Đôi khi tăng cân chỉ vì… đi siêu thị sai cách

Đôi khi tăng cân chỉ vì… đi siêu thị sai cách

Những việc nhỏ nhặt như mua thực phẩm giảm giá cũng là lý do tiềm ẩn dẫn đến vóc dáng ngày càng tròn trịa. Nếu muốn khỏe mạnh và thon thả hơn, hãy bắt đầu bằng cách tránh 25 sai lầm tại siêu thị, bạn nhé!

Đi mua sắm tại siêu thị là một hoạt động quá quen thuộc với tất cả mọi người. Bình quân, chúng ta đến siêu thị ít nhất một lần trong tuần. Tuy nhiên, sau rất nhiều năm lặp đi lặp lại việc bỏ hàng vào giỏ và đi đến quầy thanh toán, bạn có chắc mình không mắc các lỗi mua sắm mà LEEP.APP đề cập dưới đây hay không?

Lỗi 1: Mua số lượng lớn

Mua số lượng lớn

Ai trong chúng ta cũng từng ít nhất một lần nghĩ rằng, mua với số lượng lớn sẽ cắt giảm chi phí. Nhưng về lâu dài, cách mua sắm này sẽ dẫn đến tình trạng ăn quá mức và lãng phí thức ăn.

Tâm lý người tiêu dùng chỉ đơn giản là thực phẩm rẻ hơn và có sẵn thì sẽ ăn nhiều hơn. Lợi dụng tâm lý đó, các nhãn hàng đã không ngừng chung tay góp phần vào “quỹ cân nặng” của chúng ta.

Lỗi 2: Không quan tâm nhãn thực phẩm

Hầu hết chúng ta bỏ qua khâu đọc nhãn thực phẩm, họa hoằn chỉ kiểm tra ngày “quá đát”. Tuy nhiên, nhiều thực phẩm chứa hàm lượng đường cao cùng chất béo. Hãy làm quen với những thông điệp trên nhãn.

Lỗi 3: Dùng thử miễn phí

Dùng thử miễn phí

Những món dùng thử ở siêu thị thực chất không miễn phí, bởi vì cơ thể bạn sẽ phải “trả giá”. Mặc dù mỗi phần dùng thử trông rất nhỏ, nhưng không có bất kỳ thông tin dinh dưỡng nào được ghi chú và khả năng cao bạn sẽ nạp thêm vài trăm calorie, vượt mức cần thiết hàng ngày. Ngoài ra, bạn có thể nếm thử nhiều lần nếu món đấy quá ngon!

Lỗi 4: Mua sắm trong lúc đói

Mua sắm trong lúc đói

Hãy ăn chút gì đó trước khi đến siêu thị, chẳng hạn một quả táo 

Nếu bước vào siêu thị lúc đang đói, bạn sẽ sẵn sàng nói lời tạm biệt với tất cả những nguyên tắc giảm cân của mình. Công thức mua sắm lúc đói chính là lấy hết tất cả thực phẩm tiện lợi và đồ ăn vặt – những thứ lẽ ra nên tránh xa.

Trên thực tế, chúng ta đều có xu hướng mua các loại phi thực phẩm (thực phẩm không cần thiết) khi đói. Chính vì vậy, để có thể đưa ra những lựa chọn thông minh và lành mạnh hơn, bạn hãy ăn chút gì đó trước khi đến siêu thị, chẳng hạn một quả táo, củ khoai lang, hay một vốc hạt.

Lỗi 5: Không có danh sách thực phẩm cần mua

Không có danh sách thực phẩm cần mua

Luôn có danh sách thực phẩm cần mua khi đi siêu thị, nhất là khi bạn đang trong chế độ ăn kiêng

Theo nghiên cứu, 20% các giao dịch tại siêu thị đều không có kế hoạch. Việc mua sắm ngẫu nhiên sẽ dẫn đến rất nhiều rắc rối. Bạn không thể cưỡng lại hành động mua vô tội vạ khi đang lạc trong “thiên đường mua sắm”.

Một khảo sát thực hiện trên 2.000 khách hàng, trong đó 70,5% phản hồi hành động mua sắm không có kế hoạch của họ là mua thực phẩm.

Hãy chắc chắn bạn luôn có danh sách thực phẩm cần mua khi đi siêu thị. Một mẹo nhỏ nữa là mang theo tiền mặt thay vì thẻ tín dụng. Như vậy, bạn sẽ không vung tiền để mua những món không cần thiết.

