Núi đá Chữ Thập, Đồng Nai: Điểm check-in mới dành cho giới trẻ yêu phượt

Author picture

Núi đá Chữ Thập, Đồng Nai: Điểm check-in mới dành cho giới trẻ yêu phượt

“Thanh xuân như một tách trà, làm mà không quẩy hết thời thanh xuân”. Trong cuộc sống, thỉnh thoảng đi phượt cùng bạn bè, cưỡi trên chiếc mô tô hầm hố là một cách để bạn thêm chút “gia vị” cho cuộc sống. Hãy cùng Leep xem Nguyễn Lê Song Văn, kỹ sư điện, TP. HCM kể lại hành trình đi phượt của mình cùng bạn bè để khám phá và chinh phục núi Chữ Thập với độ cao 150m như thế nào nhé.   

Núi đá Chữ Thập nằm ở ấp 7, xã Phú Điền, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Để đến được đây, chúng tôi xuất phát từ TP. HCM đi đại lộ Võ Văn Kiệt, ra đường Mai Chí Thọ, di chuyển theo hướng ra xa lộ Hà Nội, đi theo Quốc lộ 1A gặp 1 ngã 3 lớn rẽ trái vào đường DT 767.

Núi đá Chữ Thập

Núi đá Chữ Thập (chụp từ flycam) như một con voi nằm giữa cánh đồng lúa mới

Con đường đi đến núi đá Chữ Thập

Người bạn đi cùng tôi không may bị té xe, chúng tôi dừng lại kiểm tra tình trạng của chiếc xe và ghé vào lề đường để ăn trưa. Đoàn còn 2 người bạn tham gia nữa, họ sẽ đi sau và hội ngộ cùng chúng tôi tại điểm hẹn.

Theo con đường DT 767 khá dài ở Đồng Nai, 2 bên đường là những ruộng lúa bao la bát ngát, tôi đi ngang một cánh rừng bị cháy, băng qua ruộng chuối đến bè cá La Ngà.

bè cá la ngà

Nằm cách trung tâm TP. HCM khoảng 70km, bè cá La Ngà là một trong những địa điểm du lịch rất thú vị mà bạn nên ghé thăm. Vào những năm 1989 đến năm 1990, bà con Việt kiều từ Campuchia trở lại quê hương sinh sống, đã tập trung nhau sống tại dòng sông La Ngà và hình thành nên làng cá nổi tại đây. Đến nay, dọc dòng sông La Ngà đã có đến gần 200 hộ dân sinh sống với hơn 500 lồng bè nổi.

Chạy trên Quốc lộ 20, qua sông La Ngà, chúng tôi gặp Đá Ba Chồng, Định Quán. Lúc này, chúng tôi nhìn bên tay phải thấy cổng chào xã Phú Lợi (Km 116), rẽ phải vào và chạy thêm 8km là đến ngã 3 có Trạm xăng dầu Phú Hòa. Chạy thêm 4km nữa thấy cổng chào xã Phú Điền. Đi thẳng vào đó, chúng tôi đi quá lố, nhưng nhờ người dân sống gần đó rất nhiệt tình hướng dẫn.

Chạy hết đường nhựa sẽ tới đoạn đường đất, chúng tôi gửi xe ở tiệm tạp hóa ngoài đầu đường. Cô giữ xe không lấy tiền nên chúng tôi đã mua nước ủng hộ cô. Chúng tôi gặp được hai người bạn đồng hành còn lại cùng vác tất cả đồ đạc đi bộ khoảng 1km nữa mới tới nơi. Tuy nhiên, khung cảnh hai bên đường là cánh đồng lúa non xanh mượt mà, mùi lúa mới thoảng hương thơm ngát đã làm chúng tôi quên hết mệt nhọc khi phải vác nhiều đồ trên người như vậy.

