Seawalker: Làm “phi hành gia” đi bộ dưới đáy biển

Author picture

Seawalker: Làm “phi hành gia” đi bộ dưới đáy biển

Trước đây, để ngắm san hô, bạn chỉ cần đeo bộ mặt nạ, mặc áo phao để nổi trên mặt biển nhưng úp mặt xuống nhìn ngắm cảnh sắc dưới đáy biển. Dường như điều đó chưa đủ mang lại cảm giác phấn khích cho du khách, các nhà kinh doanh du lịch đã nghĩ ra hình thức ngắm san hô khác mạo hiểm và thú vị hơn, đó là đi bộ dưới đáy biển (seawalker).  

Đi bộ dưới đáy biển là một trò chơi mới được các đơn vị kinh doanh du lịch Việt Nam du nhập, đưa vào khai thác từ năm 2016. Xuất phát điểm từ Vịnh Nha Trang, nơi có vùng biển trong xanh, nổi tiếng trên thế giới với Hòn Mun được mệnh danh là Công viên San hô của Đông Nam Á.

Ban đầu tại Hòn Mun, các hãng du lịch chỉ khai thác bộ môn lặn biển bằng bình dưỡng khí (Scuba Diving). Tuy nhiên, có nhiều du khách rất muốn lặn biển để ngắm san hô, nhưng vì sợ cảm giác lặn xuống đáy biển. Vì vậy, các đơn vị khai thác du lịch đã nắm bắt và kịp thời du nhập bộ môn seawalker về để đáp ứng nhu cầu này.

Ưu điểm khi chơi seawalker

  • Bạn không cần có bất kỳ kinh nghiệm nào trước khi tham gia trò chơi này dưới biển. Những người không biết bơi cũng có thể thưởng thức cuộc phiêu lưu của chính mình dưới đáy biển.
  • Seawalker dễ dàng hơn lặn biển. Trẻ em 6 tuổi cho đến người lớn 70 tuổi đều có thể tham gia trò chơi này.
  • Bạn không phải ngậm ống thở, không phải mặc bộ đồ người nhái, không cần đeo kính lặn.
  • Khi tham gia seawalker, bạn có thể tự do đi lại dưới đáy biển ở độ sâu 5 – 6m.
  • Được tự do mặc đồ bơi tùy theo sở thích, có thể trang điểm nếu thích.
  • Bạn cũng có thể chạm vào những loài sinh vật biển, vui đùa với đàn cá và cho chúng ăn.

đi bộ dưới biển

Hành trình thám hiểm đại dương

Khi tham gia seawalker, bạn sẽ được dẫn đến một cây cầu phao ở trên biển, mang đôi giày chuyên dụng vào, leo xuống vài bậc cầu thang để nước ngập người, phần đầu vẫn còn trên mặt nước. Nhân viên ở trên sẽ đội cho bạn một chiếc nón giống chiếc nón của phi hành gia vũ trụ. Bình thường, chiếc nón này ở trên bờ có trọng lượng là từ 30 – 40kg. Bạn vẫn hít thở bình thường. Sau đó, huấn luyện viên ở dưới biển sẽ từ từ đưa bạn xuống đáy. Bạn có thể thỏa sức ngắm san hô và cá bơi lội, đồng thời tạo những shoot hình tuyệt vời để ghi lại dấu ấn khó quên này.

Đội nón vào đầu cho du khách

Huấn luyện viên đội mũ cho du khách để chuẩn bị xuống đáy biển. Ảnh: seawalkerdiving.com

Tham gia seawalker có an toàn không?

Có thể nói tham gia seawalker này an toàn vì trong suốt hành trình, bạn sẽ luôn có huấn luyện viên chuyên nghiệp ở bên cạnh, hướng dẫn và hỗ trợ bạn mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời, chiếc nón đội trên đầu được đúc liền khối bằng composite và polycarbon, mặt kính được đúc bằng sợi thủy tinh và gắn liền vào phần thân nón bằng một hỗn hợp keo đặc biệt.

mũ bảo hiểm

Chiếc nón bảo hiểm khi tham gia seawalker. Ảnh: seawalkerdiving.com

Phía trong chiếc nón có một khoan bên dưới vừa để dẫn khí oxy vào trong nón, vừa để cân bằng áp suất dưới nước, nguyên lý hoạt động của chiếc nón nằm ở cái khoan này. Nó phải đưa oxy vào và đẩy cho nước không tràn vào phía trên của chiếc nón. Độ an toàn của loại dịch vụ này tương đối cao và độ sâu không quá 6 mét. Thời gian đi bộ dưới nước khoảng 20 phút cho 1 khách vì đi lâu hơn sẽ làm cho bạn bị đau tai.