Lỗi 6: Tản bộ trong siêu thị

Tản bộ trong siêu thị

Bạn càng đi dạo lâu trong siêu thị, xe đẩy càng thêm nặng. Các quầy thực phẩm luôn cám dỗ người mua sắm “bốc đồng”. Hãy thẳng tiến đến nơi bạn cần, chẳng hạn quầy rau quả, trái cây và thịt nạc. Một khi đã ở khu vực xanh, bạn sẽ có xu hướng lựa chọn những loại thực phẩm lành mạnh.

Lỗi 7: Lựa chọn thực phẩm dựa trên mẫu mã, bao bì và nhãn hiệu

Lựa chọn thực phẩm dựa trên mẫu mã, bao bì và nhãn hiệu

Mục tiêu cuối cùng và quan trọng nhất của những chuyên gia thiết kế bao bì là thuyết phục khách hàng mua các loại đồ ăn vặt. Ví dụ chỉ cần thêm dây cót và một giai điệu vui tai cho hộp bánh, nhãn hiệu Gouté đã gây chú ý với khách hàng và làm tăng 16% tỷ lệ mua sắm cũng như lòng trung thành của khách hàng giữa vô vàn các thương hiệu bánh quy khác.

Có lẽ rất khó để giữ bản thân thoát khỏi cám dỗ và bạn sẽ cho ngay những thứ có bao bì bắt mắt vào xe đẩy. Hành động đó sẽ khiến con đường dẫn đến lối sống lành mạnh ngày càng xa hơn.

Lỗi 8: Mua salad làm sẵn

Mua salad làm sẵn

Salad làm sẵn có vẻ là lựa chọn tiện lợi, nhưng lành mạnh hay không lại là chuyện khác, vì chúng thường có thêm nước sốt chứa nhiều chất béo, phô mai và các loại topping không tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, khu vực đồ ăn chế biến sẵn thường có thêm gà rán, sushi, xôi, chè các loại… Thật cám dỗ!

Lỗi 9: Để con của bạn chọn

Để con của bạn chọn sản phẩm khi đi siêu thị

Trẻ con rất thú vị, thông minh, sáng tạo và sớm phát triển nên thường có thói quen chạy khắp nơi để khám phá. Tuy nhiên, bé không phải là chuyên gia dinh dưỡng. Nếu để con lựa chọn thực phẩm khi đi siêu thị, bạn không thể đưa ra quyết định đúng đắn cho sức khỏe lẫn túi tiền.

Các siêu thị thường chủ đích sắp xếp những mặt hàng như ngũ cốc cùng với nhân vật hoạt hình trong tầm mắt và tầm tay trẻ em. Hành động này thúc đẩy trẻ vòi vĩnh ba mẹ mua cho mình.

Để tránh điều này xảy ra, bạn hãy cùng con tạo một danh sách thực phẩm cần mua ở nhà. Trẻ cảm thấy được tham gia và có trách nhiệm hơn trong việc mua sắm. Từ đó, kế hoạch ăn uống lành mạnh của bạn sẽ không bị phá vỡ và mối liên kết của các thành viên trong gia đình cũng thắt chặt hơn.

Lỗi 10: Chọn sản phẩm ở các thùng lớn gần lối đi

Các thùng lớn đặt chễm chệ giữa lối đi là một nơi cực kỳ hấp dẫn vì bạn sẽ dễ dàng tìm thấy chương trình ưu đãi cho các mặt hàng chủ lực như các loại hạt, yến mạch và thực phẩm bổ sung.

Điều này đánh vào thói quen không chú ý đến hàm lượng tiêu thụ của người tiêu dùng, vì họ thường trút thực phẩm từ hộp ra để sử dụng mà không đong đếm hàm lượng. Do đó, nếu đã quyết định mua những sản phẩm này với giá ưu đãi, khi về nhà, bạn nên chia nhỏ chúng trong các hũ nhỏ để không dùng quá tay.

Lỗi 11: Bị quyến rũ với những sản phẩm tại quầy thanh toán

Bị quyến rũ với những sản phẩm tại quầy thanh toán

Thực phẩm được bày ở quầy thanh toán là những mặt hàng được thiết kế cực kỳ hấp dẫn, nhưng chúng không hề là sự lựa chọn bổ ích cho sức khỏe. Theo thống kê, 97% siêu thị đặt kẹo và 93% đặt đồ uống ngay tại quầy thanh toán nhằm đánh đòn tâm lý, thúc đẩy khách hàng đưa ra những giao dịch cuối cùng, đặc biệt với những người đang đấu tranh với sự thèm ăn.

Cho nên, nếu cảm thấy bị lung lay, bạn có thể ngăn bản thân bằng cách chọn một quyển tạp chí. Sự thèm ăn sẽ đi qua khi các thực phẩm không lành mạnh khuất khỏi tầm nhìn.

