Tại sao lặn biển (scuba diving) bằng bình dưỡng khí lại có sức hấp dẫn với nhiều người?
Lặn biển là một trong những hoạt động mà nhiều người rất muốn thực hiện vào một ngày nào đó, nhưng thường không có cơ hội trải nghiệm. Bạn có thể nghĩ lặn biển (scuba diving) như một trải nghiệm dưới nước để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên nằm dưới lòng đại dương.
Lặn biển có thể được xem là một trong những môn thể thao mạo hiểm phát triển trên thế giới hiện nay. Mỗi năm, có hàng triệu người đi lặn biển. Mô hình này có vẻ khó và xa lạ với nhiều người, nhưng thật ra, lặn biển đã có mặt ở Việt Nam cách đây khoảng 8 năm.
Tại sao lặn biển bằng bình dưỡng khí lại thu hút nhiều người tham gia?
Dưới đáy biển là một thế giới của thiên nhiên mà con người không thể biết hết được. Cụ thể, có 80% đại dương trên toàn cầu vẫn chưa được lập bản đồ. Cho nên, đi lặn biển để khám phá những điều mới lạ mà mình chưa từng trải qua bao giờ mang lại cảm giác rất thú vị và phấn khích.
Bên cạnh đó, con người không thể thở dưới nước. Do đó, lặn biển bằng bình dưỡng khí mang đến cho bạn cơ hội được ở trong thế giới dưới nước rất đẹp dù chỉ trong thời gian ngắn.
Trải nghiệm tình trạng không trọng lượng và “bay” trong nước trong khi quan sát các sinh vật biển, khám phá các rạn san hô ngoạn mục, hang động dưới nước, hoặc thậm chí lặn xuống xác tàu chìm là điều không giống bất cứ điều gì khác có thể thực hiện trên đất liền.
Lặn biển bằng bình dưỡng khí là gì?
Scuba là từ viết tắt của Self Contained Underwater Breathing Apparatus (thiết bị cho phép chúng ta thở dưới nước). Lặn biển (scuba diving) là hoạt động thể thao dưới nước được thực hiện khi đeo bình dưỡng khí.
Không khí trong bình là khí nén như môi trường bên ngoài gồm có một phần nitơ, một phần oxy và một số khí khác. Nhiều người lầm tưởng rằng không khí trong bình dưỡng khí là oxy tinh khiết. Tuy nhiên, nếu là oxy tinh khiết sẽ gây ngộ độc cho các thợ lặn. Do khí nitơ có trong khí nén, các thợ lặn cần phải hết sức cẩn thận khi lặn xuống độ sâu lớn hơn. Vì có thể xảy ra tình trạng hôn mê do nitơ, có tác dụng tương tự như uống quá nhiều rượu. Điều này có thể dễ dàng giải quyết bằng cách đi ngược lên vùng nước nông hơn.
Thiết bị lặn biển gồm có: chân vịt, bình dưỡng khí, kính lặn biển, ống thở
Một ảnh hưởng nghiêm trọng hơn của nitơ được biết đến là Bệnh Caisson (bệnh giảm áp). Đó là khi nitơ bắt đầu tạo thành bong bóng trong cơ thể người lặn. Điều này trở thành một vấn đề khi thợ lặn quay trở lại mặt biển và áp suất không khí bình thường và có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, điều quan trọng nhất cần nhớ đối với thợ lặn là không bao giờ đi quá sâu và không bao giờ quay trở lại mặt biển quá nhanh.
Lặn bằng bình dưỡng khí có an toàn không?
Dù là hoạt động nào thì bạn cũng cần phải đảm bảo an toàn cho bản thân. Tuy lặn biển (scuba diving) có những rủi ro nhất định nhưng cuối cùng đây là một môn thể thao an toàn để thử trải nghiệm. Mỗi năm, có hàng triệu thợ lặn nghiệp dư (khách du lịch) đi lặn và có rất ít tai nạn xảy ra.
Nếu là khách du lịch đi lặn biển, bạn sẽ có một người thợ lặn có kinh nghiệm hướng dẫn. Họ sẽ dạy cho bạn mọi thứ bạn cần biết trước khi lặn. Bạn sẽ không được phép lặn xuống để nhìn ngắm sinh vật biển cho đến khi bạn nắm được tất cả các bước cơ bản và các tín hiệu an toàn.
