Thay sự kỳ vọng bằng tính kỷ luật: Hành trang của thành công
Những kỳ vọng có thể ngăn bạn bước đến thành công. Hãy buông bỏ chúng và làm bạn với tính kỷ luật. Cùng LEEP.APP thực hành ngay bây giờ nhé!
Rất nhiều người trong chúng ta đặt nặng kỳ vọng vào bản thân. Chúng ta có thể đã thành công nhờ sự kỳ vọng đó. Nhưng đôi khi, những kỳ vọng, những tiêu chuẩn cao mà chúng ta đặt ra lại cản trở ta chạm đến mục tiêu.
Thật là một nghịch lý khi kỳ vọng trở thành mỏ neo ghì chúng ta lại, thay vì là động cơ đẩy ta tiến lên.
Bước đột phá lên cấp độ tiếp theo đối với nhiều người trong chúng ta thật đơn giản: từ bỏ mọi kỳ vọng. Tony Robbins – người được mệnh danh là “bậc thầy huấn luyện các CEO” – nổi tiếng với câu nói: “Hãy biến kỳ vọng của bạn… thành sự cảm kích” (Turn your expectations… into appreciation). Đó là một câu nói hay, nhắc nhở chúng ta đừng gánh vác quá nhiều mong đợi.
Kỳ vọng thường có vẻ hữu ích lúc ban đầu
Sự kỳ vọng cho bạn động lực và cảm giác hào hứng để bắt tay vào điều bạn muốn
Không ít người đã cải thiện cuộc sống vì họ kỳ vọng rằng mình sẽ sống tốt hơn.
“Tôi nên có vóc dáng đẹp hơn. Tôi nên có một công việc tốt hơn. Tôi nên làm việc hiệu quả hơn. Tôi nên có kỷ luật hơn. Tôi nên lưu tâm hơn. Tôi nên ăn uống lành mạnh hơn”.
Tôi và bạn có lẽ đã từng tự nhủ những câu trên. Chúng ta biến những kỳ vọng này thành hành động. “Được rồi, cuối cùng đã đến lúc tôi phải đứng dậy và xắn tay áo để làm được điều đó!”. Và đó là cách chúng ta bắt đầu cải thiện bản thân, khi chúng ta tự tạo động lực để bắt đầu.
Vì vậy, kỳ vọng có tác dụng rất tốt, bởi chúng là những thứ khiến ta phải bắt đầu. Nhưng sau đó, chính sự kỳ vọng lại bắt đầu có tác dụng ngược.
Khi sự kỳ vọng vượt quá sức mình, bạn sẽ cảm thấy như rơi xuống vực thẳm thất vọng
“Tôi dự kiến sẽ thành thục bài tập này sau một vài ngày, nhưng một tuần sau khi thực hiện mà tôi vẫn không tiến bộ tẹo nào”.
“Tôi mong hoàn thiện kỹ năng này nhưng tôi vẫn đang lẹt đẹt phía sau”.
“Tôi dự kiến sẽ duy trì thành tích của mình trong 2 tuần qua nhưng sau đó tôi đã bỏ lỡ một ngày”.
“Tôi đặt mục tiêu sẽ chinh phục yoga hoặc thiền nhưng chúng khó hơn tôi nghĩ”.
“Điều này không đáp ứng mong đợi của tôi, vì vậy tôi cảm thấy chẳng vui chút nào”.
“Tôi quá tập trung vào việc muốn mọi thứ diễn ra hoàn hảo đến nỗi tôi bỏ lỡ vẻ đẹp của những gì đang diễn ra trong hiện tại”.
Đó là một số các ví dụ của tâm trạng tiêu cực khi bạn mong đợi quá nhiều và rồi hụt hẫng và áp lực khi không thể chạm đến đích đúng với kế hoạch đặt ra.