Lỗi 12: Mua sắm khi đang quá no

Mua sắm lúc đói dẫn đến lựa chọn thực phẩm kém và mua sắm trong lúc no cũng không tốt hơn là mấy. Điều này sẽ khiến tất cả thực phẩm lành mạnh mà bạn từng mong muốn trở nên không hợp khẩu vị và bất hợp tác. Khi đó, bạn thường có xu hướng mua ít hơn so với nhu cầu và đưa ra lựa chọn ít lành mạnh hơn.

Lỗi 13: Đi siêu thị một cách ngẫu hứng

Vào một ngày đẹp trời, bạn bỗng muốn thử làm món thịt gà hầm hoặc món bánh tart và chạy ra siêu thị mua nguyên liệu ngay lập tức. Tuy nhiên, nếu liên tục nuông chiều cơn thèm ăn, bạn vừa tốn tiền, tốn thời gian đi lại, vừa khó đạt được mục tiêu giảm cân.

Thỉnh thoảng ngẫu hứng cũng tốt thôi, nhưng nếu đang có kế hoạch giảm cân, bạn cũng cần mua sắm có kế hoạch nhé!

Lỗi 14: Mua các mặt hàng trong tầm mắt

Mua các mặt hàng trong tầm mắt

Tất cả các siêu thị đã tính toán để đặt số lượng lớn những sản phẩm được nhiều người mua trong tầm mắt, nhằm tăng thêm nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, bất kể tính lành mạnh của sản phẩm. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ đa phần loại thực phẩm này là đồ ăn nhẹ chứa hàm lượng đường cao, góp phần làm tăng cân nên bạn cần lưu ý để tránh lựa chọn nhầm.

Lỗi 15: Chọn sản phẩm có nhãn “hữu cơ”

Chọn sản phẩm có nhãn “hữu cơ”

Ăn thực phẩm hữu cơ có lẽ là sự lựa chọn trên cả tuyệt vời cho sức khỏe. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa tất cả các sản phẩm hữu cơ trên kệ siêu thị đều mặc định là thực phẩm thân thiện với người đang giảm cân. Bạn biết đó, hữu cơ hay không thì bánh phô mai vẫn là bánh phô mai thôi.

Lỗi 16: Mua các sản phẩm tại quầy đồ nguội

Mua các sản phẩm tại quầy đồ nguội

Giống như ở quầy salad, khi mua các thực phẩm đồ nguội tại siêu thị, bạn sẽ không được cung cấp thông tin dinh dưỡng như trong sản phẩm đóng gói thông thường. Nghĩa là nhiều khả năng bạn sẽ nạp thêm calorie mà không hề nhận ra. Các món salad phổ biến ở siêu thị được thêm sốt mayonnaise và thịt nguội chứa hàm lượng natri cao, có thể khiến bạn đầy hơi.

Lỗi 17: Bạn nghĩ rằng cụm từ “100% lúa mì” là đủ lành mạnh

Nghĩ rằng cụm từ “100% lúa mì” là đã đủ lành mạnh

Nếu đã đặt chân đến quầy bánh thì đừng bao giờ có suy nghĩ rằng những loại có nhãn “hoàn toàn từ lúa mì” là tốt cho sức khỏe. Nhầm lẫn giữa “100% lúa mì” với “100% ngũ cốc nguyên hạt” sẽ khiến bạn mắc sai lầm khi lựa chọn loại bánh mì với 5g đường mỗi lát (được làm bằng tinh bột trắng tinh chế), thay cho loại chỉ chứa một ít đường và 5g chất xơ mỗi lát.

Điều này rất quan trọng vì hàm lượng chất xơ đóng vai trò thiết yếu trong quá trình giảm cân.

Lỗi 18: Mua thực phẩm đông lạnh

Mua thực phẩm đông lạnh

Không ai có thể phủ nhận sự tiện lợi của thực phẩm đông lạnh, nhưng mặt khác chúng chứa hàm lượng natri rất cao. Natri không chỉ làm bạn tăng cân bằng cách giữ nước trong cơ thể, mà hàm lượng cao còn làm tăng huyết áp và gây ra các vấn đề tim mạch.

Lỗi 19: Mua sắm khi đang căng thẳng

Các yếu tố như căng thẳng, mệt mỏi là tác nhân khiến cho chúng ta rơi vào trạng thái ăn không kiểm soát. Kèm theo các thực phẩm không lành mạnh đang vây quanh khi bạn ở trong siêu thị, thì khả năng cao là bạn không thể vượt qua cám dỗ.

