Ăn nhiều muối có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe
Nhiều người ăn khá mặn vì đó là một thói quen hay khẩu vị phù hợp với họ. Do đó, họ bổ sung dư thừa muối trong thực đơn hàng ngày và không thể kiểm soát điều này. Tuy vậy, ăn nhiều muối dù trong thời gian ngắn hay dài đều có tác động tiêu cực đến sức khỏe.
Muối được tạo thành từ natri và clorua là loại gia vị phổ biến nhất khi chế biến món ăn. Natri là một khoáng chất cần thiết cho cơ bắp và chức năng thần kinh, còn clorua lại giúp cơ thể duy trì cân bằng nước và khoáng chất phù hợp.
Dù thêm muối có thể đem đến một số lợi ích sức khỏe, nhưng ăn nhiều muối thường xuyên lại dẫn đến nhiều ảnh hưởng không tốt, bao gồm cả những triệu chứng ngắn hạn và biến chứng lâu dài. Sau đây là những tác động đến sức khỏe khi bạn ăn quá nhiều muối.
Ảnh hưởng ngắn hạn khi ăn nhiều muối
Ăn nhiều muối hơn cần thiết trong cùng một lúc, như một bữa ăn hay suốt một ngày có thể gây ra nhiều triệu chứng ngắn hạn.
1. Cơ thể tích nước
Đầu tiên, bạn sẽ dễ cảm thấy đầy hơi, bụng căng phồng hơn bình thường. Nguyên nhân là do thận sẽ duy trì tỷ lệ nước – natri trong cơ thể. Vì thế, khi bạn bổ sung thêm natri, cơ thể sẽ giữ thêm một lượng nước tương ứng.
Cơ thể tích nước có khả năng xảy ra tình trạng sưng phù, đặc biệt là ở bàn tay và bàn chân, khiến bạn nặng hơn bình thường.
2. Tăng huyết áp
Một bữa ăn có hàm lượng muối cao có thể khiến máu lưu thông nhiều hơn thông qua mạch máu và các động mạch chính, dẫn đến việc tăng huyết áp tạm thời. Tuy nhiên, những người kháng hấp thụ muối có thể không gặp phải tình trạng này.
Mức độ nhạy cảm với muối bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như nội tiết tố, di truyền, lão hóa hay béo phì. Do đó, ăn nhiều muối không tự động làm tăng huyết áp của tất cả mọi người.
Thường xuyên ăn mặn sẽ làm tăng huyết áp của bạn
3. Hay cảm thấy khát
Ăn mặn khát nước là hệ quả tất yếu. Một chế độ ăn nhiều muối sẽ khiến bạn bị khô miệng hay thường xuyên cảm thấy khát. Đây là dấu hiệu cơ thể muốn bạn bổ sung thêm nước để cân bằng lại lượng natri đã tiêu thụ.
Khi uống nước nhiều hơn, tần suất đi vệ sinh cũng sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, nếu không uống thêm nước sau khi ăn mặn, lượng natri trong cơ thể cao hơn mức an toàn, bạn sẽ bị tăng natri máu. Tình trạng này có thể khiến nước thoát ra khỏi tế bào và lẫn vào máu, gây ra các triệu chứng như lú lẫn, có giật, hôn mê, bồn chồn, khó thở, khó ngủ và trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong.
Ảnh hưởng dài hạn khi ăn nhiều muối
Ăn nhiều muối liên tục trong thời gian dài sẽ để lại nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đối với sức khỏe.
1. Bị cao huyết áp
Tương tự như ảnh hưởng ngắn hạn, chế độ ăn với hàm lượng muối cao trong thời gian dài sẽ khiến huyết áp tăng lên đáng kể, ngược lại, hạn chế hấp thụ muối có thể giúp bạn giảm huyết áp hiệu quả hơn. Người thường bị huyết áp cao sẽ giảm được nhiều hơn, gấp 2 lần so với người có huyết áp bình thường khi áp dụng chế độ ăn giảm muối.
Những tác động này cũng có nhiều mức độ khác nhau tùy vào thể trạng của mỗi người, có nhạy cảm với muối hay không, có bị béo phì hoặc lão hóa hay không.
2. Tăng nguy cơ ung thư dạ dày
Ăn nhiều muối có thể làm dạ dày bị ảnh hưởng trong thời gian dài
Ăn nhiều muối sẽ dễ làm bạn bị loét bao tử hay viêm niêm mạc dạ dày. Một số nghiên cứu với gần 300.000 người tham gia cho thấy, trung bình ăn 3g muối mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư dạ dày lên 68% so với người chỉ ăn 1g muối.
Cơ thể ăn bao nhiêu muối là đủ?
Một trong những tác động lâu dài khi ăn nhiều muối là làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim hay tử vong sớm. Tuy nhiên, những tác hại này chưa được chứng thực hoàn toàn, cũng như trường hợp tử vong do ăn quá nhiều muối hiếm khi xảy ra vì bạn cần ăn khoảng 35 – 70g muối mỗi ngày mới gây hậu quả trên.
Những người gặp vấn đề về sức khỏe như suy tim, mắc bệnh gan, thận có thể dễ tử vong nếu họ thường xuyên tiêu thụ quá 10g natri mỗi ngày, tương đương với 25g muối.
Các cơ quan y tế thường khuyến cáo mọi người hạn chế lượng natri tiêu thụ ở mức 1.500 – 2.300mg/ngày, tương đương với 3,8 – 5,8g/ngày hoặc 2/3 – 1 thìa cà phê.
Nêm nếm muối với lượng vừa phải sẽ giúp bạn đảm bảo sức khỏe hơn
Phải làm gì khi bạn ăn nhiều muối?
Uống nước: Nếu lỡ tiêu thụ muối nhiều hơn cần thiết, bạn nên bổ sung thêm nước để cân bằng tỷ lệ nước và natri an toàn.
Ăn thực phẩm giàu kali: Bên cạnh đó, ăn các loại thực phẩm giàu kali như sữa, trái cây, rau, các loại hạt, đậu và quả hạch có thể hỗ trợ cân bằng lượng chất lỏng trong cơ thể. Chế độ ăn giàu kali có thể hạn chế một số tác động khi bạn ăn quá nhiều muối, đồng thời chế độ ăn ít kali đôi khi sẽ làm cơ thể bạn tăng độ nhạy cảm với muối.
Cuối cùng, bạn nên cố gắng giảm lượng muối tiêu thụ trong các bữa ăn. Ngoài chú ý đến thực đơn và giảm gia vị khi nêm nếm, bạn cần lưu ý rằng 70 − 80% lượng muối mà cơ thể hấp thụ thường bắt nguồn từ những món ăn chế biến sẵn. Vì vậy, chọn thực phẩm tươi, ít nêm muối là cách tốt nhất để giảm hàm lượng natri không cần thiết.
Tuy muối có thể giúp bạn bổ sung natri, nhưng ăn nhiều muối sẽ khiến sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Hãy chú ý đến chế độ ăn hàng ngày để giảm hàm lượng muối tiêu thụ vượt mức an toàn.
Để theo dõi các bí quyết dinh dưỡng, sống khỏe hay các bài tập luyện, bạn hãy truy cập website www.leep.app hoặc tải ngay LEEP.APP tại đây.
Nguồn tham khảo
What Happens If You Eat Too Much Salt? https://www.healthline.com/ Ngày truy cập: 15/08/2020