Những bài tập thể dục phù hợp với từng giai đoạn của chứng mất trí nhớ
Hoạt động thể chất dù trong bất kể giai đoạn nào của chứng mất trí nhớ đều có lợi cho những người đang phải sống chung với căn bệnh này.
Mức độ khó khăn thực hiện các hoạt động thể chất khác nhau ở từng cấp độ của chứng mất trí nhớ cũng như từng bệnh nhân. Những người đang ở giai đoạn đầu của căn bệnh này có thể sẽ không gặp bất kỳ khó khăn nào khi thực hiện tập thể dục thể thao. Tuy nhiên, đến những giai đoạn sau đó, việc tập luyện cần sự giám sát và hỗ trợ đồng thời mức độ tập luyện cũng cần giảm xuống để phù hợp với thể trạng của bệnh nhân. Dưới đây là một số bài tập dành cho những người đang vật lộn với căn bệnh mất trí nhớ trong từng giai đoạn.
Tập thể dục ở giai đoạn đầu và giữa của chứng mất trí nhớ
Mức độ tập luyện phù hợp
Lượng hoạt động thích hợp trong giai đoạn đầu đến giữa của bệnh mất trí nhớ là bao nhiêu? Không có câu trả lời chắc chắn cho câu hỏi này và mức độ phù hợp sẽ khác nhau ở mỗi người. Bộ Y tế khuyến nghị nên thực hiện 150 phút hoạt động thể chất với cường độ vừa phải mỗi tuần. Điều này tương đương với khoảng 30 phút tập luyện mỗi ngày. Điều này có thể được chia thành các phiên ngắn hơn trong ngày với thời lượng 10 phút mỗi lần. Ví dụ như 15 phút đi bộ xung quanh khu sinh sống, sau đó làm việc nhà hoặc làm vườn.
Loại bài tập nào phù hợp
Dưới đây là một số ví dụ về các bài tập mà bệnh nhân có thể thực hiện.
Làm vườn
Làm vườn là một hoạt động thể chất mang lại cơ hội được ở ngoài trời và được nhiều người yêu thích. Mức độ hoạt động có thể thay đổi để phù hợp với khả năng của từng người. Nó bao gồm những công việc cần ít sức lực như làm cỏ hoặc cắt tỉa, hoặc hoạt động mạnh hơn như cào hay cắt cỏ. Những hoạt động này có thể giúp tăng cường cơ bắp của cơ thể và cải thiện hơi thở. Làm vườn có thể là một hoạt động thú vị phù hợp với mọi người ở tất cả các cấp độ của chứng mất trí nhớ.
Chơi bowling trong nhà
Một số bệnh nhân mất trí nhớ có thể vẫn giữ kỹ năng chơi bowling của mình hoặc tiếp tục tham gia các trò chơi khác với bóng.
Nhảy
Nhảy có thể bao gồm từ kiểu khiêu vũ tea dance, khiêu vũ đôi hoặc nhảy nhóm đến khiêu vũ với ruy băng, bóng bay hoặc bóng. Khiêu vũ cũng có thể được thực hiện trong tư thế ngồi. Đây là một hoạt động cộng đồng và là cách thú vị kích thích việc tham gia hoạt động tập thể dục. Nó có thể giúp tăng cường sức mạnh, sự dẻo dai. Điều này giúp cơ thể bệnh nhân cải thiện những biến chứng của mất trí nhớ như mất cân bằng, chậm chạp và căng thẳng.
Bài tập ngồi
Những người mắc chứng mất trí nhớ có lợi từ thói quen thực hiện các bài tập ngồi trong nhà hoặc với nhóm trong lớp học. Bài tập có thể được chỉ dạy bởi người hướng dẫn hoặc được tìm kiếm online. Những bài tập này nhằm mục đích xây dựng hoặc duy trì sức mạnh và sự cân bằng của cơ bắp, và thường ít khó khăn hơn so với những bài tập ở tư thế đứng. Một số ví dụ về bài tập ngồi:
- Ngồi dậm chân như diễu hành
- Xoay thân trên
- Nâng gót chân
- Giơ tay hướng lên trần nhà
- Nâng chân và tay trái nhau (Ví dụ nâng chân phải và tay trái rồi ngược lại)
- Vỗ tay dưới chân
- Thực hiện tư thế đạp xe
- Xoay cánh tay
- Tập chuyển từ tư thế ngồi sang đứng
Bơi lội
Bơi lội dưới sự giám sát là một hoạt động tốt cho những người bị suy nhược não bộ. Nhiều người tìm thấy cảm giác êm dịu và nhẹ nhàng dưới nước. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng bơi lội có thể cải thiện sự cân bằng và giảm nguy cơ bị ngã ở người cao tuổi.