Nuno Gomes giữ kỷ lục thế giới về lặn sâu nhất với bình dưỡng khí ở độ cao 318 mét. Có một thợ lặn người Pháp, Pascal Bernabé, người khẳng định rằng anh ta đã có thể lặn sâu hơn (330 mét), nhưng điều này chưa được xác nhận.
Mẹo để giữ an toàn khi lặn với bình dưỡng khí
Dưới đây là một số mẹo có thể giúp bạn tận hưởng chuyến lặn biển với bình dưỡng khí một cách an toàn:
- Đảm bảo rằng tất cả các thành phần của thiết bị lặn của bạn ở tình trạng hoạt động tốt trước khi bạn bắt đầu lặn. Nếu bạn phát hiện bất kỳ vấn đề nào với thiết bị, không sử dụng nó và thông báo cho người hướng dẫn của bạn ngay lập tức. Không nên sử dụng bất kỳ thiết bị lặn nào bị lỗi để lặn biển.
- Đừng bao giờ nín thở dưới nước khi lặn vì nhiều người thường làm điều này theo bản năng. Ngay cả khi bạn là một thợ lặn có kinh nghiệm, bạn có thể gặp rắc rối nếu nín thở dưới nước.
- Lặn sâu hơn 30m dưới mực nước biển có thể khiến nitơ trong không khí ảnh hưởng đến cơ thể của bạn. Do đó, bạn có thể gặp phải tình huống các bong bóng nitơ xuất hiện trong máu và khớp của bạn. Đây là một tình trạng nghiêm trọng cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
- Không bao giờ lặn nếu bạn đang bị ốm, sốt hoặc cảm lạnh. Nhiều người thường bỏ qua các triệu chứng của họ và cuối cùng đi lặn biển, nhưng đây là một việc làm rất nguy hiểm vì nó có thể dẫn đến các biến chứng khác như thủng màng nhĩ.
- Đừng bao giờ hoảng sợ dưới nước vì điều này sẽ chỉ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn nhiều. Tình trạng hoảng loạn thường xảy ra ở những thợ lặn chưa qua đào tạo đang cố gắng để lên mặt biển quá nhanh.
- Đừng lặn một mình nếu bạn không phải là một thợ lặn có kinh nghiệm vì có thể có những vấn đề mà bạn không thể tự mình giải quyết. Vì vậy, việc lặn luôn phải được thực hiện cùng bạn bè hoặc theo thợ lặn.
- Đừng bao giờ lặn đêm mà không được đào tạo bài bản vì rất nguy hiểm và bạn có thể lạc đường trong bóng tối nếu không được trang bị đầy đủ các thiết bị điều hướng.
Đừng lặn một mình nếu bạn không phải là thợ lặn chuyên nghiệp
Lặn biển trở nên hồi hộp và thú vị hơn
Nếu bạn thích lặn biển, có một số điều khiến việc lặn biển trở nên thú vị hơn khi bạn đi khám phá xác tàu. Nếu có thần kinh thép, bạn có thể cân nhắc việc đi lặn với cá mập. Lặn trong lồng với cá mập có thể là trải nghiệm của không thể nào quên. Về cơ bản, bạn bị nhốt trong một cái lồng thép và hạ xuống một bãi cá mập, bị thu hút bởi ruột cá từ trước.
Đi lặn biển tại Việt Nam
Tại Hòn Mun, Nha Trang, ban đầu công ty du lịch chỉ khai thác bộ môn lặn biển bằng bình hơi (Scuba diving). Từ những năm 2014, Scuba diving là trò chơi vô cùng nổi tiếng và hấp dẫn. Hàng năm, có hơn 600.000 lượt du khách đến Nha Trang đã thử trò chơi cảm giác mạnh này.
Điều thú vị và kích thích nhất chính là được trở thành “người nhái”, lặn xuống biển ở độ sâu 6m, ngắm những rạn san hô và nhiều loài cá với đủ sắc màu, những sinh vật biển mà trước giờ chỉ có thể nhìn thấy trên tivi hoặc trên báo chí.
Có đến 80% du khách nước ngoài (đặc biệt là du khách Nga, ở thời điểm bùng nổ 2014) đến Nha Trang để trú đông và để lặn biển ở Hòn Mun. Hiện nay, không phải do Scuba diving không còn hấp dẫn nữa mà nhiều du khách cảm thấy sợ lặn xuống đáy biển, nên đơn vị khai thác du lịch tại Nha Trang đã kịp thời du nhập bộ môn Seawalker về để phục vụ nhu cầu của du khách. Đặc biệt là Viet Asian Nha Trang, đơn vị đầu tiên được cấp phép đủ điều kiện hoạt động Việt Nam.