Sự đơn giản của kỷ luật
Rèn tính kỷ luật thực sự khá đơn giản. Bạn muốn kiên trì với một thói quen, chẳng hạn như viết nhật ký, thiền hoặc tập thể dục? Chỉ cần bắt đầu, càng đơn giản càng tốt, và lặp lại hành động đó một lần nữa vào ngày hôm sau. Nếu bạn bỏ lỡ một ngày, không vấn đề gì, chỉ cần bắt đầu lại, rồi lại bắt đầu.
Tất cả các vấn đề của thói quen bắt đầu biến mất khi chúng ta từ bỏ kỳ vọng. Chúng ta có thể tận hưởng thói quen tại thời điểm này, thay vì quá quan tâm đến việc nó sẽ diễn ra như thế nào trong tương lai.
Mọi thứ sẽ đơn giản, khi chúng ta giảm kỳ vọng xuống một chút.
Đơn giản hóa những kỳ vọng của bản thân, bạn sẽ thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều
Thói quen tập thể dục hàng ngày trở nên đơn giản khi bạn chỉ cần xỏ giày vào, ra ngoài và đi bộ, chạy bộ hoặc tập những bài tập thể hình. Bạn không cần thiết bị cầu kỳ hay chương trình tập quá hoàn hảo. Bạn chỉ cần bắt đầu một động tác, càng đơn giản càng tốt.
Tất nhiên, chúng ta có những vướng mắc khi tập thể dục. Những điều này đến từ nhiều năm phán xét bản thân (hoặc bị người khác đánh giá). Bạn có thể tháo gỡ khúc mắc, đừng đặt nặng kết quả phải đạt được. Khi không còn sự tự phán xét, chúng ta có thể tiến lên.
Mỗi khi “thất bại” trước một thói quen, chúng ta sẽ nản lòng. Kỳ vọng chính là thủ phạm gây ra cảm xúc tiêu cực đó. Chi bằng, mình hãy bỏ kỳ vọng trở nên hoàn hảo, và quay lại thực hiện thói quen, rồi cứ lặp đi lặp lại.
Làm thế nào bỏ bớt kỳ vọng?
Bây giờ chúng ta chỉ cần tìm ra cách để bỏ bớt những “kiện hành lý khó chịu”.
Vấn đề là đây: Tâm trí con người là một cỗ máy tạo ra kỳ vọng mạnh mẽ, mọi lúc, mọi nơi. Vì vậy, liệu chúng ta chỉ cần tắt “cỗ máy kỳ vọng” là đủ? Chúc bạn may mắn, bởi chưa từng có ai làm được điều đó. Hy vọng có thể tắt đi những kỳ vọng lại là một kỳ vọng!
Điều quan trọng là nhận diện được những kỳ vọng. Mỗi khi một kỳ vọng bắt đầu le lói trong đầu, hãy nói với nó: “Ê! Ta thấy ngươi rồi. Ta biết ngươi là lý do khiến ta cảm thấy chán nản, choáng ngợp, tụt hậu, thất vọng, lép vế”.
Đó là sự thật, phải không? Chúng ta cảm thấy chán nản vì kỳ vọng rằng chúng ta giỏi hơn thế này. Chúng ta cảm thấy bị tụt hậu vì không làm được một điều trong danh sách phải làm. Chúng ta cảm thấy quá tải vì kỳ vọng có thể xử lý tất cả mọi việc một cách dễ dàng và ngay lập tức. Chúng ta cảm thấy thất vọng vì ai đó (hoặc chúng ta) đã không đạt được kỳ vọng.
Tất cả những cảm giác này là triệu chứng của quá nhiều kỳ vọng.
Chúng ta dễ cảm thấy chán nản vì kỳ vọng rằng mình giỏi hơn so với năng lực thực tế
Chúng ta có thể lựa chọn giữa việc giữ bản thân trói buộc vào một lý tưởng xa vời và buông bỏ điều đó để đơn giản là nhìn mọi thứ như chúng vốn có, rồi thực hiện bước đi tiếp theo.
