Lội suối ngắm thảo nguyên xanh ở Tà Giang đẹp ngút ngàn

Author picture

Lội suối ngắm thảo nguyên xanh ở Tà Giang đẹp ngút ngàn

Chắc hẳn bạn đã nghe bài hát Cây đàn Chapi của nhạc sĩ Trần Tiến và qua tiếng hát đầy nội lực của cố nghệ sĩ nhân dân Y Moan. Hình ảnh về ngọn núi cao, căn nhà sàn, đàn dê trắng, tiếng đàn Chapi vang lên góp thành một khung cảnh yên bình nhưng lại tràn ngập tình yêu của hai người. Khung cảnh đó chính là thảo nguyên Tà Giang do nhạc sĩ Trần Tiến đã ghé đến đây vào năm 1993.

Tà Giang thuộc địa phận hành chính của xã Thành Sơn, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa, cách Cam Ranh khoảng 55km. Nơi đây là quê hương của đồng bào dân tộc Raglai, nơi người đồng bào theo chế độ mẫu hệ. Ngoài những hòn đảo xinh đẹp, bãi biển êm đềm, cát trắng mịn, Tà Giang đã góp thêm một sắc thái khác cho du khách khi đến với tỉnh Khánh Hòa khám phá.

Cung trek này còn rất hoang sơ, chạy dọc dòng sông Khế (hoặc tên khác là suối Hàm Leo), dài khoảng 23km, chưa có nhiều người đến, đường đi trek khá nhiều lùm cây, bãi đá, suối nước trong vắt, đồi cỏ tranh thơ mộng. Tất cả đã tạo thành vẻ đẹp mà sau chặng đường chinh phục Tà Giang, bạn sẽ nhớ mãi khoảnh khắc tuyệt vời nơi thảo nguyên xanh này.

Tại sao gọi là thảo nguyên xanh ở Tà Giang? Vì đây là một đồng bằng gần như không có cây gỗ và chỉ có cỏ tranh thấp.

Hành trình đến với Tà Giang

Tối ngày 1

Bạn có thể bắt đầu xuất phát đi Tà Giang, Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa.

Ngày 2

5 giờ sáng xe di chuyển đến Khánh Sơn, bạn sẽ vào vệ sinh cá nhân và ăn sáng các món như bún bò/phở bò và cà phê. Sau đó, lên xe trung chuyển đến bìa rừng. Đường đi là đường đèo Khánh Sơn nối liền Ninh Thuận và Khánh Hòa. Đường đèo không được khai thác vận tải nên khá nhỏ. Sáng sớm, đi trên con đường này bạn sẽ bắt gặp ánh nắng len lỏi vào làn sương mù dày đặt, cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Trên xe bạn cũng thấy được dòng suối và bãi đá

7 giờ xe đến chân núi. Bạn sẽ được nhận 1 chai nước 1,5 lít nhưng nhớ giữ lại để có thể re-fill thêm nước tại bãi cắm trại. Bạn sẽ kiểm tra lại hành lý lần nữa. Cuộc hành trình trekking khám phá Tà Giang bắt đầu.

Đoạn đầu tiên bạn sẽ đi qua nương rẫy, khu rừng trồng chuối của người dân Raglai. Ngoại trừ những đoạn không có đường phải đi sát vách vượt qua suối, con đường khá trơn trượt, phần còn lại con đường cũng dễ đi. Tiếp theo, bạn băng qua đường đá và lội qua con suối từ dòng sông Khế. Vào mùa khô, con suối lộ ra bãi đá rất dễ đi, còn mùa mưa nước lên cao chảy siết sẽ không thể đi được.

vách đá ở Tà Giang

Đoạn mà bạn phải đi sát vách đá vượt qua suối

bãi đá cuội ở Tà Giang

Bãi đá cuội

dòng sông khế

Dòng sông Khế nước trong vắt

băng rừng Tà Giang

Tà Giang

Đến trưa, đoàn dừng chân nghỉ ngơi, ăn trưa với các món như cơm nắm trứng chiên, chả lụa, rau luộc tại bờ suối khoảng 1 giờ. Bạn sẽ chưa vội tắm suối vì hoạt động này sẽ dành lại cho ngày hôm sau.

cây Signature

Cây cô đơn bị sét đánh cháy một nửa, người ta cứ nghĩ là nó sẽ chết nhưng không nó vẫn sừng sững vươn lên và đâm chồi nẩy lộc

Đến chiều đoàn đến bãi cắm trại. Thật ra, đó là một ngôi nhà gỗ ngay giữa thảo nguyên xanh nhưng khá “tiện nghi” với đầy đủ nước sinh hoạt. Tất cả sinh hoạt đều dùng nước suối được các anh Raglai bắt ống nước dẫn từ suối thượng nguồn đổ về, chảy liên tục quanh năm, nước rất trong và mát, được dùng để nấu ăn, sinh hoạt, tắm rửa (có nhà tắm vòi hoa sen, và nhà vệ sinh tự hoại dội nước tại bãi cắm – điều mà gần như tất cả các cung trek khác đều không có).

Mọi người cùng nhau dựng lều, tắm rửa, vệ sinh cá nhân. Xung quanh đều là núi non trùng điệp bao phủ. 6 giờ tối, mọi người cùng nhau chuẩn bị và thưởng thức tiệc nướng BBQ theo phong cách núi rừng (gà, heo, xúc xích, rau củ, bánh mì, cháo gà, trái cây), ngắm hoàng hôn, trò chuyện và hòa vào tiếng đàn guitar mộc mạc vang lên giữa thiên nhiên rộng lớn với các anh Raglai cùng những người bạn đồng hành thật vui.

