Thói quen thức khuya gây hại cho cơ thể như thế nào?

Thói quen thức khuya gây hại cho cơ thể như thế nào?

Hiện nay, có rất nhiều người thức khuya vì nhiều lý do, ví dụ như làm việc, chơi game, lướt Facebook, online shopping hoặc cho con bú. Tuy nhiên, việc thức khuya tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về sức khỏe. Bạn có biết những tác hại của việc thức khuya? Các nhà khoa học đã vào cuộc để tìm câu trả lời cho vấn đề này.

Bạn biết rằng thức khuya không hề có lợi cho sức khỏe. Thế nhưng, hậu quả mà thói quen này mang lại có thể mang lại những hệ lụy gì? Các nhà khoa học trên thế giới đã thực hiện nhiều nghiên cứu về vấn đề đề này. Kết quả cho thấy, thói quen này có thể làm tăng nguy cơ tử vong sớm.

Các nhà khoa học tại Đại học Northwestern (Mỹ) và Đại học Surrey (Anh) đã thực hiện một nghiên cứu với 433.000 người trưởng thành ở Anh về thói quen thức khuya trong vòng 6,5 năm. Kết quả cho thấy những người ngủ muộn có khả năng tử vong cao hơn 10% so với những người ngủ sớm. Và kết quả này đúng với cả nam và nữ ở mọi lứa tuổi tham gia nghiên cứu. Ngoài ra, các số liệu phân tích cũng cho thấy những người thức khuya thường có tỷ lệ cao mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh hô hấp, các vấn đề về đường tiêu hóa và suy nhược tâm lý.

Rất khó để biết những kết quả này ảnh hưởng lẫn nhau như thế nào và hiện các nhà khoa học vẫn chưa có có câu trả lời rõ ràng về lý do tại sao thức khuya lại gây ra những tác hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đều đồng ý với giả thuyết sau: Khi đồng hồ sinh học không đồng bộ với xã hội, toàn bộ hệ sinh học sẽ bị xáo trộn và nhiều khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta trở nên căng thẳng hơn. Thường xuyên thức quá muộn khiến cơ thể mệt mỏi giống như bạn trải qua một cuộc hành trình dài bay từ vùng này đến vùng khác có sự thay đổi của múi giờ. Điều này gây tổn hại cho cơ thể.

Thói quen thức khuya có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm nhưng một số người lại không quan tâm điều này

Nếu thức khuya vào cuối tuần, ngày hôm sau lại phải dậy sớm, điều này sẽ khiến cơ thể giống như chuyển sang một múi giờ mới. Nếu bạn trải qua điều đó hàng ngày, cơ thể sẽ bị căng thẳng và khiến sức khỏe bị suy giảm.

Trong một nghiên cứu được thực hiện với 24 người khỏe mạnh có giờ đi ngủ thay đổi mỗi ngày trong ba tuần. Kết quả cho thấy tỷ lệ trao đổi chất khi nghỉ ngơi của họ giảm 8%. Giả sử chế độ vận động và lượng thức ăn không có gì thay đổi thì điều này có thể khiến họ tăng khoảng 5,6kg một năm.

Ngoài ra, việc thức khuya còn khiến chúng ta dễ ngủ bù vào cuối tuần. Điều này có thể gây khó chịu cho cơ thể và khiến việc thức dậy vào thứ Hai trở nên khó khăn hơn.

Tăng cân và trầm cảm: Vào năm 2012, các nhà nghiên cứu đã phân tích một tập dữ liệu của 65.000 người châu Âu và nhận thấy việc thức khuya có thể gây tăng cân. Cũng có nghiên cứu chỉ ra rằng những người thức khuya có nhiều nguy cơ mắc bệnh trầm cảm hơn và có khả năng sẽ có các hành vi không tốt cho sức khỏe như hút thuốc.

Đái tháo đường: Một nghiên cứu năm 2015 đã theo dõi giấc ngủ của 447 người trưởng thành trung niên trong một tuần và đã phát hiện ra rằng việc thức khuya còn có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin – tiền thân của bệnh đái tháo đường – và khiến hàm lượng cholesterol HDL thấp, lượng triglyceride và chỉ số cơ thể tăng cao. Những chỉ số này thậm chí vẫn còn tiếp tục duy trì ngay cả khi đã điều chỉnh các thói quen như tập thể dục, hút thuốc và sử dụng rượu.

Thức khuya còn kéo theo việc thiếu ngủ vào ngày hôm sau, khiến bạn khó tập trung vào công việc

Tăng nguy cơ mắc một số bệnh: Khi thức khuya, nếu bạn dậy sớm vào ngày hôm sau, cơ thể sẽ bị căng thẳng và hoạt động kém hiệu quả. Ngoài ra, việc thiếu ngủ cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường và béo phì.

Chậm phát triển chiều cao và giảm sức đề kháng ở trẻ: Với trẻ nhỏ và thanh thiếu niên, thức khuya cũng gây ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt với chiều cao và hệ miễn dịch. Ở một đứa trẻ hay ngủ muộn, hormone tăng trưởng sẽ bị ức chế khiến trẻ chậm phát triển chiều cao, cân nặng hơn so với những đứa trẻ đồng trang lứa. Ngoài ra, việc thức khuya còn khiến các cơ quan bên trong cơ thể không có đủ thời gian để hồi phục và sửa chữa các tổn thương. Điều này làm ảnh hưởng đến sức đề kháng ở trẻ.

Giảm trí nhớ: Thức khuya còn kéo theo việc thiếu ngủ vào ngày hôm sau, khiến bạn khó tập trung vào công việc và mắc chứng “não cá vàng”. Nguyên nhân là do việc thiếu ngủ sẽ rút ngắn thời gian của giai đoạn ngủ sâu và giai đoạn REM của chu kỳ giấc ngủ, vốn chịu trách cho việc xử lý thông tin và lưu trữ ký ức từ bộ nhớ ngắn hạn sang dài hạn. Khi quá trình này bị cản trở, sự suy giảm về trí nhớ là điều khó tránh khỏi.

Thức khuya không phải là một thói quen tốt, nếu bạn là người có thói quen này, hãy thay đổi ngay hôm nay để duy trì một sức khỏe tốt nhất.

nút download

Nguồn tham khảo

Why being a night owl may lead to earlier death https://www.vox.com/ Ngày truy cập: 16/8/2020

Bài viết liên quan