Glutamine là gì và những lợi ích khi dùng

Glutamine là gì và những lợi ích khi dùng

Glutamine vừa có thể được cơ thể tự sản xuất, vừa có trong nhiều loại thức ăn. Bạn muốn biết liệu mình có cần tăng hấp thu glutamine cho cơ thể khỏe mạnh? Bài viết này sẽ giải đáp các thắc mắc về tầm quan trọng, lợi ích và cách sử dụng thực phẩm bổ sung có chứa glutamine.

Glutamine là một axít amin giữ nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể. Axít amin như những viên gạch tổng hợp nên protein.

Protein rất quan trọng đối với các cơ quan. Chúng cũng phục vụ các chức năng khác, chẳng hạn như vận chuyển các chất trong máu và chống lại vi rút, vi khuẩn có hại.

Glutamine và l-glutamine khác nhau như thế nào?

Giống như nhiều axít amin khác, glutamine tồn tại dưới hai dạng khác nhau: l-glutamine và d-glutamine. Chúng gần như giống hệt nhau nhưng có sự sắp xếp phân tử hơi khác nhau.

Dạng glutamine tồn tại trong thực phẩm là l-glutamine. Một số thực phẩm bổ sung ghi trên nhãn là l-glutamine, nhưng một số khác chỉ sử dụng thuật ngữ glutamine.

Trong khi l-glutamine được sử dụng để tạo ra protein và thực hiện các chức năng khác, d-glutamine dường như không quan trọng đối với các sinh vật sống.

L-glutamine có thể được sản xuất một cách tự nhiên trong cơ thể. Đây là axít amin dồi dào nhất trong máu và các chất dịch cơ thể khác. Tuy nhiên, có những lúc nhu cầu của cơ thể bạn lớn hơn khả năng tự sản xuất nó.

Do đó, glutamine được xem là một axít amin thiết yếu có điều kiện, nghĩa là nó phải được bổ sung từ chế độ ăn uống trong một số trường hợp, chẳng hạn như chấn thương hoặc bệnh tật.

Chất này cũng là một phân tử quan trọng đối với hệ miễn dịch và sức khỏe hệ tiêu hóa.

Glutamine có trong nhiều loại thực phẩm

Glutamine có trong nhiều loại thực phẩm

Thịt bò là nguồn cung cấp glutamine tự nhiên dồi dào với 1,2g trong 100g thịt

Glutamine tự nhiên được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm. Người ta đã ước tính rằng, một chế độ ăn điển hình chứa 3 – 6g mỗi ngày. Con số này còn tùy theo chế độ ăn uống cụ thể của bạn.

Lượng glutamine lớn nhất được tìm thấy trong các sản phẩm từ động vật do hàm lượng protein cao. Tuy nhiên, một số protein có nguồn gốc thực vật có tỷ lệ phần trăm glutamine còn lớn hơn protein động vật.

Một nghiên cứu đã sử dụng các kỹ thuật phòng thí nghiệm tiên tiến để xác định hàm lượng l-glutamine trong các loại thực phẩm khác nhau.

Sau đây là tỷ lệ protein được tạo thành từ l-glutamine trong mỗi thực phẩm:

  • Trứng: 4,4% (0,6g trong 100g trứng)
  • Thịt bò: 4,8% (1,2g trong 100g thịt bò)
  • Sữa tách béo: 8,1% (0,3g trong 100g sữa)
  • Đậu phụ: 9,1% (0,6g trong 100g đậu phụ)
  • Gạo trắng: 11,1% (0,3g trong 100g gạo)
  • Ngô: 16,2% (0,4g trong 100g ngô)

Mặc dù một số nguồn thực vật, chẳng hạn như gạo trắng và ngô, có một tỷ lệ lớn protein được tạo thành từ glutamine, nhưng xét về tổng thể, chúng có hàm lượng protein khá thấp. Do đó, cách đơn giản nhất để nạp axít amin này là từ thịt và các sản phẩm từ động vật khác.

Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa xác minh hàm lượng glutamine chính xác trong nhiều loại thực phẩm cụ thể. Vì đây là một phần cần thiết của protein, nên hầu như bất kỳ thực phẩm nào có chứa protein đều chứa một lượng glutamine nhất định.

Do đó, tập trung vào việc đảm bảo đủ protein trong chế độ ăn uống tổng thể của bạn là một cách dễ dàng để có lượng glutamine dồi dào.

Glutamine quan trọng đối với hệ miễn dịch

Một trong những chức năng quan trọng nhất của glutamine là vai trò của nó trong hệ miễn dịch. Đây là một nguồn nhiên liệu quan trọng cho các tế bào miễn dịch, bao gồm các tế bào bạch cầu và một số tế bào ruột.

