COVID-19 lây lan qua con đường nào? Làm sao có thể ngăn bản thân không bị nhiễm bệnh?

COVID-19 lây lan qua con đường nào? Làm sao có thể ngăn bản thân không bị nhiễm bệnh?

Trước tình hình đại dịch COVID-19 đang hoành hành khắp thế giới và người dân cả nước đang thực thi lệnh giãn cách xã hội, bất cứ ai trong chúng ta cũng không nên chủ quan mà cần tìm hiểu và trang bị cho mình cũng như gia đình những kiến thức cần thiết để phòng dịch bệnh. Đặc biệt, những ngày vừa qua có nhiều trường hợp ghi nhận bị lây nhiễm chéo. Hãy cùng LEEP.APP tìm hiểu về con đường lây lan bệnh của virus Corona và có biện pháp phòng chống dịch bệnh này nhé!

Nhiều người thắc mắc là COVID-19 lây truyền bằng con đường nào mà tốc độ kinh khủng vậy. Tính đến 18 giờ ngày 15/4/2020, trên thế giới đã có hơn 2.014.000 người nhiễm bệnh. Tại Việt Nam, số ca nhiễm đã lên đến 267 người. Vậy COVID-19 đã lây qua con đường nào? Câu trả lời sẽ được giải đáp ngay sau đây.

Giao tiếp, trò chuyện có lây nhiễm COVID-19?

William Ristenpart, giáo sư kỹ thuật hóa học tại Đại học California, Davis, Mỹ cho biết: “Có khả năng COVID-19 chủ yếu lây lan qua các hạt chất lỏng có đường kính nhỏ hơn 5,08µm, được gọi là aerosol, có thể phát ra khi mọi người nói chuyện”.

Những hạt chất lỏng phát ra khi trò chuyện rất nhỏ và khó nhìn thấy bằng mắt thường. Tuy nhiên, khi hắt hơi, bạn sẽ thấy các giọt nước li ti bắn ra. Điều này làm nhiều người nghĩ rằng hắt hơi hoặc ho mới là nguyên nhân góp phần lớn vào việc lây lan, ông Ristenpart cho biết.

Trong một nghiên cứu năm 2019 trên tạp chí Nature Scientific Reports, Ristenpart và các đồng nghiệp của ông đã điều tra xem có bao nhiêu hạt chất lỏng văng ra khi một người nói chuyện bình thường. Kết quả là có từ 1 – 50 hạt/giây khi họ nói. Điều này tùy thuộc vào âm lượng hoặc mức độ nói của một người.

Theo giáo sư Ristenpart, bạn nói càng to thì càng tạo ra nhiều hạt aerosol. Trên tạp chí Khoa học và Công nghệ Aerosol, giáo sư Ristenpart tiết lộ một cuộc nói chuyện bình thường kéo dài 10 phút với bệnh nhân không có triệu chứng có thể phát ra khoảng 6.000 hạt aerosol mà mắt thường khó nhìn thấy được.

Giao tiếp thông thường cũng có thể là nguyên nhân lây lan COVID-19 nếu không đeo khẩu trang

Giao tiếp thông thường cũng có thể là nguyên nhân lây lan COVID-19 nếu không đeo khẩu trang

Ho và hắt hơi là con đường chính lây nhiễm bệnh COVID-19

Bản thân virus SARS-CoV-2 không thể di chuyển bất cứ đâu, trừ khi nó “quá giang” vào giọt dịch mũi hoặc nước bọt mà con người hắt hơi, ho. Vậy đâu là con đường khiến virus có thể xâm nhập vào cơ thể con người? Virus có thể xâm nhập vào cơ thể qua màng nhầy trên mặt bạn như mắt, mũi hoặc miệng dẫn trực tiếp đến cổ họng và phổi. Tin tốt lành là loại virus Corona này không thể đi qua cơ thể qua các bộ phận khác như tóc, da.

  • Trước hết, nếu bạn đứng gần một người bị mắc bệnh, những giọt nước do ho hoặc hắt hơi có thể bắn trực tiếp vào mắt, mũi hoặc miệng của bạn. Từ đó, virus sẽ xâm nhập ngay vào cơ thể bạn.
  • Những giọt nước chứa virus cũng có thể rơi xuống bề mặt nơi mà bạn có thể đặt tay lên. Nếu không rửa tay, những người này có thể dễ dàng đưa virus vào mắt, mũi hoặc miệng và bị nhiễm bệnh.
  • Người bị nhiễm bệnh cũng có thể lây cho người khác với việc dùng tay che miệng khi ho hoặc hắt hơi, sau đó vô tình cầm, nắm những đồ vật xung quanh, nơi nhiều người cũng có thể đặt tay lên đó. Đặc biệt, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cảnh báo là người trẻ là đối tượng vô tình lan truyền COVID-19.
  • Tiếp xúc trực tiếp cũng có thể lây lan virus. Điều này xảy ra khi hôn.
  • Virus cũng có thể lây lan bằng cách dùng chung các vật dụng đi vào miệng, mắt hoặc mũi như dao nĩa (ăn món tây), cốc, ống hút, chai nước hoặc mỹ phẩm.

Đeo khẩu trang khi ho cũng góp phần giảm tình trạng lây lan bệnh

Đeo khẩu trang khi ho cũng góp phần giảm tình trạng lây lan bệnh

Thời gian ủ bệnh cho SARS-CoV-2 (tức là thời gian giữa khi tiếp xúc với virus và khởi phát các triệu chứng) hiện được ước tính trong khoảng từ 2 – 14 ngày. Trong giai đoạn này, virus có thể lây truyền khi những người nhiễm bệnh có triệu chứng (giống như cúm). Tuy nhiên, vẫn còn những điều không chắc chắn là liệu các trường hợp nhẹ hay không có triệu chứng có thể lây truyền virus Corona hay không.

Làm sao có thể ngăn bản thân không bị nhiễm bệnh?

Làm sao có thể ngăn bản thân không bị nhiễm bệnh?

  • Rửa tay thường xuyên và đúng cách là cách tốt nhất để ngăn bạn khỏi bị nhiễm COVID-19. Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch trong ít nhất 20 giây. Trong trường hợp không có xà phòng và nước sạch, bạn dùng các sản phẩm vệ sinh tay có chứa cồn (ít nhất 60% cồn).
  • Súc miệng, họng bằng nước muối hoặc nước xúc miệng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để phòng lây nhiễm bệnh.
  • Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở). Khi cần thiết phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách trên 2m khi tiếp xúc.
  • Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
  • Người có các triệu chứng sốt, ho, khó thở không đến nơi tập trung đông người. Gọi điện ngay cho cơ sở y tế trước khi đến để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây nhằm được hỗ trợ đúng cách. Sau đây là danh sách số điện thoại các bệnh viện, bạn có thể gọi ngay khi nghi ngờ mình mắc bệnh nhé.
  • Hạn chế đến các nơi tập trung đông người. Trong trường hợp cần phải đi, bạn chú ý thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân như đeo khẩu trang, rửa tay với xà phòng khi trở về nhà.
  • Tăng cường thông khí khu vực nhà ở bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng máy điều hòa.
  • Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn khác.

Nguồn tham khảo

How does COVID-19 spread and how can I stop myself from getting it? https://www.health.qld.gov.au/news-events/news/novel-coronavirus-covid-19-how-it-spreads-transmission-infection-prevention-protection? Ngày truy cập 14/4/2020

COVID-19 may spread through breathing and talking — but we don’t know how much https://www.livescience.com/covid19-coronavirus-transmission-through-speech.html Ngày truy cập 14/4/2020