Bảo quản thức ăn thừa bao lâu thì vẫn an toàn cho sức khỏe?
Lưu trữ những món ăn còn dư trong tủ lạnh là phương pháp quen thuộc mà bất cứ bà nội trợ nào cũng áp dụng. Tuy nhiên, bảo quản thức ăn thừa trong bao lâu là tốt nhất để đảm bảo không gây hại cho sức khỏe của bạn? Hãy tham khảo những gợi ý sau.
Cất những món ăn chưa thể ăn hết và để dành cho những bữa ăn tiếp theo là một cách tuyệt vời để không lãng phí thực phẩm. Nhiều người cũng thích chế biến thức ăn theo khẩu phần lớn và bảo quản trong tủ lạnh để dùng dần có thể mang lại sự thuận tiện và lợi ích về cả ngân sách và thời gian.
Tuy vậy, thường xuyên ăn thực phẩm đã chế biến và để qua nhiều ngày có thể gây hại cho sức khỏe của bạn. Bảo quản thức ăn thừa thực chất chỉ có thể sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định, tùy thuộc vào phương pháp chế biến cũng như loại thực phẩm để đảm bảo an toàn.
Bảo quản thức ăn thừa áp dụng với những loại thực phẩm nào?
Thực phẩm có thể bảo quản được trong bao lâu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả loại thực phẩm kết hợp với khâu chế biến và bảo quản.
Nhiều thực phẩm có thể giúp bạn dễ dàng nhận diện các dấu hiệu hư hỏng, nhưng một số khác thì không. Do đó, mức độ có thể bảo quản được nhắc tới ở đây chính là thời hạn mà thực phẩm vẫn còn an toàn để tiếp tục sử dụng, chứ không phát sinh mầm bệnh như vi khuẩn hay chất độc gây bệnh cho cơ thể.
Tuy nhiên, thức ăn thừa thường là món ăn có chứa nhiều nguyên liệu. Vì vậy, nguyên tắc chung là dựa vào những thực phẩm mau hỏng nhất. Nếu bạn không thể xác định chắc chắn, hãy bỏ các món ăn thừa nếu không sử dụng sau 3 ngày bảo quản.
Thực phẩm có nguy cơ ngộ độc thấp
Hoa quả và rau
Trái cây và rau sống cần được rửa bằng nước sạch trước khi sử dụng và bạn nên ăn chúng càng sớm càng tốt. Sau khi để ráo nước và bảo quản, trái cây sẽ bắt đầu mất độ tươi sau 3 − 5 ngày. Trái cây và rau củ nhiều nước thì sẽ mất độ tươi nhanh hơn so với các loại có hàm lượng nước thấp.
Khi nấu chín, các loại rau thừa được bảo quản trong hộp kín sẽ giữ được 3 − 7 ngày trong tủ lạnh. Các loại rau đóng hộp đã chế biến như đậu có thể bảo quản trong 7 − 10 ngày.
Bánh mì
Bánh mì bảo quản trong bọc kín có thể kéo dài từ 3 − 7 ngày tùy cách chế biến
Bánh mì tự làm có thể bảo quản trong 3 ngày, còn bánh mua ở cửa hàng thường bảo quản được trong khoảng 5 − 7 ngày. Nếu bánh bị mốc thì bạn nên bỏ ngay.
Bảo quản bánh mì trong tủ lạnh sẽ giúp kéo dài thời hạn sử dụng của chúng thêm khoảng 3 − 5 ngày. Tuy nhiên, chất lượng của bánh sẽ bị giảm xuống.
Thực phẩm có nguy cơ ngộ độc trung bình
Các loại nui, mì nấu chín và ngũ cốc như yến mạch, quinoa sẽ giữ được đến 3 ngày. Nếu bạn đóng hộp và bảo quản ngăn đông sau khi chế biến, chúng có thể được lưu trữ trong khoảng 3 tháng trước khi bắt đầu mất độ tươi.
Đồ tráng miệng và đồ ngọt thường để được khoảng 3 − 4 ngày trong tủ lạnh.
Thực phẩm có nguy cơ ngộ độc cao
Thường là những thực phẩm có hàm lượng protein và độ ẩm cao, môi trường khiến vi sinh vật dễ phát triển.
Thịt và gia cầm
Thịt hộp đã mở nắp nên được dùng hết trong 3 − 5 ngày
Thịt xay và thịt gia cầm đã được nấu chín đến nhiệt độ an toàn có thể bảo quản trong tủ lạnh khoảng 1 − 2 ngày ở nhiệt độ dưới 5°C.
