quá trình thi đấu.
Một bất lợi khác của những người quá cao chính là khó có thể đánh trả các cú đập cầu dốc của đối thủ. Một số người, vì kỹ thuật còn chưa tốt nên thường phải cúi người rất nhiều mới có thể xử lý được các pha đập cầu dốc này. Tuy nhiên, việc cúi người quá nhiều hoặc quá thấp có thể gây ảnh hưởng xấu đến lưng và tư thế đứng của bạn.
Việc cúi người quá nhiều để xử lý các pha đập cầu dốc có thể gây ảnh hưởng xấu đến lưng của bạn
Khả năng phòng thủ yếu khi cầu bay vào cơ thể
Những người chơi cầu lông cao thường rất khó có thể phòng thủ trước những cú đập cầu nhắm vào ngực và cổ của họ. Họ thường phải bước rộng chân và hạ thấp cơ thể hơn để thực hiện các cú trả cầu qua đầu.
Khả năng tạt cầu yếu hơn
Những cú tạt cầu đòi hỏi người chơi phải đánh quả cầu theo phương ngang với mặt lưới. Vì vậy, những người cao thường phải mở rộng chân và hạ thấp cơ thể hơn bình thường. Tuy nhiên, tư thế này dễ làm họ mất thăng bằng, từ đó khiến các cú tạt cầu kém hiệu quả hơn.
Lợi thế của những người thấp khi chơi đánh cầu lông
Có thể nói, lợi thế của những người thấp khi chơi đánh cầu lông chính là bất lợi của những người cao và ngược lại.
Khả năng phòng thủ tốt khi cầu bay vào cơ thể
Khác với người cao, những người chơi có chiều cao khiêm tốn có thể dễ dàng hạ thấp thân người để thực hiện các cú đánh qua đầu khi cầu bay đến ngực hoặc cổ.
Khả năng tạt cầu tốt
Vì không cần hạ người xuống quá nhiều, người thấp thường có thể thực hiện các cú tạt cầu ngang lưới dễ dàng và hiệu quả hơn.
Bất lợi của những người thấp khi chơi đánh cầu lông
Người “tí hon” cũng gặp những bất lợi nhất định khi chơi đánh cầu lông. Họ thường khó có thể nhảy cao và vươn tay được xa khi thực hiện các cú đập cầu. Do đó, lực đập cầu của họ sẽ yếu hơn và độ dốc cũng không bằng những cú đập cầu do người cao thực hiện.
Những người “tí hon” thường khó có thể nhảy cao và vươn tay được xa khi thực hiện các cú đập cầu
Các tay vợt có chiều cao “khủng” và “tí hon”
Các vận động viên cầu lông chuyên nghiệp thường có chiều cao không xác định. Bởi vì ở trình độ chơi này, kết quả thi đấu đa số phụ thuộc vào chiến thuật và kỹ thuật chơi của bạn hơn là lợi thế về ngoại hình. Dưới đây, chúng ta hãy cùng điểm qua một số vận động viên cầu lông có chiều cao “khủng nhất” và “tí hon nhất”.
Những vận động viên “khổng lồ” trong làng cầu lông thế giới:
- Mads Pieler Kolding (2,05 mét)
- Vladimir Ivanov (2,01 mét)
- Viktor Axelsen (1,94 mét)
- Chen Long (1,87 mét)
- Mads Conrad-Petersen (1,86 mét)
Những vận động viên “tí hon” trong làng cầu lông thế giới:
- Nozomi Okuhara (1,56 mét)
- Akane Yamaguchi (1,56 mét)
- Tai Tzu-Ying (1,63 mét)
- Ashwini Ponnappa (1,65 mét)
- Saina Nehwal (1,65 mét)
Chiều cao mang lại nhiều lợi thế khi chơi đánh cầu lông. Tuy nhiên, yếu tố này cũng có thể là nguyên nhân gây ra các bất lợi cho bạn. Vì vậy, bạn cần hiểu rõ về chúng để phát huy hết các lợi thế và hạn chế các bất lợi có thể gặp phải.
Nguồn tham khảo
Does Height Matter to Be a Good Player? https://www.masterbadminton.com/does-height-matter-to-be-a-good-player.html Ngày truy cập: 3/9/2020
Do You Have to be Tall to Play Badminton? https://www.badmintonsbest.com/blog/do-you-have-to-be-tall-to-play-badminton/#longer-arms-greater-reach-and-leverage Ngày truy cập: 3/9/2020