Các chuyên gia dinh dưỡng sửa sai những lầm tưởng về dầu ô liu

Các chuyên gia dinh dưỡng sửa sai những lầm tưởng về dầu ô liu

Bạn có hay sử dụng dầu ô liu không và dùng như thế nào? Chỉ đơn thuần là trộn salad nhưng không dám chiên xào vì nghĩ rằng cách chế biến này không tốt cho sức khỏe? Một nghiên cứu đã cho biết điều này không còn đúng nữa. Hãy xem vì sao nhé.

Dầu ô liu chứa chất chống oxy hóa và chất béo lành mạnh, cả hai đều hỗ trợ sức khỏe của tim và não. Tuy nhiên, loại dầu tưởng như hoàn thiện này lại mất điểm vì “điểm bốc khói” của dầu thấp. 

Điều mà những người có kinh nghiệm trong việc nấu nướng e ngại là nếu dầu ô liu quá nóng, nó sẽ bắt đầu cháy và bốc khói từ đó ảnh hưởng đến hương vị của món ăn, làm giảm một số lợi ích sức khỏe của dầu. Vì vậy, các chuyên gia luôn khuyến khích dùng các loại dầu khác như dầu hạt cải cho các món ăn cần nhiều nhiệt.

Tuy nhiên, theo Joseph Profaci, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Dầu ô liu Bắc Mỹ, dầu ô liu không những có thể chịu được nhiệt cao mà đây còn thực sự là loại dầu ổn định nhất khi đun nóng. Điều này đã được thử nghiệm và xác nhận trong một nghiên cứu năm 2018 và được công bố trên tạp chí Acta Scientific Nutritional Health (ASNH).

dùng dầu ô liu

Nhiều người dùng dầu ô liu trực tiếp để đảm bảo hương vị và độ dinh dưỡng của dầu

Sự thật về điểm bốc khói của dầu ô liu

Tất cả các chất béo, kể cả dầu ô liu, đều có điểm bốc khói. Thuật ngữ này về cơ bản là một cách đơn giản để xác định nhiệt độ mà tại đó chất béo bắt đầu cháy và phân hủy. Dầu ô liu thường được cho là có điểm bốc khói khoảng 160 – 230℃, tùy thuộc vào dầu ô liu nguyên chất hay đã qua xử lý. Dầu nguyên chất được làm từ ô liu ép lạnh. Theo một số người, chính bản chất không tinh chế sẽ khiến nó dễ bị bốc khói hơn. 

Tuy nhiên, ông Profaci nói rằng nghiên cứu đã giải đáp thắc mắc của nhiều người về điểm bốc khói của dầu ô liu. Cụ thể, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cả dầu ô liu thông thường và dầu ô liu nguyên chất đều có thể chịu được nhiệt độ trên 240℃. 

Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy rằng ngay cả sau khi được đun nóng trong nồi chiên ngập dầu trong sáu giờ, dầu ô liu cho thấy rất ít dấu hiệu của sự phân hủy hoặc sản sinh ra bất kỳ sản phẩm phụ có hại nào. Profaci nói: “Dầu ô liu khi được làm nóng vẫn giữ được phần lớn dưỡng chất. Hiệu quả sử dụng có thể giảm đi một chút, tương tự như việc một số chất dinh dưỡng trong rau có thể bị biến chất khi nấu chín, nhưng nhiệt độ cao không thể làm mất đi hoàn toàn các đặc tính sức khỏe của dầu ô liu”.

nấu bằng dầu ô liu

Dù được đun nóng hay không thì dầu ô liu vẫn giữ nguyên giá trị

Trên thực tế, tiến sĩ Simon Poole nói rằng các chất dinh dưỡng của dầu ô liu có thể là lý do tại sao nó có thể chịu được nhiệt độ cao mà vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng tương đối nguyên vẹn. Ông nói: “Các polyphenol và chất chống oxy hóa rất dồi dào trong dầu ô liu nguyên chất nên chúng ngăn chặn quá trình oxy hóa khi đun nóng kéo dài”. 

Dầu được khai thác trực tiếp từ trái ô liu chứ không phải từ hạt, có tác dụng bảo vệ quả khỏi những áp lực từ môi trường như áp suất không khí, nhiệt độ, khô cằn và khắt khe của thiên nhiên. Vì vậy, dầu ô liu là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và có độ bền cao.

Loại dầu ô liu nào tốt nhất để nấu ăn?

Dầu ô liu tinh chế và dầu ô liu nguyên chất đều có thể chịu được nhiệt độ cao. Profaci nói rằng điều này thực sự phụ thuộc vào hai yếu tố: giá cả và hương vị. Ông chỉ ra rằng dầu ô liu nguyên chất có nhiều lợi ích cho sức khỏe hơn so với dầu ô liu tinh chế, cũng như có nhiều hương vị hơn nhưng cũng đắt hơn. Bạn có thể tiết kiệm chi phí nếu nấu với dầu ô liu tinh chế và sử dụng dầu ô liu nguyên chất làm phụ gia.

trộn salad bằng dầu ô liu

Dầu ô liu làm cho món ăn thêm hấp dẫn, lành mạnh

Nếu muốn thực phẩm bạn đang nấu giàu chất dinh dưỡng, ông Profaci nói hãy chọn loại nguyên chất, vì nó giàu chất dinh dưỡng hơn và ít được chế biến. Dù sử dụng loại dầu ô liu nào thì dầu đều có công dụng biến bữa ăn của bạn trở nên lành mạnh hơn.

Nhìn chung, dầu ô liu càng nguyên chất, ít qua chế biến thì càng phù hợp để sử dụng trực tiếp như trộn salad. Tuy nhiên, đây vẫn là một dạng chất béo, bạn vẫn nên tham khảo liều lượng hợp lý để tránh lạm dụng nhé.

Nguồn tham khảo

The Nutritional Myth About Olive Oil That Experts Are Begging You To Stop Believing https://fpaid.com/the-nutritional-myth-about-olive-oil-that-experts-are-begging-you-to-stop-believing/ Ngày truy cập 16/10/2020

Bài viết liên quan