Nhìn mọi thứ như chúng vốn có, không có kỳ vọng, là nhìn thấy trải nghiệm thực tại, không có tất cả những lý tưởng, tưởng tượng và sự thất vọng mà chúng ta phủ lên trên thực tế.
Điều này có nghĩa là khi chúng ta bỏ lỡ một ngày, chúng ta không phải bận tâm đến suy nghĩ về việc điều đó sẽ tệ như thế nào. Bạn chỉ cần nhìn vào thời điểm hiện tại và bắt đầu lại.
Trong sự lựa chọn này, chúng ta có thể quyết định xem mình muốn ở lại trong thế giới kỳ vọng tưởng tượng hay bước vào thế giới thực. Đó là lựa chọn mà chúng ta có thể thực hiện mọi lúc nếu nhận thức được sự kỳ vọng của mình trong thời điểm này.
Hai cách đơn giản thực hành tính kỷ luật
Hãy nói ngắn gọn về hai phương pháp: Kỷ luật khi làm việc và kỷ luật dể kiên định với một thói quen.
Tính kỷ luật khi thực hiện công việc: Giả sử bạn có một danh sách nhiệm vụ, với 5 nhiệm vụ quan trọng và 10 nhiệm vụ nhỏ hơn (bất cứ chuyện gì, từ trả lời email đến thay vòi bồn rửa bát…).
Điều gì sẽ cản trở chúng ta hoàn tất hết bản to-do list ấy? Đó là khi bạn:
- Không rõ phải làm gì trước (hoặc kỳ vọng rằng bạn chọn nhiệm vụ “đúng”).
- Cảm thấy không muốn thực hiện nó (kỳ vọng rằng công việc sẽ dễ dàng).
- Lo lắng về việc nó sẽ diễn ra như thế nào (kỳ vọng rằng mọi người nghĩ rằng bạn giỏi).
- Căng thẳng về tất cả những việc bạn phải làm hôm nay (kỳ vọng rằng bạn có một ngày bình tĩnh, trật tự, đơn giản).
- Muốn chạy ngay đến với những thứ gây xao nhãng mà bạn yêu thích (kỳ vọng rằng mọi thứ đều dễ dàng với bạn).
Cảm xúc tiêu cực phát sinh từ sự sụp đổ của bản thân, khi bạn không thể hoàn thành những gì mình đề ra
Khi nhận thấy những khó khăn do kỳ vọng gây ra, bạn có thể quyết định xem mình có muốn tiếp tục mong đợi hay muốn từ bỏ chúng và tập trung vào thời điểm hiện tại.
Hãy thực hành tính kỷ luật trong công việc bằng cách:
- Chọn một nhiệm vụ – bất cứ điều gì bạn cảm thấy quan trọng ngay bây giờ. Hãy bỏ kỳ vọng rằng đó là nhiệm vụ đúng đắn.
- Đặt mọi thứ khác sang một bên – những nhiệm vụ khác, những thứ gây xao nhãng. Hãy bỏ kỳ vọng rằng bạn làm mọi thứ ngay bây giờ, và những gì bạn làm phải dễ dàng và thoải mái.
- Làm nhiệm vụ. Hãy bỏ qua những kỳ vọng về sự thoải mái, hoặc mong rằng bạn thành công trong việc này và người khác không đánh giá bạn. Hãy cứ làm và tìm niềm vui khi làm.
- Kiên nhẫn với mục tiêu. Nếu bạn bị gián đoạn một việc nào đó trong danh sách, chỉ cần quay lại hoàn tất sau khi đã giải quyết các nhiệm vụ khác.
- Khi bạn đã hoàn tất một việc, hãy chọn việc khác khác. Hãy bỏ qua kỳ vọng hoàn thành mọi việc ngay lập tức. Tất cả cần được giải quyết từ từ.