Bạn đã sẵn sàng để đi lặn biển và khám phá thế giới dưới nước chưa?
Bạn sẽ được chở ra biển, trên tàu đã chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị như bình dưỡng khí, áo BCD (giống như áo phao nhưng tốt hơn), kính lặn biển, ống thở… cho bạn. Anh huấn luyện viên sẽ hướng dẫn bạn cách ngậm miệng vào ống thở và một số kỹ thuật cần lưu ý như:
- Cách thở: Trong quá trình đi lặn, bạn luôn hít thở bằng miệng vì có đeo kính bơi, mà kính trùm mũi mình lại sẽ làm cho kính mờ nếu thở bằng mũi. Điều này làm cho bạn không nhìn rõ nữa. Lưu ý khi đeo kính, bạn nên vén tóc gọn gàng, để tóc dính vào kính, vì thời gian lặn dưới nước lâu, nước sẽ len lỏi từ tóc vào trong mắt kính.
- Xử lý khi nước vào trong mắt kính: Dùng 2 tay của mình, vịn cái kính lặn và ngước mặt lên trên. Nước sẽ đọng vào thành kính, thở mạnh ra bằng mũi, nước sẽ thoát ra ngoài hết.
- Xử lý khi tai bị ù: Khi xuống nước áp suất nước tăng lên. Xuống chừng 2 – 3 m, sẽ hơi bị ù tai. Và cách xử lý là dùng tay giữ chặt mũi lại thở mạnh ra bằng mũi.
- Độ sâu tối đa là 6m và thời gian lặn tối đa là 20 – 25 phút. Tùy vào khả năng của mỗi người, nếu cảm thấy ổn thì có thể lặn sâu hơn.
Cô gái ký hiệu mình đang gặp vấn đề ở tai
Mặc đồ lặn biển
- Sau khi mặc đồ lặn vào, chờ đến lượt của mình, bạn sẽ được đeo thêm đá cho nặng để tăng trọng lượng nên dễ chìm
- Mang chân vịt vào, bước xuống bậc thang xuống biển
- Huấn luyện viên sẽ đeo áo BCD có kèm bình oxy vào người bạn
- Đeo kính vào
- Cắn vào ống thở môi bụm lại
Hướng dẫn các ký hiệu
Vì ở dưới biển không thể nói chuyện nên bạn chỉ có thể giao tiếp bằng các ký hiệu. Có các ký hiệu như đi lên, đi xuống, ok và lắc tay nghĩa là không ổn, không ổn chỗ nào mình chỉ vào chỗ đó. Còn giơ bàn tay thẳng đứng là dừng lại, hướng lòng bàn tay xuống là đi từ từ.
Bảng ký hiệu lặn biển
Lưu ý: Nếu không bơi giỏi hay không biết cách điều khiển chân vịt, tốt nhất là bạn nên thả lỏng để các anh huấn luyện viên dẫn dắt bạn dễ hơn.
Trải nghiệm lặn biển ở đâu?
Hiện nay, bạn có thể trải nghiệm lặn biển ở những địa điểm dưới đây:
1. Phú Quốc
2. Bán đảo Sơn Trà
3. Nha Trang
4. Kỳ Co Bình Định
5. Cù Lao Chàm
6. Côn Đảo
7. Hòn Hai Bờ Đập – Nam Du
8. Vịnh Vĩnh Hy
Lặn biển là một hoạt động thú vị có thể giúp bạn giải tỏa căng thẳng và thoát khỏi cuộc sống hiện tại trong chốc lát. Mặc dù có những rủi ro nhỏ, nhưng bạn có thể dễ dàng vượt qua khi được đào tạo thích hợp và lặn với bình dưỡng khí.
LEEP hy vọng bài viết này đã giúp bạn tìm hiểu những điều cơ bản về lặn biển và chúc bạn thực hiện thành công chuyến lặn biển đầu tiên của mình nhé.
Nguồn tham khảo
What is Scuba Diving? – All You Need to Know And More https://rushkult.com/eng/scubamagazine/what-is-scuba-diving/ Ngày truy cập 29/7/2022
What Is Scuba Diving – Everything You Need To Know https://www.deeperblue.com/what-is-scuba-diving/ Ngày truy cập 29/7/2022