Lưu ý: Người uống rượu, đang mang thai, người bị hen suyễn, đau tim, người bị các vấn đề về thính giác hoặc phổi, bệnh hô hấp khác do bệnh xoang mãn tính hoặc phẫu thuật tai không được phép đi bộ dưới biển.  

Trải nghiệm seawalker ở đâu?

Seawalker hiện đã được nhân rộng và có mặt ở hầu hết những vùng biển nổi tiếng ở Việt Nam:

  • Nha Trang: Bãi Tranh, Vịnh San Hô, Dốc Lết (Công ty CP Việt Asian), Hòn Tằm (do 1 người Thái làm chủ)
  • Phú Quốc: Seawalker của Công ty Namaste
  • Quy Nhơn, Bình Định: Bãi biển Kỳ Co (Công ty Hoàng Đạt)
  • Cù lao Chàm, Hội An, Quảng Nam

Chi phí để đi bộ dưới đáy biển

  • Seawalker: 800.000 – 900.000 đồng/người
  • Chụp ảnh + quay video từ 300.000 – 350.000 đồng/người

Giải đáp một số thắc mắc trước khi đi bộ dưới đáy biển

Tôi có cần gắn thêm đá như đi lặn biển để có thể xuống dưới đáy biển không?

Không. Mũ bảo hiểm seawalker được thiết kế đặc biệt với trọng lượng nhất định để duy trì sự cân bằng. Vì vậy, bạn không cần phải gắn thêm đá để nặng hơn. Đặc biệt, nếu gặp tình huống khẩn cấp, bạn không thể bơi lên mặt nước dễ dàng khi gắn thêm đá trên mình.

Làm thế nào để tôi có đủ không khí với mũ bảo hiểm?

Có máy nén khí trên phao để tiếp tục tạo ra không khí tự nhiên cho bạn hít thở. Do đó, bạn có thể lặn mà không cảm thấy mệt mỏi. 

nguyên lý hoạt động

Nguyên lý hoạt động của chiếc nón tương tự như khi bạn úp một cái ly xuống nước. Ảnh: seawalkerdiving.com

Điều gì sẽ xảy ra nếu có sự cố với máy nén khí?

Sẽ không có gì xảy ra với bạn. Bạn có 20 lít không khí trong mũ bảo hiểm. Vì vậy, nếu tất cả hệ thống không khí tắt, bạn vẫn có đủ không khí để thở. Seawalker có bình dưỡng khí khẩn cấp trên phao luôn gắn với nguồn cung cấp không khí. Không khí này sẽ tự động được chuyển đến mũ bảo hiểm khi bạn mở van. 

Làm thế nào để thở? Thở có khó không?

Bản hít thở bình thường khi đội mũ bảo hiểm Seawalker.

Tôi có thể lặn sâu bao nhiêu?

 Bạn có thể lặn sâu như lặn với bình dưỡng khí, nhưng vì sự an toàn thường các dịch vụ chỉ cho bạn đi ở độ sâu tối đa 5 – 6m.

 Tôi có cần chuẩn bị giày đặc biệt để đi bộ dưới nước không?

Không. Dịch vụ seawalker thường chuẩn bị sẵn những đôi giày đặc biệt dành cho bạn. Bạn chỉ cần chuẩn bị những thứ sau đây: 

  • Đồ bơi
  • Quần áo để thay
  • Kem chống nắng
  • Khăn tắm 
  • Nước khoáng
  • Tiền mặt để trả phí đi seawalker và chụp ảnh (nếu muốn)

Tôi không tự tin xuống nước, phải làm sao?

Người hướng dẫn chuyên nghiệp sẽ ở bên bạn mọi lúc. Bạn sẽ không bao giờ bị bỏ lại một mình khi khám phá kỳ quan của rạn san hô ở dưới đáy biển.

Tôi có thể đeo kính cận khi đội mũ bảo hiểm seawalker không?

Vâng. Bạn có thể đeo kính cận hay kính áp tròng đều được.

Bạn có thể tham khảo thêm những hình ảnh dưới biển khi tham gia đi bộ dưới đáy biển.