Lỗi 20: Mua sắm ở quầy cuối lối đi

Trong khi đẩy xe dọc theo hướng của các quầy hàng, đột nhiên bạn bị thu hút bởi thứ gì đó nằm ở cuối lối đi. Các nhà sản xuất nước ngọt thường đặt mặt hàng của họ ở những kệ nằm ngang nhằm gây sự chú ý.

Và không chỉ là nước ngọt, bạn còn tìm thấy những loại đồ ăn vặt ở nơi dễ thu hút ánh mắt nhất. Điều đó vẫn chưa đủ, các siêu thị còn thông minh hơn khi luôn đặt bảng giảm giá cho những thực phẩm này. Kết quả là thay vì chỉ đẩy xe để tìm kiếm dâu tây, bạn lại ra về cùng với dâu tây, nước ngọt có gas và bắp rang.

Bất cứ quầy hàng nào được đặt ra đều là một “cái bẫy”, nên bạn thật sự phải bám sát vào danh sách thực phẩm đã mang theo.

Lỗi 21: Mua hàng khuyến mãi

Mua hàng khuyến mãi

Bạn đang tiết kiệm tiền, đúng vậy, nhưng còn calorie thì sao? Tạp chí American Journal of Preventive Medicine (Y học Dự phòng Hoa Kỳ) xác nhận, người tiêu dùng bị thúc đẩy mạnh mẽ hơn khi giá cả thấp hơn.

Dựa vào đó, các siêu thị bán lẻ thường lợi dụng việc giảm giá sản phẩm hoặc tặng kèm phiếu quà tặng để tăng số lượng giao dịch. Nhưng bạn có biết rằng, hầu hết các món hàng mua với giá rẻ đều không có nhiều giá trị sử dụng?

Lỗi 22: Mua sản phẩm thượng hạng

Mua sản phẩm thượng hạng

Ngoài những người yêu thích mua sắm với giá rẻ, cũng có nhiều người thích lựa chọn sản phẩm thượng hạng, vì họ tin rằng giá cao đồng nghĩa với chất lượng sản phẩm tốt.

Chúng ta sẽ không bàn đến chất lượng. Việc sử dụng sản phẩm cao cấp thường tạo cảm giác thích thú, dẫn đến không kiểm soát được số lượng cần dùng. Do đó, hãy cân nhắc trước khi quyết định để đảm bảo lợi ích cho sức khỏe cũng như ví tiền của bạn.

Lỗi 23: Cuộc chiến tâm lý “mua 1 tặng 1

Cuộc chiến tâm lý “Mua 1 tặng 1”

Chiến thuật tiếp thị này được sử dụng hầu hết trong các siêu thị hoặc chuỗi cửa hàng tiện lợi và kết quả cực kỳ thành công. Khách hàng cuối cùng cũng mua nhiều hơn số lượng mà họ dự định. Điều đó đồng nghĩa số calorie họ hấp thu cũng tăng lên gấp đôi. Tốt nhất, bạn nên tránh các bảng quảng cáo mua 1 tặng 1 từ xa.

Lỗi 24: Mua nhiều gói cùng lúc

Mua nhiều gói cùng lúc

Nếu cần một lượng nhỏ thực phẩm nào đấy, bạn chỉ nên mua đủ dùng. Trừ trường hợp gia đình bạn có nhiều thành viên cùng yêu thích một sản phẩm thì nên mua vài gói để đủ cho cả nhà. Tâm lý “một công đôi việc” dễ khiến bạn có xu hướng tích trữ thực phẩm. Thói quen này sẽ làm chật tủ lạnh, tủ thức ăn và chật cả chiếc quần jeans của bạn!

Lỗi 25: Dùng xe đẩy thay vì giỏ đựng hàng

Dùng xe đẩy thay vì giỏ đựng hàng

Nếu có kế hoạch mua sắm một lần cho cả tuần, đương nhiên bạn nên chọn xe đẩy vì số lượng hàng hóa không thể đếm xuể. Tuy nhiên, nếu không cần thiết thì tốt nhất chỉ dùng giỏ đựng để đảm bảo bạn không mua quá nhu cầu. Lợi ích của việc xách giỏ trên tay là sẽ nhanh chóng làm cho bạn mỏi nhừ, ngăn cản phần nào niềm vui mua sắm.

Giảm cân là một kế hoạch lâu dài và cần có sự tỉnh táo trong từng hoạt động thường ngày, từ nhỏ đến lớn, nhất là khi có liên quan đến chuyện ăn uống. Lần tới khi đi mua sắm ở siêu thị, bạn đừng quên mang theo bài viết này nhé!

 

Nguồn tham khảo

25 Grocery Store Mistakes Making You Gain Weight https://www.eatthis.com/grocery-shopping-mistakes-weight-gain/ Ngày truy cập: 1/6/2020

Bài viết liên quan