Tuy nhiên, nồng độ chất này trong máu có thể giảm khi cơ thể bị chấn thương nặng, bỏng hoặc trải qua phẫu thuật.

Nếu cần nhiều glutamine hơn khả năng sản xuất, cơ thể bạn có thể “mở cửa” các kho protein, chẳng hạn như cơ bắp, để giải phóng nhiều axít amin này. Ngoài ra, chức năng của hệ miễn dịch có thể bị tổn hại khi không đủ lượng glutamine.

Vì những lý do đó, bác sĩ thường khuyến cáo một chế độ ăn giàu protein, hoặc sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung sau những chấn thương lớn, chẳng hạn như bỏng.

Các nghiên cứu cũng đã báo cáo rằng, bổ sung axít amin này có thể cải thiện sức khỏe, giảm nhiễm trùng và giúp rút ngắn thời gian nằm viện sau phẫu thuật.

Hơn nữa, glutamine cũng đã được chứng minh có thể cải thiện khả năng sống sót và giúp những bệnh nhân nguy kịch phục hồi nhanh, do đó giảm chi phí y tế. Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng, bổ sung chất này cũng có thể cải thiện chức năng miễn dịch ở động vật bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus.

Tuy nhiên, chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng về cho lợi ích của việc bổ sung glutamine cho người trưởng thành khỏe mạnh, vì nhu cầu của nhóm người này có thể được đáp ứng thông qua chế độ ăn uống và khả năng sản xuất tự nhiên của cơ thể.

Đối với các thực phẩm chức năng nói chung, tác dụng của chất này thường được phóng đại và khó chứng minh bằng khoa học.

Glutamine quan trọng đối với hệ miễn dịch

Bạn nên cân nhắc khi sử dụng thực phẩm bổ sung ngoài nguồn cung cấp từ thực phẩm

Vai trò đối với hệ tiêu hóa

Lợi ích của glutamine với hệ miễn dịch có liên hệ với vai trò của chất này trong hệ tiêu hóa.

Trong cơ thể người, ruột được xem là phần lớn nhất của hệ miễn dịch. Điều này là do nhiều tế bào ruột có chức năng miễn dịch, cùng với hàng nghìn tỷ vi khuẩn sống trong ruột, góp phần vào hệ miễn dịch của bạn.

Glutamine là một nguồn năng lượng quan trọng cho các tế bào ruột và miễn dịch. Nó cũng giúp duy trì lớp rào chắn giữa bên trong ruột và phần còn lại của cơ thể, do đó bảo vệ khỏi hội chứng “ruột rò rỉ”, ngăn vi khuẩn hoặc độc tố có hại di chuyển từ ruột của bạn vào các cơ quan khác của cơ thể.

Ngoài ra, glutamine giúp cho sự tăng trưởng của các tế bào ruột. Do vai trò thiết yếu của ruột trong hệ miễn dịch, glutamine gián tiếp bảo vệ cho hệ miễn dịch tổng thể bằng cách hỗ trợ các tế bào ruột.

Vai trò đối với cơ bắp và thành tích thể thao

Vai trò đối với cơ bắp và thành tích thể thao

Glutamine cũng được sử dụng để tăng cường hệ miễn dịch của các vận động viên

Do glutamine có vai trò cấu thành protein, một số nhà nghiên cứu đã kiểm tra xem dùng chất này trong thực phẩm bổ sung có giúp cải thiện hiệu quả tăng cơ và thành tích thể dục thể thao hay không.

Trong một nghiên cứu trên 31 người tập tạ, cả nhóm dùng glutamine trong 6 tuần lẫn nhóm không dùng đều tăng lượng cơ như nhau. Một vài nghiên cứu khác cũng cho kết quả tương tự.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã báo cáo rằng, bổ sung chất này có thể làm giảm đau nhức cơ bắp và cải thiện phục hồi sau khi tập thể dục cường độ cao.

Cụ thể, một nghiên cứu cho thấy, glutamine hoặc axít amin này cộng với carbohydrate có thể giúp giảm chất gây mệt mỏi trong máu trong hai giờ chạy bộ.

Glutamine cũng đã được sử dụng để tăng cường hệ miễn dịch của các vận động viên, nhưng hiệu quả không nhất quán. 

Tóm lại, không có bằng chứng cho thấy các chất bổ sung này có lợi ích cho việc tăng cơ hoặc sức mạnh. Glutamine góp phần hỗ trợ hạn chế cho các hiệu ứng khác, nhưng cần nhiều nghiên cứu hơn để khẳng định.

Cũng cần lưu ý rằng, các vận động viên thường xuyên ăn nhiều chất đạm, nghĩa là họ có thể tiêu thụ một lượng lớn glutamine ngay cả khi không dùng thực phẩm chức năng hay thực phẩm bổ sung.