Các loại thịt khác như bít-tết, phi lê, sườn và thịt quay để được trong tủ lạnh từ 3 − 4 ngày. Nếu bạn muốn rã đông thịt sống, hãy chuyển chúng sang ngăn mát tủ lạnh vài tiếng trước khi nấu, chế biến và dùng trong 2 ngày. Trong trường hợp rã đông bằng lò vi sóng, bạn nên chế biến và sử dụng ngay.
Các loại thịt nguội, thịt đóng hộp đã được mở nắp nên được tiêu thụ hết trong vòng 3 − 5 ngày, tương tự với salad và các loại đồ hộp khác.
Động vật có vỏ, trứng, súp và món hầm
Trứng luộc có vỏ nên được tiêu thụ trong vòng 7 ngày sau khi nấu chín và để trong tủ lạnh. Hải sản có thể chứa nhiều mầm bệnh hoặc chất độc như histamine, do đó nên được tiêu thụ trong vòng 3 ngày. Súp và món hầm thường sẽ để được 3 – 4 ngày trong tủ lạnh.
Món ăn chế biến sẵn
Các món ăn mua từ hàng quán nên có thời hạn bảo quản ngắn hơn so với khi bạn tự chế biến, tối đa là 3 − 4 ngày. Nếu trong món ăn thừa có nguyên liệu sống như cá hay rau, bạn nên tiêu thụ trong vòng 24 tiếng.
>>> Xem thêm: 10 loại thực phẩm không nên cất tủ lạnh để bảo quản
Nhận biết thực phẩm đã bị hỏng
- Tìm những thay đổi về kết cấu món ăn, ví dụ như chảy nước, xuất hiện nấm mốc nhiều màu nghĩa là món ăn đã hỏng, bạn nên loại bỏ ngay. Lưu ý đừng ngửi thử nếu đã thấy nấm mốc xuất hiện để tránh gây ra các vấn đề về hô hấp.
- Các loại thịt nguội, đồ chế biến sẵn nếu chảy nhớt cũng nên vứt bỏ.
- Thực phẩm bị đổi màu, có mùi ôi thiu cũng không thể ăn.
- Nếu bạn không thấy dấu hiệu hư hỏng bên ngoài, nhưng khi ăn vào nhận thấy hương vị đã thay đổi, hãy cố gắng nhổ ra và bỏ món ăn.
Không nên ăn thực phẩm đã xuất hiện nấm mốc
Mẹo bảo quản thức ăn thừa thích hợp
Vi khuẩn phát triển mạnh trong khoảng 4 − 60°C. Để tránh mốc ở nhiệt độ này, bạn nên làm lạnh hoặc cấp đông thức ăn thừa trong vòng 2 tiếng sau chế biến. Nếu bạn đang ở ngoài trời với nhiệt độ khoảng 32°C, hãy cố gắng làm lạnh hoặc đông lạnh trong vòng 1 giờ.
Tốt hơn hết, bạn nên bảo quản thực phẩm nóng trong các hộp nhỏ, đáy cạn và kín khí để giúp chúng nguội nhanh và đều hơn.
Ngoài ra, một số vi khuẩn có thể phát triển trong nhiệt độ lạnh. Do đó, bạn nên để ý thời hạn bảo quản thức ăn thừa. Để kiểm soát dễ hơn, bạn có thể dán nhãn ngày chế biến và hạn sử dụng hoặc sắp xếp các món cần ăn liền hay để được lâu hơn theo từng ngăn trong tủ lạnh.
Hâm nóng thực phẩm đến ít nhất 74°C, các loại nước sốt nên được hâm nóng lại cho đến khi sôi lăn tăn trước khi sử dụng.
Bảo quản thức ăn thừa nếu áp dụng đúng cách và không quá lạm dụng tủ lạnh sẽ giúp bạn tiết kiệm được nhiều thời gian chế biến cũng như chi phí ăn uống mà vẫn đảm bảo sức khỏe.
Hãy theo dõi các thông tin dinh dưỡng khác trên https://leep.app/ hoặc tải LEEP.APP tại đây để có thêm kiến thức xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho riêng mình trong quá trình tập luyện bạn nhé!
Nguồn tham khảo
How Long Do Leftovers Keep? https://www.healthline.com/ Ngày truy cập: 17/08/2020