Thái cực quyền
Thái cực quyền và luyện công là những hình thức võ thuật nhẹ nhàng của Trung Quốc kết hợp với các động tác đơn giản và thiền định nhằm mục đích cải thiện sức khỏe và sự cân bằng. Các động tác tập trung vào một chuỗi bài tập tích hợp. Những hình thức tập thể dục này chú trọng sự cân bằng và ổn định. Điều này giúp cơ thể bạn di chuyển nhanh nhẹn và tránh trường hợp bị té ngã.
Đi bộ
Đi bộ phù hợp với tất cả các trường hợp. Nó không yêu cầu bất cứ thiết bị chuyên dụng nào và có thể thực hiện ở bất kỳ đâu. Khoảng cách và thời gian có thể thay đổi phù hợp với mức độ thể lực.
Tập thể dục ở giai đoạn cuối của chứng mất trí nhớ
Mức độ tập luyện phù hợp
Câu trả lời về mức độ phù hợp không thể chắc chắn vì nó khác nhau với mỗi người. Bệnh nhân ở giai đoạn cuối của chứng mất trí nhớ nên được khuyến khích di chuyển thường xuyên và thay đổi ghế, ví dụ như di chuyển để uống nước hoặc ăn. Cũng có thể để bệnh nhân ngồi mà không có sự hỗ trợ nhưng vẫn phải giám sát thường xuyên. Thói quen hàng ngày như di chuyển xung quanh nhà cũng có thể giúp duy trì sức mạnh cơ bắp và sự linh hoạt của các khớp.
Các bài tập nên thực hiện trong giai đoạn này
- Khi thức dậy hoặc đi ngủ, hãy men dọc theo mép giường ở tư thế ngồi. Điều này giúp vận động các cơ cần thiết cho việc đứng dậy khỏi ghế.
- Giữ thăng bằng trong tư thế đứng. Điều này có thể được thực hiện với sự hỗ trợ nếu cần thiết. Bài tập này nhằm cải thiện sự cân bằng và tư thế đồng thời hình thành một phần của hoạt động thường ngày như khi tắm hoặc giặt giũ.
- Ngồi mà không có sự hỗ trợ trong vài phút mỗi ngày. Bài tập này giúp tăng cường cơ bụng và cơ lưng được sử dụng để hỗ trợ tư thế thẳng đứng và cân bằng. Hoạt động này phải được thực hiện có sự giám sát vì có nguy cơ bệnh nhân bị ngã.
- Nằm phẳng trên giường trong 20-30 phút mỗi ngày. Cố gắng giảm khoảng cách giữa độ cong của lưng và nệm. Điều này cho phép giãn cơ, tăng cường cơ bụng và cho cơ cổ cơ hội thư giãn.
- Đứng lên và di chuyển thường xuyên. Điều này giúp cơ bắp chân chắc khỏe và giữ thăng bằng tốt hơn.
Hy vọng bài viết trên đây giúp được chính bạn, người thân hay bệnh nhân của bạn. Để hiểu rõ hơn về lộ trình tập luyện, bạn đọc đừng vội bỏ qua trải nghiệm tuyệt vời tại ứng dụng LEEP.APP nhé.
Nguồn tham khảo
Exercise in the early to middle stages of dementia https://www.alzheimers.org.uk/get-support/daily-living/exercise/early-middle-dementia Ngày truy cập: 6/8/2020
Exercise in the later stages of dementia https://www.alzheimers.org.uk/get-support/daily-living/exercise-later-stages Ngày truy cập: 6/8/2020