Hãy kiên nhẫn với mục tiêu và chậm rãi thực hiện – đó cũng là một kỳ vọng, nhưng giúp bạn dễ thở hơn nhiều
Chúng tôi không ủng hộ làm việc quá sức đến kiệt sức. Nhưng điều đó không có nghĩa bạn chẳng nên làm bất cứ điều gì khi không có cảm hứng. Hãy nghỉ ngơi khi bạn cần, nhưng đừng để bản thân sa sút chỉ vì bạn cảm thấy không hứng thú.
Tính kỷ luật khi xây dựng thói quen nhất quán: Giả sử bạn muốn có những thói quen nhất quán hơn, điều gì sẽ phá vỡ sự kiên định với thói quen này?
Đây là một số lý do thường gặp:
- Không tạo khoảng trống cho nó trong ngày (mong đợi mọi thứ đến dễ dàng mà không hoàn toàn cam kết với nó).
- Không tận hưởng thói quen (mong mọi thứ trở nên thoải mái và vui vẻ).
- Không làm tốt như bạn đã hy vọng và nản chí (mong đợi rằng bạn sẽ thật giỏi).
- Bỏ lỡ một vài ngày và nản lòng (kỳ vọng rằng bạn hoàn toàn kiên định).
- Từ chối thực hiện nó khi bạn có việc khác phải làm (kỳ vọng rằng bạn không phải hy sinh điều gì khác để thực hiện thói quen này).
Đừng vội nản lòng chỉ vì bạn chưa thể làm tốt như bạn kỳ vọng
Bạn có thể xây dựng tính kỷ luật trong việc hình thành các thói quen bằng cách:
- Dành thời gian: Hãy cam kết thực hiện thói quen này trong thời gian đó.
- Thực hiện thói quen: Để ý xem bạn có cảm thấy điều gì cản trở hay không và cứ kiên định.
- Bạn thậm chí có thể tận hưởng thói quen và tìm thấy niềm vui khi thực hiện nó, nếu bạn từ bỏ kỳ vọng về sự cầu toàn.
- Làm điều đó vào ngày hôm sau, cứ như thế.
- Nếu bạn bỏ lỡ một ngày, chỉ cần bắt đầu lại, từ bỏ những kỳ vọng về bản thân.
Nếu bạn đang phải vật lộn với cảm giác mệt mỏi và không muốn làm điều gì đó, thì điều này là do sự kỳ vọng rằng bạn sẽ không mệt mỏi và không phải làm những việc bạn không thích. Hãy buông bỏ điều đó nhé!
Càng muốn lên cao, bạn càng phải đi chậm. Sự kỳ vọng thường thôi thúc chúng ta nhanh chóng về đích, và đó là lý do chúng ta kiệt sức
Bạn sẽ nhận thấy rằng không điều gì đảm bảo rằng thực hiện nhiệm vụ hoặc thói quen sẽ dễ dàng, thoải mái, không sợ hãi hoặc mệt mỏi. Trên thực tế, có nhiều khả năng những kẻ phá bĩnh này sẽ đến với bạn ngay lập tức, khi bạn thực hiện nhiệm vụ hoặc thói quen. Điều đó không sao, thực tại vốn thế. Vì vậy, hãy đặt xuống gánh nặng kỳ vọng ngàn cân, quay về những gì đang xảy ra tại thời điểm này và tiếp tục với nó.
Quả thật, đường đến thành công luôn có nhiều cam go, và chuẩn bị hành trang đúng đắn là điều rất quan trọng. Bạn cần động lực, sau đó là sự chăm chỉ, kiên trì, kỷ luật. đừng để những kỳ vọng ghì bạn lại. Đừng áp lực về đích đến, vì bạn có thể luôn tận hưởng con đường, và đó là một trải nghiệm rất đáng giá.
Hãy tận hưởng con đường, thay vì đích đến
Nguồn tham khảo
The Simplicity of Discipline: Thriving Without the Baggage of Expectations https://zenhabits.net/simple-discipline/ Ngày truy cập: 1/8/2020