Hành trình di chuyển đồ đạc lên trên núi đá

Đá Chữ Thập Đồng Nai còn được người dân địa phương gọi là đá Voi (đá Thánh Giá) vì hình dáng giống như một chú voi khồng lồ đang say ngủ giữa đồng ruộng. Từ đằng xa, chúng tôi thấy một tảng nguyên khối lớn hiện ra, màu xám và có những ngọn núi nhỏ xung xanh, nằm nổi bật giữa ruộng lúa xanh mướt.

con đường đến núi

Chúng tôi vừa vác đồ vừa tiến đến núi đá Chữ thập, đi từ từ lên dốc, rất mệt nên chúng tôi phải dừng lại nghỉ một chút. Chúng tôi cử ra một người leo lên khảo sát đường đi rồi tất cả từ từ di chuyển đồ đạc lên sau.

Vác đồ di chuyển từ từ lên núi

Chúng tôi hỗ trợ nhau thồ tất cả đồ mang theo lên núi

Cuối cùng, chúng tôi cũng lên được nơi để cắm trại cùng tất cả đồ đạc mang theo. Các anh em bắt đầu dựng lều, chuẩn bị bữa tối cùng nhau.

Cắm trại ban đêm trên núi Chữ Thập – Trải nghiệm có 1 – 0 – 2

Từ đằng xa, chúng tôi có cơ hội được ngắm cảnh hoàng hôn buông xuống. Chúng tôi tranh thủ bày lò ra để chuẩn bị món nướng. Mở 4 chiếc ghế gấp gọn, bàn ăn,  bắt đầu nhóm bếp than. Do ở trên cao nên gió thổi khá mạnh và lửa dễ bị tắt, chúng tôi phải lấy đồ để che chắn bớt gió.

cảnh hoàng hôn

Ở đây, mặt trời lặn rất nhanh, khoảng 6 giờ là trời đã sụp tối

Sau nhiều lần lửa tắt, chúng tôi cũng nhóm được bếp  thành công. Đặt những miếng thịt đã ướp sẵn lên vỉ nướng, mùi thịt nướng thơm lừng. Chúng tôi vừa đói vừa mệt, qua một ngày làm việc rất năng suất thì lúc này chúng tôi bắt đầu thưởng thức bữa tối của mình một cách ngon lành.

lò nướng

Dù là cắm trại trên núi cao, nhưng bữa tối của chúng tôi vẫn đầy đủ dinh dưỡng với các loại rau củ quả như xà lách, dưa leo, cà chua, chấm miếng thịt gà hay miếng ba rọi với nước sốt mè rang ngon tuyệt.

chuẩn bị bữa tối

Các anh em đang chuẩn bị bữa tiệc thịnh soạn cho bữa tối

bữa tối

Ăn sắp hết thịt, chúng tôi tiếp tục nướng khoai lang. Củ khoai có hình thù cũng khá lạ mắt mà hồi sáng tôi mua được ở chợ. Trong khung cảnh thiên nhiên buổi tối trời đen nghịt, chúng tôi phải dùng đèn bình mà mình mang theo để chiếu sáng.

Tôi nhìn lên bầu trời mong tìm được một vì sao lấp lánh, nhưng không thấy một ngôi sao nào vì bị mây che khuất, đành ngắm mặt trăng từ phía xa xa. Ăn no, chúng tôi vào lều ngủ. 

lều ngủ

Bốn anh em cùng ngủ trong chiếc lều ấm cúng vào buổi tối 

Săn bình minh và khám phá đỉnh núi

Sáng hôm sau, chúng tôi dậy thật sớm để đón những ánh bình minh đầu tiên ở đây. Ngồi ngắm mặt trời mọc, thấy mặt trời dần di chuyển lên chúng tôi cảm thấy rất thích thú. Chúng tôi rủ nhau di chuyển lên đến đỉnh núi cao hơn.

Chỗ chúng tôi cắm trại là ngay sườn dốc của núi chưa phải là nơi cao nhất. Chúng tôi dự định sẽ leo lên chỗ cao nhất để săn bình minh, rồi xuống ngồi chill uống cà phê, ăn sáng.