Tác dụng phụ của hóa trị

Một số nghiên cứu cho rằng, l-glutamine có thể hữu ích trong việc giảm bớt một số tác dụng phụ về da liễu của phương pháp trị liệu ung thư.

Theo một nghiên cứu năm 2017 về Ung thư phân tử và lâm sàng, l-glutamine làm giảm tỷ lệ mắc và mức độ nghiêm trọng của viêm da (viêm da do điều trị) ở những người trải qua hóa trị hoặc xạ trị.

Trong số 50 người được tuyển dụng cho nghiên cứu này, những người được cung cấp 10mg l-glutamine 3 lần mỗi ngày ít bị viêm da hơn so với những người được cung cấp giả dược. Tuy nhiên, chất bổ sung này không thể làm gì để thay đổi mức độ đau của người bệnh trong quá trình điều trị.

Hơn nữa, tỷ lệ viêm niêm mạc (viêm đường tiêu hóa, bao gồm cả miệng) không thay đổi nhờ chất này như trước nay người ta vẫn đặt nghi vấn.

Một nghiên cứu năm 2007 về Bệnh đại trực tràng cho thấy, l-glutamine làm giảm các biến chứng sau phẫu thuật và giảm thời gian nằm viện ở những người đã trải qua phẫu thuật ung thư đại trực tràng.

Chúng ta cần có thêm nhiều nghiên cứu khác để xác định ứng dụng thích hợp của chất này trong điều trị ung thư.

Liều dùng, mức độ an toàn và tác dụng phụ

Vì glutamine là một axít amin được sản xuất tự nhiên trong cơ thể và được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm, không có gì đáng lo ngại khi bạn dùng một lượng bình thường.

Người ta đã ước tính rằng, một chế độ ăn điển hình có thể chứa 3 – 6g mỗi ngày, mặc dù con số này còn tùy theo loại và lượng thực phẩm tiêu thụ.

Các nghiên cứu về chất bổ sung glutamine bao gồm nhiều liều lượng khác nhau, từ khoảng 5g mỗi ngày cho đến liều cao khoảng 45g mỗi ngày trong 6 tuần.

Mặc dù không có báo cáo nào về tác dụng phụ tiêu cực đối với liều cao này, các dấu hiệu an toàn cho máu không được phân tích cụ thể.

Các nghiên cứu khác báo cáo rằng, việc bổ sung ngắn hạn lên đến 14g mỗi ngày hầu như không có tác hại gì. Tuy nhiên, một số nhà khoa học lo ngại về việc bổ sung dài hạn.

Thêm glutamine vào chế độ ăn uống thông thường có thể gây ra nhiều thay đổi trong cách cơ thể hấp thụ và xử lý axít amin. Tuy nhiên, những tác động lâu dài của những thay đổi này vẫn chưa được biết rõ. Do đó, cần thêm thông tin liên quan đến việc bổ sung lâu dài, đặc biệt khi sử dụng liều cao.

Nếu bạn ăn chế độ ăn giàu protein từ động vật thì việc bổ sung glutamine có thể không có tác dụng thêm nhiều, so với khi bạn ăn chế độ ăn ít chất đạm từ thực vật.

Nếu bạn thực hiện chế độ ăn kiêng dựa trên thực vật với hàm lượng glutamine thấp, bạn có thể dùng thêm thực phẩm chức năng bổ sung.

Liều dùng, mức độ an toàn khi bổ sung Glutamine và tác dụng phụ

Người ăn chay có thể bổ sung glutamine tự nhiên từ củ cải đường (beetroot)

Nếu bạn quyết định dùng sản phẩm bổ sung glutamine, có lẽ tốt nhất là bắt đầu với một liều khoảng 5g mỗi ngày. Nếu ăn chay, bạn có thể dùng glutamine từ rau củ lên men (thường là củ cải đường).

Có bằng chứng, mặc dù chưa thực sự rõ ràng, rằng các chất bổ sung l-glutamine có thể gây co giật ở những người dùng thuốc chống co giật. Vì chất này được chuyển hóa ở gan, nên có thể cần tránh ở những người bị bệnh gan nặng.

Do thiếu nghiên cứu về an toàn, tốt nhất nên tránh dùng l-glutamine khi mang thai hoặc khi cho con bú. Mặc dù chất này đã được sử dụng an toàn trên trẻ em, nhưng chỉ dùng khi được kê toa dưới sự giám sát của bác sĩ Nhi khoa.

Nguồn tham khảo

Glutamine: Benefits, Uses and Side Effects https://www.healthline.com/nutrition/glutamine Ngày truy cập: 15/3/2020

Health Benefits of L-Glutamine https://www.verywellfit.com/l-glutamine-89469 Ngày truy cập: 15/3/2020