Khi đêm đã khuya và mọi người đều thấm mệt, tất cả trở về lều để nghỉ ngơi. Lều ở đây được sử dụng đạt tiêu chuẩn châu Âu, chống mưa gió tốt vì buổi tối ở trên cao gió thổi lồng lộng dễ làm cho nhiều người cảm thấy lạnh.

thịt nướng

Đây là cách nướng thịt ở rừng. Miếng thịt nướng chuyển sang màu cánh gián, mùi thơm lừng làm nhiều người cũng khó kìm lòng sau một ngày di chuyển nhiều

Ngày 3

Buổi sáng thức dậy bạn sẽ được thưởng thức bản hòa ca của những tiếng chim hót líu lo vang khắp núi rừng. Sau một giấc ngủ sâu và ngon, tinh thần bạn trở nên sảng khoái, khỏe khoắn hơn. Bạn tiếp tục chìm đắm trong quang cảnh núi rừng hùng vĩ vào buổi sáng, đón cảnh mặt trời dần dần lên cao với một cốc trà nóng nhâm nhi trên tay. Bữa sáng bạn sẽ được chiêu đãi món nui hầm xương đầy sắc màu với màu vàng óng của bắp, màu cam của cà rốt và các loại rau xanh…

cầu vồng vào buổi sáng

Sau cơn mưa nhẹ vào buổi sáng, bất chợt cầu vồng xuất hiện, một khoảnh khắc rất ít gặp khi ở trong rừng

bãi cắm trại

Lều cắm trại, nơi để bạn có thể trải qua một đêm ngon  giấc 

Ăn nui buổi sáng

Món nui hầm xương ăn sáng đã được chuẩn bị sẵn sàng, múc trao cho các thực khách 

Khi đã nạp đủ năng lượng, đoàn sẽ thu dọn hành lý và trek trở về lại điểm xuất phát ban đầu. Đến đoạn suối mà đoàn đã gặp hôm qua, đoàn dừng chân nghỉ trưa tại bờ suối. Bạn sẽ được trải nghiệm tắm suối và đánh lưới bắt cá ngay tại dòng suối này và phần thưởng sẽ là món cá suối nướng và cá suối nấu canh chua rau rừng do chính tay bạn bắt được. Sau khi ăn uống no nê và quẩy suối, bạn tiếp tục hành trình trở về. Đến điểm tập kết, bạn sẽ được tắm rửa, ăn tối và nghỉ ngơi ngắn trước khi lên xe trở lại TP. HCM và kết thúc hành trình đến Tà Giang.

Tắm suối

Tắm suối dưới dòng nước mát lạnh, trong vắt mang lại cảm giác sảng khoái và thích thú cho bạn

Tắm suối

cá suối

Cá suối bạn bắt được sẽ làm bữa trưa đảm bảo tươi ngon 

đoàn đi xuống

Để đi trekking đến Tà Giang bạn cần chuẩn bị gì?

Thể lực

Các bạn nên tập chạy bộ, leo cầu thang, squat trước khi đi 1 – 2 tuần, mỗi lần khoảng 30 phút. Tour đòi hỏi thể lực, sức khoẻ tốt. Bạn nào có tiền sử về tim mạch/huyết áp hay bị sốt, đang mang thai hay có các vấn đề về sức khoẻ sẽ không được không tham gia.

>>> Xem thêm: Các bài tập rèn luyện thể lực để chuẩn bị đi trekking

Thời điểm đi thích hợp

Khoảng tháng 9 – 11 là mùa mưa nước suối cao. Do đó, để đảm bảo an toàn, bạn có thể đi Tà Giang từ tháng 1 – 9 hàng năm.

Đồ đạc mang theo

  • Quần dài thể thao khi trek, đồ để thay và tắm suối, 2 – 3 đôi tất cổ cao, 1 áo khoác dày do buổi tối có thể hơi lạnh, 1 đôi dép để đi lại ở khu cắm trại (nên mang dép tổ ong, vì lỡ giày bị đứt thì bạn có thể thay thế bằng dép này).
  • 1 bộ đồ để thay vào chiều ngày cuối cùng trước khi lên xe về Sài Gòn (bộ đồ này có thể gởi lại cho hướng dẫn viên ở ngày đầu trước khi vào rừng, không cần mang theo đi trek).
  • Giày có đế bám, thoát nước nhanh, mau khô hoặc giày sandal để lội suối (giày thể thao cũng được, miễn đế bám, không mang giày cũ đã lâu chưa mang ra đi trek) và ba lô có đai trợ lực.
  • Đồ cá nhân: mắt kính, nón & khăn chống nắng, kem chống nắng, sạc dự phòng, đồ vệ sinh cá nhân, thuốc cá nhân
  • Nếu bạn hay đau khớp thì nên mang theo băng bó cổ chân/gối
  • Thức ăn: snack hoặc thanh năng lượng giúp cung cấp năng lượng tức thời cho cơ thể lúc đang trekking
  • Áo mưa

Chú ý: Trong chuyến đi, đường đi gồ ghề, nhiều sỏi đá, lội suối, nhưng ít dốc, không có sóng điện thoại trong suốt cung trek.

Bạn có thể  xem thêm một số hình ảnh ở Tà Giang ở video dưới đây.

 

  • Ảnh: Công Ty TNHH Du Lịch Itrek cung cấp
  • Cảm ơn Công Ty TNHH Du Lịch Itrek đã cung cấp thông tin và hình ảnh để Leep thực hiện bài viết này.  
  • Để đăng ký đi tour 2 ngày 1 đêm cung đường Tà Giang, bạn có thể liên hệ với Công ty TNHH Du Lịch Itrek theo số hotline: 0352 999 959 – 0905 724 423.