Thời tiết buổi sáng không lạnh lắm, chỉ vừa đủ mang đến không khí se se lạnh. Đường đi lên đỉnh núi vẫn khá dốc. Dù đi khá cực nhưng đây là một trải nghiệm rất tuyệt vời. Phóng tầm mắt từ trên cao xuống, tôi thấy được một hồ nước và đầm sen rất lớn ở phía dưới.

hồ nước

Trên sống lưng của núi đá vôi này không bằng phẳng mà nó tạo nên những hình thù lên xuống, tạo nên những lỗ hõm. Một số chỗ còn có cỏ mọc đầy. Khung cảnh ở đây rất yên bình, chúng tôi nhìn thấy những con hạc, con cò trắng bay lả lơi trên những cánh đồng lúa.

Kết thúc hành trình trở lại TP. HCM

Khi đi lên đã khó, đi xuống cũng không dễ dàng gì. Chúng tôi phải ngồi và di chuyển từ từ xuống. Khi trở lại nơi cắm trại, chúng tôi nấu nước để làm mì gói. Chúng tôi còn có xúc xích và trứng ốp la nữa. Ngồi ăn sáng giữa khung cảnh thiên nhiên cũng chill lắm. Sau đó, pha cà phê và chia đều vào các ly ăn mì được chúng tôi tận dụng lại.

nấu mì

Chúng tôi chọn món mì gói xúc xích cho bữa sáng để dễ dàng chế biến và tiện lợi 

Cà phê vị mì độc nhất vô nhị. Chúng tôi cụng ly cà phê cùng nhau cũng thật vui. Sau đó, nhìn ngắm cảnh lại lần nữa, rồi chúng tôi thu xếp đồ đạc lại gọn gàng. Chúng tôi không quên dọn dẹp sạch sẽ rác và quyết là chỉ để lại dấu chân chứ không để lại bất cứ gì ở núi hết.

Chưa chịu về, chúng tôi quyết định leo lên đỉnh núi một lần nữa. Lúc này, chỉ mới 8 giờ 30 mà trời rất nắng, tôi phải đội thêm nón rộng vành để bớt cái nắng chói chang rọi vào đầu mình.

Sau đó, chúng tôi xuống mặt đất, lại lội bộ đi theo con đường cũ lấy xe và quay trở lại TP. HCM. Tuy núi đá Chữ Thập không phải là một thắng cảnh lớn hay quá nổi tiếng nhưng tôi đã có một trải nghiệm thú vị ở đây cùng bạn bè. Tôi hào hứng đến mức hẹn các bạn đồng hành cùng mình trong những hành trình tiếp theo.

Những vật dụng cơ bản cần mang theo khi cắm trại trên núi

ràng hành lý

  1. Lều để ngủ, túi ngủ hoặc chiếu cách nhiệt
  2. Bếp nướng bằng than hoặc cồn
  3. Que diêm hoặc bật lửa, cồn khô, dao…
  4. Thức ăn: thịt gà, heo ướp sẵn, xà lách, cà chua, dưa leo, nước xốt mè rang để ăn chung với thịt nướng, mì gói, xúc xích và có cả hành lá, nước uống.
  5. Ghế bàn gấp gọn, để ngồi ăn cho dễ (không có thì có thể trải dưới  đất ngồi)
  6. Chén nĩa nhựa dùng một lần
  7. Đèn pin hoặc đèn sạc
  8. Nón, găng tay dài hoặc những vật dụng để che nắng, vớ
  9. Giày boot hoặc giày bám đường
  10. Quần áo để thay
  11. Kem chống nắng, kem chống muỗi,
  12. Khăn giấy, túi đựng rác

Để xem trọn hành trình của Song Văn bạn có thể xem thêm clip dưới đây:

 

  • Bài viết ghi lại từ lời kể của Song Văn
  • Ảnh do Song Văn cung cấp 
  • Cảm ơn Song Văn đã hỗ trợ Leep thực hiện bài viết này nhé.